Bình Định dân dã làn điệu Bài Chòi

Nghệ thuật dân gian nào mà chả hồn nhiên, vì nó đều được thể hiện và đồng sáng tạo bởi những nghệ nhân dân gian. Nhưng có lẽ trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, thì bài chòi và hô bài chòi là nghệ thuật hồn nhiên bậc nhất. Vì Bài Chòi phản ánh một cách sâu sắc về đạo lí nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, những mặt tích cực, tiêu cực trong xã hội, ca ngợi anh hùng dân tộc, đề cao những người biết hy sinh cho người khác, bênh vực những người yếu thế. Chính yếu tố này đã tạo nên sự thẩm thấu, lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật Bài Chòi trong đời sống nhân dân.Từ lâu người Binh Định xem Bài chòi và hô bài chòi là một trò chơi, một buổi văn nghệ nhằm giúp gây hưng phấn, vui thú, giải tỏa cho cả người trực tiếp chơi lẫn người xem.

Một trò chơi, thì trước hết nó phải mang những đặc tính của trò chơi, nghĩa là phải thật sự hồn nhiên, hài hước và vô vụ lợi.Trò chơi bài chòi được tổ chức vào những ngày đầu Xuân nên lại càng phơi phới những tươi vui. Đó là trò chơi có thưởng, có dùng những quân bài, nhưng không phải là trò đánh bạc. Không có chuyện sát phạt, ăn thua nhau về tiền hay vật dụng thưởng qui ra tiền, mà ở đây, chơi là chính, vui là chính, thưởng thức nghệ thuật là chính, thông qua những điệu hô chòi trầm bổng, nhịp nhàng, du dương mà người lĩnh xướng có tên là anh hiệu thể hiện. Anh hiệu - nghệ sĩ ẩn danh - chính là nhân vật trung tâm của bài chòi. Đó là một nghệ sĩ dân gian diễn xướng những bài bản có sẵn lẫn những sáng tạo tức thời mang tính ngẫu hứng, những bài thơ ứng tác đậm dấu ấn cá nhân.

Có thể nói, anh hiệu chính là một nhà thơ dân gian, một người ngày xưa ít nhiều có học trong làng, dù dở dang. Và nhất là có năng khiếu đặt vè, hát thơ, sáng tác và nhất là ứng tác rất linh hoạt những bài vè hay thơ lục bát, lục bát biến thể một cách trực tiếp, hài hước, tươi vui, nhuần nhị. Có thể ngày xưa mỗi tổng hay mỗi làng đều có những anh hiệu như thế, họ vừa là nghệ sĩ bình dân vừa là tinh hoa văn nghệ của làng. Tôi nghĩ, có thể họ cũng được miễn những công việc tạp dịch trong làng, nhất là những khi làng có việc. Vì việc lớn nhất của họ mỗi độ Xuân về là làm anh hiệu, là hô bài chòi, phục vụ dân làng và bá tánh, thế cũng là đủ.



Sự hồn nhiên của nghệ thuật bài chòi bắt đầu từ anh hiệu, còn sự hồn nhiên dí dỏm thông minh của anh hiệu lại bắt đầu từ nhân dân. Là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam... Sự sâu lắng, ngọt ngào của làn điệu bài chòi, có lẽ thuộc  vào hàng bậc nhất. Tình yêu đối với loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc được lưu truyền từ ngàn xưa này khiến con người ta luôn thổn thức…Để bảo tồn và phát huyNghệ thuật bài chòi vừa qua tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Bài Chòi”. Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài Chòi để đạt mục tiêu trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, giá trị và bản sắc của Bài Chòi vẫn phải tiếp tục được khẳng định, tôn vinh. Song song đó, không thể xem nhẹ công tác bảo tồn, nuôi dưỡng di sản trong đời sống cộng đồng, đây không chỉ là tiêu chí quan trọng của Unesco mà còn là cách bảo tồn di sản bền vững nhất hướng tới là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Nghệ thuật Bài Chòi” của Nam Trung bộ đang được các cơ quan chức năng chuẩn bị hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


                                     

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí