Chapo: Khi nhận được lời mời ghé thăm rừng Cát Tiên, tôi đã nhận lời ngay không chút đắn đo. Bởi, Cát Tiên không chỉ là “lá phổi xanh” của miền Đông Nam Bộ, mà nó còn là khu rừng nguyên sinh với bao điều thú vị. Trải qua 48h trong khu rừng cấm nổi tiếng, với nhiều cảm xúc đan xen khó tả, vượt lên chính mình không phải là điều dễ dàng…
Ngày thứ 1- Hành trình 15km đến Bàu sấu:
Anh …..Chinh - Giám đốc khu Du lịch Cát Tiên đã nghi ngại và mắt tròn mắt dẹt khi nghe chúng tôi quyết định “hành quân” bộ từ trạm đến Bàu Sấu, anh cẩn thận dặn: “nếu có thay đổi thì cứ alo, xe của trạm sẽ tới hỗ trợ”! Chúng tôi tiến về Bàu Sấu với chiếc balô to đùng cùng niềm hăng hái của lần đầu thử nghiệm sức mình trong việc chinh phục rừng nguyên sinh…
Mùa này, rừng Cát Tiên đang trong mùa nắng gay gắt và oi bức khủng khiếp, cây cối um tùm nhưng sắc lá phai nhạt và xác xơ. Dòng sông Đồng Nai thu hẹp thoạt trông như một con suối lặng lẽ. 8h sáng, thời tiết nóng kinh hoàng, cả nhóm vừa cười đùa, chọc ghẹo và lần lượt đi qua các địa danh: Bến Cự, thác Cổng Trời, thác Mỏ Vẹt v.v… dù đã xem qua nhiều bài viết về các chuyến du lịch bụi, những hình ảnh của các con thác này, nhưng hiện nay, nơi đây không có dòng nước nào mà chỉ trơ ra những rãnh đất đá lởm chởm hâm hấp nóng. Dò hỏi thì tôi được biết, vào mùa mưa, con sông Đồng Nai trở nên hung dữ và cuồng loạn, dòng nước lũ từ đầu nguồn kéo về có khi cao đến 5m so với hiện nay, thầm nghĩ, nếu không chú ý bảo vệ rừng đầu nguồn thì khu rừng này trong tương lai sẽ dần thu hẹp dẫn đến cạn kiệt!
Trải qua gần 7 giờ vừa đi vừa lết, Chúng tôi đặt chân vào Trạm Bàu Sấu - những chai nước mang theo đã rỗng tuếch. Cơn gió mát rượi từ Bàu Sấu đưa lại khiến cả nhóm tỉnh hẳn, tranh thủ cơn nắng chiều lung linh vàng óng trên bóng lá, chúng tôi thuê hai chiếc thuyền nhỏ dạo chơi trên bàu với mong muốn sẽ chụp được vài chú sấu đang lim dim thả mình trôi trên mặt nước…
Bàu Sấu rộng khoảng 250ha, vào mùa mưa thì nơi đây giống như một túi chứa nước mênh mông, thoạt trông dễ tưởng đây là một cái hồ giữa rừng nguyên sinh. Các anh kiểm lâm của trạm cho biết, năm 1998 ban giám đốc đã thả xuống bàu 38 chú cá sấu Xiêm với dự án khôi phục lại những động vật đã từng sinh sống tại khu rừng này mà nay đã bị tận diệt. Nhờ sự chăm sóc và bảo tồn đúng mức; đàn cá sấu đã thích nghi và sinh sôi tự nhiên trong bàu. Khua nhẹ mái chèo, chúng tôi từ từ bơi xuồng dạo quanh, những chú chim bói cá lao mình từ trên cao đớp vội một chú cá cùng tiếng xào xạc của mái chèo làm cả đàn chim vỗ cánh như một đàn ong vỡ tổ. Xa thật xa có một vệt loang dài tên mặt nước, có lẽ một chú cá sấu nào đó đang phơi mình trên cạn nghe tiếng động đã vội lủi xuống bàu, điều thích thú nhất là cá trong Bàu Sấu nhiều vô kể. Các anh kiểm lâm đã thết chúng tôi một bữa cơm cá 7 món gồm: canh cá nấu măng, chả cá chiên, cá kho tộ, cá sốt cà, cá nướng mọi, gỏi cá bóp khế, cá hấp. Một bữa cơm thật sự nhớ đời!
Cảnh rừng về đêm thật lặng lẽ, tiếng vạc kêu sương trong ánh trăng làm mọi vật thêm huyền ảo. Theo chân các anh kiểm lâm dạo quanh bàu, chúng tôi thấy những đôi mắt khi xanh khi đỏ phản chiếu ánh đèn pin loang loáng. Quang – một kiểm lâm cho biết, đó là mắt của các con thú được bảo tồn trong rừng Cát Tiên. Lúc này là giờ thú ra bàu uống nước! Anh vừa dứt lời bóng một chú nai lao vụt qua ánh đèn trước mặt…
NGÀY THỨ 2: XUYÊN RỪNG ĐẾN TÀ LÀI
Hôm sau, bữa ăn sáng của các anh kiểm lâm đãi chúng tôi là nồi cháo cá thơm phưng phức. Trí – người bạn cùng nhóm đề nghị ăn thật no vì chương trình hôm nay là cả nhóm sẽ xuyên qua 5 vạt rừng để đến Tà Lài (bản của người Châu Mạ).
Khởi hành từ 9 giờ sáng, hành trang được nâng niu nhất là những chai nước mà các anh kiểm lâm đã nấu và châm cho chúng tôi vào các bình đầy ứ. Tạm biệt Bàu Sấu, chúng tôi theo sát chân Vững – một hướng dẫn viên từng du học tại Malaysia 4 năm nhưng do yêu rừng đã quyết định về đây làm việc. Khoảng cách 18km từ Bàu về Tà Lài so với hôm qua chỉ nhỉnh hơn 3km nhưng theo Vững đây là một chương trình mạo hiểm vì muốn đến đích chúng tôi phải vượt qua 5 địa hình là bãi đá ong nham thạch cổ, rừng thường xanh, rừng cát vàng, rừng lồ ô, trảng cỏ cùng vài khe sâu do vệt nứt của các núi lửa còn sót lại. Cả nhóm đi lặng lẽ vì biết nói nhiều sẽ mau mất sức và khát nước. Cheo leo trong 4km đầu tiên, chân chúng tôi đã bị bầm dập vì bị các tảng đá ong lởm chởm rêu phủ trơn trợt cắt vào chân đau buốt. Rừng xanh dầy đặc không có lối mòn, tất cả dựa theo vết sơn vàng của các anh kiểm lâm quệt vào cây để làm dấu.
Vững chợt sững lại, để nhẹ tay lên miệng, chúng tôi đứng như trời trồng! Cách đó khoảng 2m, một chú hổ mang bành dài thậm thượt đang sưởi nắng trên một tảng đá vội vã bò đi sau khi phè nguyên quai hàm dọa nạt. Lúc này, tai tôi lùng bùng nghe câu được câu mất của Vững về cây Tung độ tuổi hơn ngàn năm có gốc to đến 12 người ôm không xuể; cây đa bóp cổ với câu chuyện thân tự tách đôi và bóp chết những cây nào mọc lọt vào giữa nó; dây bàm boạp uốn éo như một con rắn thả mình từ trên cao… vò mớ lá sa nhân thơm thơm, tôi xoa lá vào mũi và cảm thấy khỏe hơn dù mắt đã nổ đom đóm vì cơn khát đang hành hạ.
Có đi rừng ta mới cảm được câu “rừng vàng biển bạc”, tôi mê say ngắm đàn bướm rừng rập rờn bao màu sắc, chú ong bầu vo vo bên nụ hoa Lan Hài tuyệt quý đong đưa trên gốc sao già, tiếng động trên cây làm tôi ngửng đầu và chợt nhận ra mình đang đối diện một chú voọc trắng thuộc thú quý nằm trong danh sách đỏ, những đám nấm linh chi cùng nấm tai mèo chi chít mọc trên các thân cây mục nhưng điểm đặc biệt của khu rừng này là sự tồn tại của loài Tê gíac Java cùng đàn bò tót, voi châu Á, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, nai, đại bàng đen, vịt trời cánh trắng, chim mỏ sừng lớn (những động vật nằm trong danh sách đỏ của Thế giới). Vì vậy cũng dễ hiểu là tổ chức bảo vệ hoang dã quý hiếm của Thế giới đã có những cuộc khảo sát và đề nghị đưa rừng Cát Tiên vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển cần bảo tồn đặc biệt để các chuyên gia đến nghiên cứu và làm việc lâu dài!
Gần 3 giờ chiều, Vững loay hoay tìm dấu nhưng cuối cùng đành phải chào thua, rừng xanh âm u dần tối khi bóng nắng đang nhạt hẳn, lộn quay về đường cũ, chúng tôi quyết định đi một hướng mới để đến Tà Lài dù lúc này balo đã nhẹ tênh vì cả nhóm không còn chút nứơc uống nào…
Lần mò trong rừng tối…
Sự im lặng bao trùm lên cả nhóm, ai ai cũng quá mệt, không còn sức nói với nhau câu nào… cơn khát cháy khô cổ… đối với tôi lúc này được uống một ly trà đá là điều hạnh phúc nhất! Vững động viên, khoảng 3 giờ đi bộ nữa sẽ tới suối để tiếp nước. Lần mò đi trong rừng với gai cào và lũ vắt bắt đầu ra quân tấn công, cả nhóm cố gắng lết về phía trước…
Hơn 6 giờ chiều, dòng suối hiện ra trước mặt, tôi và Vững lao xuống đầu tiên, vục mặt uống nước không kịp thở. Nhóm sau cũng vừa ùa tới, tất cả ngụp đầu trong nước, uống thỏa thuê. Lăn lộn trong suối gần 30 phút, Vững ra hiệu chúng tôi lên đường. Màn đêm đen kịt đang bao phủ mà đường đến Tà Lài vẫn còn mãi xa...
Tôi không nhớ kịp đã theo Vững qua các vạt rừng nào nữa, chỉ nhớ khi tới khu rừng lồ ô bị các lá gai của tre, gầu, song, nứa cắt vào người chảy máu, xát vội cồn và thuốc Deep, cả nhóm băng băng đi tới vì nếu không ra khỏi rừng thì e là một cô bạn sẽ không chịu đựng nổi và…
Chiếc đèn pin leo lét trong đêm, quanh tôi có tiếng thở phì phì của một con vật nào đấy (sau này Vững bảo đó là tiếng thở của rắn hổ mang Chúa), các đôi mắt thú ẩn hiện rất gần, những chú dơi xào xạc bay chấp chới trong ánh đèn. Vượt qua ba vực sâu khô cạn, cuối cùng chúng tôi đi qua một chiếc cầu khỉ chênh vênh bé tí! Chiếc cầu này bình thường tôi không thể vượt qua, nhưng lúc này bản năng sinh tồn làm tôi nhẹ nhàng đi trên chiếc cầu mà không chút nao núng. Trước mặt tôi, trảng cỏ đã gần lắm… xa xa, tiếng xe của trạm hụ còi trong đêm nhằm báo cho chúng tôi biết mọi người ở Trạm vẫn luôn theo sát và hỗ trợ chúng tôi trở về an toàn.
Thoát!
Qua trảng cỏ, chúng tôi vượt thêm một cách đồng lúa rộng hơn 1km, ranh giới của rừng và bản làng Châu Mạ. Trong ánh trăng đêm, chân đạp lên những gốc rạ cứng đau nhoi nhói (sau này mới biết đôi giày của tôi đã rách bươm vì lội bộ 40km trong rừng). Ánh đèn của các anh kiểm lâm bật lên loe lóe cùng tiếng còi toe toe vang động cả không gian cây cỏ. Chạy vội về hướng đèn, các anh đã đem theo nước và khăn hỗ trợ. Cuộc chinh phục Tà Lài kết thúc với kim đồng hồ chỉ gần 11 giờ đêm. Một kỷ lục đi bộ quá chậm cho gần 23km xuyên rừng cấm!
Không còn đủ sức để đợi đến Trạm uống nước, Anh tài xế đưa chúng tôi vào bản và tôi đã làm một kỷ lục là uống hai chai nước ngọt chỉ trong 1 phút! Chiếc xe pickup lắc lư trên chuyến đường gồ ghề đưa chúng tôi tới bến phà qua sông để trở về thành phố. Vững chạy đâu đó và khi trở lại đã tặng tôi một trái bắp nướng thơm hôi hổi. Lúc này, tôi mới đổ bỏ những chai nước hứng ở suối và hơi lạnh người khi nhìn thấy màu nước xanh xanh dưới ánh đèn đêm.
Chào tạm biệt rừng Cát Tiên với khu sinh quyển đa dạng, khu Ramsar độc đáo trên đất Việt, khu thánh tích của những di chỉ tiền sử Phù Mỹ mà các nhà khoa học mới khám phá đã làm kinh ngạc Thế giới, vì dấu tích của một thời đại đồ đá đồ đồng với văn hóa tôn giáo Balamôn cùng Hindu đã từng hiện diện rực rỡ tại nơi đây… Tôi biết, rất khó có lần thứ hai để mạo hiểm lang thang trong rừng Cát tiên một lần nữa, nhưng với tôi, rừng Cát Tiên đã lưu trong tôi nhiều kỷ niệm, từ đôi chân sưng phồng vì vượt qua những chông gai cho đến cơ thể chi chít dấu vắt cắn và cái cổ sưng to vì bị ong đốt. Nhưng có qua những gian nan như thế, tôi mới hiểu được bản năng vượt lên chính mình và sức mạnh của tình đồng đội! Quan trọng hơn hết là yêu rừng, quý rừng và giữ gìn thiên nhiên…
Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí