Khi Tép là thú cưng

 

 
Nhỏ nhưng hiếm và “độc”
Thuộc bộ giáp xác, phong trào chơi tép kiểng xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước.Tuy nhiên trong những ngày đầu số lượng người chơi vẫn còn hạn chế. Khi người chơi phát hiện ra khả năng diệt rêu của những sinh vật bé nhỏ này thì phong trào chơi tép kiểng lan rộng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam phong trào này mới nhen nhóm cách đây vài năm và thật sự nhận được sự quan tâm trong 1 năm trở lại đây.
Một phần do người chơi Việt tập trung chơi những sinh vật to lớn hơn, dễ chăm sóc hơn, dễ mua hơn và số tiền chơi cũng ít tốn kém hơn.Khi mà những thú chơi “truyền thống” dần phai nhạt thì người ta mới bắt đầu săn tìm tép kiểng. Qua những bể kính trong suốt, bên trong là một thế giới lung linh đầy màu sắc của các loài tép kiểng khác nhau cùng với những gờ đá, cành cây, rong rêu…
Do là thú chơi còn khá mới mẽ và được du nhập vào Việt Nam nên việc tìm kiếm tép kiểng cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó là cung không đủ cầu cũng như những khó khăn trong việc chăm sóc loài sinh vật nhỏ bé nhưng đáng yêu này. Anh Tuấn – một trong những người chơi đầu tiên tại TPHCM cho biết: “Tép kiểng mới chỉ được biết đến tương đối trong 1 năm trở lại đây, nên việc tìm mua không dễ. Ngoài ra, hầu hết tép đều được nhập từ nước ngoài về nên khả năng cung ứng hết nhu cầu cũng gặp nhiều khó khăn.Vì vậy, nhiều người đã bỏ công sức ra nghiên cứu, học hỏi để lai giống ngay tại Việt Nam”.
Mặc dù vậy giá cả cũng là một điều mà người chơi ngại đến với tép kiểng. Nếu như chơi cá chỉ cần 1 hoặc vài con là được thì chơi tép kiểng số lượng ấy nhiều hơn rất nhiều lần. Những người thâm niên cho biết, chơi tép kiểng phải từ 30 đến 40 con mới đẹp vì một số sẽ lẫn trốn vào thủy sinh. Giá một chú tép cỡ que tăm ít nhất cũng khoảng 40 – 50 ngàn, chưa kể những loài tép “độc” giá cao hơn rất nhiều. Có con giá có thể vài chục đến vài trăm thậm chí cả ngàn USD. Trong đó, có những chú tép có tiền cũng chưa chắc mua được.
 
 
Tép giống - từ vài trăm nghìn đồng đến vô giá
Cũng giống như cá, tép kiểng có rất nhiều màu cho người chơi chọn lựa, trong đó nổi bật nhất là tép mũi đỏ (Red Nose), tép đỏ (Red Cherry), tép vàng, tép xanh… ngoài màu sắc, tép kiểng cũng có nhiều tên gọi khá thú vị như: Tiger, Yamato, Hennessy, Ong đỏ… và tên gọi của nó được đặt theo màu sắc và hình dáng.
 Trong rất nhiều loài tép thì tép Ong có giá cao nhất và hiếm nhất. Một chú tép Ong sọc đen trắng có giá từ 1 đến 7 triệu đồng, còn tép Ong màu trắng sữa thì gần như vô giá vì chúng cực kỳ quý hiếm. Tép Ong cũng có nhiều màu: đen – trắng, đỏ - trắng, xanh. Một con tép giống với kích thước chừng một cây tăm tre với giá vài nghìn đô la là chuyện bình thường với dân chơi tép.– vàng… 
 
Môi trường sống đạt “chuẩn của tép” 
Để có được một bể tép ưng ý đã khó, việc chăm sóc chúng cũng như mua “trang thiết bị” cho chúng cũng không hề đơn giản. Nuôi tép kiếng đòi hỏi người chơi phải có bể kiếng, nước bên trong bể dao động từ 23 – 26 độ và độ PH ổn định ở mức 6.5. Để có được môi trường như vậy thì người chơi phải có máy lạnh cho bể, có xỉ tro của núi lửa để cung cấp can xi và đáy bể phải dùng phân đất của Nhật để ổn định PH.
 
 
Tép kiểng đòi hỏi môi trường sống rất cao, bên trong bể phải bố trí những thủy sinh sao cho thật lãng mạn, thật đẹp và nước phải là nước khoáng. Ngoài ra, người chơi còn phải đầu tư bộ lọc, chất lọc nước, phân đá cây, dung dịch… Một bể tép kiểng hoàn chỉnh cũng mất khoảng 10 triệu đồng.
Nước nuôi tép phải được vệ sinh thường xuyên và thay khoảng 20% thể tích nước mỗi tuần. Để tép kiểng quen với bể, người chơi lâu năm thường bố trí bể theo cách của riêng mình nhưng không thể thiếu nền bể. Người chơi thường lót nền bằng cát hay sỏi, và sỏi thường dùng là sỏi nhỏ để thức ăn không lọt qua được.
Việc chọn nền bể phụ thuộc vào màu của tép kiểng. Phía trên nền người chơi bố trí thêm gỗ lũa để làm “sân chơi” dành cho tép cưng, đồng thời cũng là nơi cung cấp thức ăn cho chúng. Tuy nhiên, nếu dùng gỗ lũa thì không được dùng gỗ chất lượng xấu vì dễ ảnh hưởng đến tép kiểng do thải ra nhiều tạp chất. Đặc biệt, bể nuôi tép kiểng không thể thiếu cây thủy sinh, thông thường người chơi bố trí góc trồng Moos bám trên lũa (Javamoos, Vesicularia dubyana, Pellia…) tạo một nơi lẫn trốn cho tép trong quá trình thay vỏ hay tép con.
 
 
Tỉ mỉ chuyện ăn 
Khi đã có chỗ ở thì chuyện ăn của chúng cũng làm đau đầu người chơi, với kích thước khi trưởng thành khoảng 1,5cm nên thức ăn của chúng khá nhỏ. Thông thường người chơi mua loại thức ăn này ở Thái. Ngoài cho ăn thức ăn, người chơi cũng thường xuyên bổ sung khoáng chất cho chúng. Điều thú vị đối với người chơi mỗi loài tép có một kiểu ăn khác nhau và việc ngắm chúng ăn cũng là niềm vui của rất nhiều người tâm huyết với loài sinh vật này.
Lượng thức ăn cho tép phải tiêu thụ hết trong 1 giờ, nếu còn thừa phải hút đưa ra ngoài để tránh làm ô nhiễm nguồn nước. Ngoài bữa ăn chính, tép còn nhặt rêu, vi sinh vật trong bể để ăn thêm. Vì thế, khi tép ăn thì người nuôi cũng phải “nhấp nhổm” canh chừng xem tép ăn đủ - thiếu ra sao, để mà can thiệp kịp thời.
Đối với những người chơi, giai đoạn đầu làm quen với bể quyết định sự thành bại của việc chơi tép kiểng vì so với các loài cá thì tép kiểng nhạy cảm hơn rất nhiều. Nếu quá trình làm bể không được tiến hành thận trọng thì có thể ảnh hưởng đến sự lột xác của tép và có khi phải trả giá bằng sự sống của tép cưng.
Quá trình chuẩn bị và chăm sóc là gian nan và công phu là thế, nhưng được ngắm nhìn những chú tép kiểng xinh xắn với rất nhiều màu sắc bơi lội, lẫn trốn hay đang tìm mồi trong bể kính tựa như một góc đại dương thì cảm giác lúc đầu sẽ hoàn toàn biến mất.
 
 
Đối với những người nuôi tép Ong sinh sản cần chú ý một số vấn đề sau:
 
- Bể nuôi phải lớn (rất hiếm khi cho tép đẻ thành công trong hồ nhỏ hơn 90L)
- Nhiệt độ từ 21.5 tới 24 độ C, nước có độ cứng vừa phải.
- Nên trồng cây thủy sinh nhằm ổn định chất lượng nước và tạo môi trường tự nhiên cho tép.
- PH ở 7.4 là lý tưởng, thay nước đều đặn,cho tép ăn HBH Vegetable Wafers và HBC Crab & Lobster Bites. Thỉnh thoảng cho ăn thêm rau xanh luộc (bí hoặc xà lách bina) 1 lần/ngày với liều lượng nhỏ.
 
Toàn Nguyễn