Bí ẩn cổ tự ngàn năm

Chùa Thập Tháp toạ lạc trên khu đồi mang tên Long Bích, mặt hướng về núi Mò O (dân gian còn gọi là núi Thiên Bút), nằm yểm hậu sát cạnh thành Đồ Bàn, thuộc thôn Vạn Thuần, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa được bao bọc bởi sông Côn phía sau lưng và sông Bàn Khê phía Bắc nên lúc nào cũng lồng lộng gió. Ngay phía cổng là một bức bình phong có đắp nổi hình long mã phù đồ đặt trên một bệ chân quỳ đã nhuốm rêu phong. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ khẩu, gồm chánh điện, tây đường, đông đường và nhà phương trượng. Giữa cửa chính của ngôi chánh điện có một tấm biển lớn ghi rõ "Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự" bằng chữ Hán. Theo các nhà sử học, đây chính là tấm biển được Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban tặng khi mới lên ngôi. Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc, thời gian bào mòn, tấm biển đã bị hư hại nặng nề. Sau này ngài Mật Hoàng, một thiền sư danh tiếng viết khắc lại. Một bí ẩn luôn thôi thúc trí tò mò của phật tử bốn phương cũng như các nhà khoa học có lẽ nằm ở mười ngôi tháp yểm hậu trên khu gò phía Bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng vẫn còn in đậm dấu vết. Tương truyền đây chính là vùng lãnh uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa.

Theo một số nhà nghiên cứu, đây là ngôi chùa tổ cổ nhất miền Trung thuộc dòng thiền Lâm Tế. Nơi đây cũng lưu truyền không ít câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về "hòn đá chém" được các quan tư pháp nhà Nguyễn dùng làm chỗ hành hình những nghĩa sĩ theo phong trào Tây Sơn; hay sự tích hạt lúa khổng lồ có thể tự nảy mầm trổ hạt mà không cần gieo cấy... Chùa Thập Tháp thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, từ năm 1677. Tính đến nay, lịch sử chùa đã được gần bốn thế kỷ. Phía sau chùa vẫn còn những nền móng nhuốm màu rêu phong.
"Bản tự cung soạn" viết ngày 28/12 năm Kỷ Mùi (1979) hiện lưu giữ tại chùa cũng giải thích: "Chùa Thập Tháp được mang tên "Thập Tháp Di Đà tự". Nguyên trước đây trên khu đồi này có mười ngọn tháp Chăm, sau một thời gian bị điêu tàn, sụp đổ. Vì chùa có mười ngôi tháp nên gọi là Thập Tháp. Còn Di Đà cũng có nghĩa lý tánh bản giác chúng sanh. Tổng hợp hai ý nghĩa trên tổ đình được mệnh danh là "Thập Tháp Di Đà tự".



Được biết, ngoài hệ thống bảo tháp, chùa Thập Tháp hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa vô giá. Trong chùa có đủ ba tạng kinh, giấy khổ rộng và chữ lớn bằng ngón tay út. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, ba tạng kinh này, ngoài chùa Thập Tháp ra, không chùa nào có. Bộ kinh có tuổi thọ nhiều thế kỷ từng trải qua không ít biến cố của lịch sử. Ngoài ra, cổ tự còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú, bộ Đại Tạng kinh Cao Ly... văn bia còn để tại chùa ghi nhận rằng chùa Thập Tháp là hậu thân của am Di Đà được ngài Nguyên Thiều Hoán Bích xây dựng ở làng Thuận Chánh huyện Tuy Viễn vào năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền vương). Sách Đại Nam nhất thống chí nói chùa này được lập năm 1683, nhưng theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lan thì niên đại này có lẽ để ghi nhận lúc chùa đã khánh thành sau một thời gian xây dựng nhiều năm. Đến năm 1691, chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch và câu đối.vô cùng giá trị…

Ngày nay, trải qua nhiều lần trùng tu, tái tạo, cái cũ và cái mới đan xen nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm cổ kính. Năm 1990, Chùa Thập Tháp được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Nay trở thành một địa chỉ điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến tham quan.
 

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí