Betta - sắc màu mê hoặc


Cũng giống như tổ tiên của chúng, cá Betta cũng được người chơi chia thành hai dạng để chơi là: cá đá và cá kiểng. Chơi cá kiểng thiên về màu sắc hình thể, vẫy, đuôi và hình dáng của cá. Chính sự phong phú này làm cho người chơi có rất nhiều sự lựa chọn khi chơi.

Nữ hoàng sắc màu
Nói về màu sắc thì cá Betta xứng đáng được mệnh danh là “nữ hoàng” vì chúng có rất nhiều màu sắc từ đơn sắc, nhị sắc và trên 2 màu (đa sắc). Có thể đó là chú cá màu trắng, xanh hoặc cam kèm theo những mảng màu sắc sặc sỡ khác của đuôi, vây và vẫy.
Đuôi cá Betta có nhiều loại từ đuôi xòe ra bằng hoặc lớn hơn ½ đường tròn mà người chơi gọi là half moon cho đến những dạng đuôi tưa ra như vương miệng (Crown tail). Trong đó, đuôi half moon cũng được phân ra thành hai kiểu: half moon và half moon plakat. Hafl moon plakat có kích thước và tỉ lệ nhỏ hơn so với half moon nhưng ngược lại thời gian kéo dài độ rực rỡ của nó thì hơn hẳn so với half moon (từ 6 – 7 tháng so với 3 – 4 tuần) và việc lai tạo ra cá Betta đuôi half moon plakat cũng khó khăn hơn rất nhiều. Đuôi half moon chuẩn là phải tạo ra một góc 180 độ, còn lớn hơn thì người chơi gọi là Over. Tức là chơi cá đuôi half moon thì đuôi khi xòe ra phải lớn hơn hoặc bằng 180 độ thì mới đẹp và chuẩn. Cũng giống như đuôi half moon, đuôi cá Betta Corwn tail cũng được chia thành Crown tail và Crown tail Plakat.
Sau đuôi là đến vẫy, cá Betta hiện nay chủ yếu là vẫy rồng – là loại vẫy ánh màu kim loại và rực rỡ giống như rồng, vẫy đó có thể màu trắng, xanh hoặc cam tùy theo sở thích và nhu cầu mà người phối giống sẽ lai tạo ra. Vây cá cũng được người chơi chú ý, đặc biệt là màu sắc và tỉ lệ cân đối cxủa nó so với vây đuôi và vây lưng. Tuy nhiên để có được sự cân đối trong tỉ lệ đó cũng như tạo ra một chú cá Betta sặc sỡ và chuẩn như vậy thì đó cũng là cả một quá trình chăm cá công phu của người chơi.
 


Công phu chăm cá
Công phu chơi cá không chỉ thể hiện ở giá tiền từ vài trăm nghìn đến hơn vài triệu cho một con cá đẹp, mà còn thể hiện ở quá trình lai tạ, chăm nuôi và thuần dưỡng Betta.
Do cá Betta không có nguồn gốc tự nhiên nên buộc người chơi phải lai tạo và phối giống. Để làm được như vậy ngoài kinh nghiệm thì đòi hỏi người chơi phải có kiến thức cơ bản trong lai tạo giống. Theo anh Tô Minh – một người chơi cá Betta lâu năm cho biết: “người chơi phải tự tìm tài liệu và nhờ người có chuyên môn giúp cùng kinh nghiệm bản thân để lai tạo cá. Phải biết được thời điểm cá có thể sinh sản, nếu ép sớm quá thì trứng non và cá con sinh ra sẽ yếu. Ngoài ra, đối với những chú cá bị thuần nhiều quá thì bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên cũng giảm đi. Chẳng hạn, khi đẻ trứng, cá mái có thể ăn trứng và cá càng đẹp thì tỉ lệ ăn trứng càng nhiều”.
Lai tạo đã khó, tạo ra một chú cá Betta đẹp càng khó hơn gấp bội. Đối với những dòng cá khó lai tạo mà người chơi hay gọi là melano thì chỉ dùng khi sản phẩm là cá trống còn nếu ra cá mái thì người chơi cũng bỏ đi vì chúng không có khả năng sinh sản. Anh Minh giải thích: “Vì đối với cá mái dòng melano, khi đẻ trứng sẽ không có lớp màng bảo vệ bên ngoài nên bị thấm nước và hư. Do đó, khi lại tạo ra cá mái thì người chơi bỏ đi và dùng một cá mái trung gian khác mới có thể tạo ra được cá Betta melano”. Còn đối với những chú cá có gen nhưng chưa biểu hiện ra kiểu hình thì phải lai tạo thêm một lần nữa mới cho ra kiểu hình như mong muốn. Do đó tại sao mà trong một lứa vài trăm con người chơi chỉ có thể chọn được vài cặp cá tốt. Tuy nhiên đó mới chỉ là khởi đầu của sự kỳ công.
Khi cá con được sinh ra thì người chơi phải cung cấp thức ăn cho chúng, nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế khó khăn hơn rất nhiều. Không giống như các loài cá khác, cá con Betta chỉ ăn những thức ăn di động và nhỏ, tức là những thức ăn như lăng quăng hay bo bo. Điều đó buộc người chơi phải tìm thức ăn nhỏ hơn là trùng đế giày (trùng cỏ) mà kích thước của chúng chỉ như những đám bụi khi soi lên kính lúp. Loại thức ăn này có nhiều trong các gốc rơm, rạ của lúa và người chơi mang chúng về ươm ra làm thức ăn cho cá con. Khi cá con được khoảng 3 ngày tuổi thì chuyển cho ăn thức ăn khác là những ấu trùng atimi (chỉ có ở nước mặn), ấu trùng này lớn hơn trùng cỏ nhưng nhỏ hơn bo bo. Khi cá con được khoảng 10 ngày tuổi thì người chơi mới cho ăn bo bo. Do đó, giai đoạn quyết định sự sinh tồn của cá con phụ thuộc rất lớn vào 2 giai đoạn đầu.
Khi cá con đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau khi sinh thì người chơi lại tiếp tục phòng ngừa và điều trị bệnh tật cho chúng, mà thông thường là bệnh do ký sinh trùng bám trên da. Nguyên nhân của những căn bệnh này có thể do nguồn nước hoặc những thức ăn dư thừa gây ra. Khi mắc bệnh này thì đuôi của cá trưởng thành sẽ không xòe ra hết cỡ và không được đẹp. Đối với cá Betta khi nuôi khoảng 2 tháng thì người chơi phân biệt được trống hay mái và để xem cá có đẹp hay không thì phải nuôi khoảng 3 tháng.
Hiện nay, người chơi chủ yếu tập trung vào cá Betta vẫy rồng, trong đó rồng đỏ (đuôi đỏ, vẫy trắng) là phổ biến nhất, kế tiếp là rồng xanh (đuôi đỏ, vẫy xanh), rồng cam (đuôi cam, vẫy trắng), rồng vàng (đuôi vàng, vẫy trắng hơi ngã vàng). Ngoài ra, một loại Betta rồng mới cũng được người chơi lai tạo là rồng đen (đuôi đen, vẫy trắng). Tại Việt Nam, hiện nay đã có người chơi lai tạo thành công rồng đen đuôi tưa (Crown tail) và chính điều này làm cho những người đam mê cá Betta nói riêng và những người đam mê sắc màu sặc sỡ của cá Betta nói riêng ngày càng tìm đến thú vui này.
 

Trên thế giới hiện nay, Thái Lan là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cá Betta. Tại Việt Nam số lượng người chơi cá Betta ngày càng phổ biến nhưng chủ yếu là tự phát và tập trung nhiều tại TP.HCM và một số ít các tỉnh miền Tây.
Cá Betta có tuổi thọ trung bình 2 – 3 năm nhưng trong năm đầu tiên là cá cho màu sắc rực rỡ nhất.

 

Toàn Nguyễn