Võ cổ truyền Bình Định - di sản độc đáo.

Ngày nay khách du lịch đến đây, ngoài việc xem biểu diễn từ các đội chuyên nghiệp, du khách có thể tham quan việc luyện võ trực tiếp từ người dân lao động bình thường nơi thôn dã với các địa danh nổi tiếng như “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hoặc “trai An Thái, gái An Vinh” (Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận – Tây Sơn, An Vinh thuộc xã Tây Vinh – Tây Sơn , An Thái thuộc xã Nhơn Phúc – An Nhơn) hoặc chùa Long Phước (xã Phước Thuận – Tuy Phước) là những nơi xuất phát của võ cổ truyền Bình Định. Du  khách có thể đến nhà biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung hoặc các võ đường khác như: Phan Thọ (Bình Nghi – Tây Sơn), Hồ Cương (Bình Thuận – Tây Sơn), Lý Xuân Hỷ (Đập Đá – An Nhơn), Phi Long Vịnh (Phước Sơn – Tuy Phước)… để tận mắt chiêm ngưỡng các cô gái chàng trai trong những bài quyền, roi, kiếm… mạnh mẽ, uyển chuyển.

Đi qua nhiều lò võ làng, thỉnh thoảng ta đều thấy hình ảnh những chàng trai, cô gái ngoại quốc tham gia học võ với những chú mục đồng chăn trâu hay chị nông dân chân lấm tay bùn. Sau một ngày cặm cụi trên đồng, nhiều nông dân buông cái cuốc cái cày, cầm roi cầm thương luyện võ. Sau một ngày học tập, những đứa trẻ xếp lại sách vở, tìm niềm vui nơi võ đường. Sau một ngày chăm lo việc đạo, các nhà sư dưỡng tâm bằng võ thuật…Theo thời gian, những tinh hoa của võ Bình Định tiếp tục được lưu truyền. Không chỉ được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác, lan tỏa từ dòng họ này sang dòng họ khác, làng này sang làng khác, võ Bình Định còn gắn với Địa danh làng, xã….

Theo sử sách, võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ XV, sau khi nhà Lê mở rộng nước Đại Việt về phía nam. Ở những ngôi làng ven sông Côn, người dân học võ để phòng thân, để đương đầu với những bất trắc. Thời gian trôi qua, võ thuật dần dần được chọn lọc, đúc kết, truyền dạy một cách bài bản. Võ Bình Định đa dạng nhờ hội tụ được các dòng võ thuật khác nhau, song vẫn có nét đặc trưng. Võ sư không chỉ dạy võ thuật mà còn đề cao việc rèn luyện đạo đức, tinh thần trượng nghĩa. Đỉnh cao võ thuật và võ đạo Bình Định - Tây Sơn được thể hiện trong cuộc khởi nghĩa do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, lập nên những chiến công chống giặc ngoại xâm vang dội lịch sử mà con cháu đời sau luôn tự hào, ghi nhớ.
Xưa kia, võ Bình Định được chia thành 4 bộ môn: côn, quyền, kiếm, cổ - tức là trống. Võ sinh thuộc môn phái cổ thường đeo trống bên mình để luyện võ, đánh, đấm, đá vào trống; tiếng trống vang rất xa. Nay võ Bình Định đã chinh phục nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau, không ít bạn bè Tây học võ ta và tìm thấy những điều thú vị để phát triển du lịch.

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí