Chơi kiểng ngày xuân

Theo anh Thái Văn Thiện - một nghệ nhân có truyền thống 03 đời chơi cây kiểng nổi danh với việc kiến tạo cây kiểng 30 năm tuổi trông như hàng trăm năm tuổi – cho biết: “Thú chơi yêu thích của tôi nghiêng hẳn về Bonsai, tức là loại cây cổ thụ với hình dáng bé nhỏ được đặt trong chậu và thật giống như những cây cổ thụ lớn. Thú chơi này khởi nguồn từ Trung Quốc nhưng người Nhật Bản đã chăm chút và phát triển thành “Hoa kiểng đạo” với tên gọi bonsai.

Riêng trên quê Việt, nghệ thuật chơi hoa kiểng cũng có từ lâu đời và trước đây vốn chỉ dành cho nhà quyền quý”. Thuở xưa, người chơi cây kiểng thường vận dụng thuyết Khổng tử hoặc Lão tử trong việc kiến tạo cây nên kiểng thường có dáng như “Tam cang Ngũ thường”, “Lão bạng sinh châu” hoặc “Tam tùng tứ đức”… với hàm ý ngắm kiểng chơi cây cũng phải có sự giáo dưỡng răn dạy luân lý cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, quan niệm này đã được mở rộng và thoáng hơn vì qua thực tế các nghệ nhân tự nhận ra mọi thứ như một vòng tròn và trở về thiên nhiên vẫn là đẹp nhất nên hiện tại người chơi kiểng không còn gò bó bởi các nguyên tắc cũ mà chỉ cần tạo ra một cây có kiểu dáng đẹp và quan trọng hơn là khi ngắm cây, ta cảm được tâm tư nghệ nhân muốn chia sẻ thì đó là một cây kiểng hội tụ đủ vóc dáng và tâm hồn.

Nghệ nhân Trần Thị Phước - người kiến tạo mô hình “vườn nhà Nam bộ” tại Festival sinh vật cảnh xuân 2006 chia sẻ: “Chơi hoa kiểng rất cực vì phải học cách chăm sóc chúng như chăm con nhỏ, đồng thời phải biết cây  thuộc nhóm nào, đặc tính ra sao để biết chiều chuộng và khi uốn nắn thành cổ thụ để vào chậu đòi hỏi người chơi phải biết kỹ thuật tốt, chậu hoa hay kệ để chậu hoa cũng là một yếu tố rất quan trọng góp phần hài hòa về tính mỹ thuật giúp cho cây hoa kiểng có giá trị cao hoặc thấp. Mỗi loài một vẻ đẹp nhưng muốn thành nên một cây đẹp và có danh hiệu thì phải qua công lao chăm sóc tỉa tót của nghệ nhân. Có thể nói, giá trị của cây hoa kiểng chính là tuổi nghệ thuật chứ không nghiêng về tuổi đời mà mọi người vẫn lầm tưởng.


Theo anh Thiện, hiện tại chơi kiểng thường có hai xu hướng khác nhau. Nhóm thứ nhất thường săn lùng các cây có từ vài trăm năm cho đến cả ngàn tuổi trong rừng sâu mang về để giới thiệu, những cây này thông thường giá cả rất đắt với đơn giả cả triệu dolla trở lên. Tuy nhiên đại đa số các nghệ nhân cho rằng cây cổ này tuy rất quý nhưng nếu đưa vào vườn nhà cây không còn vẻ đẹp uy nghi như khi ta ngắm trên rừng cao núi thẳm, đồng thời việc săn lùng cây quý sẽ phá hủy thiên nhiên mà điều này trong nghề chơi Hoa kiểng bị xem là “ trái đạo”.  Phàm đã là người yêu hoa  kiểng thì phải biết tự học hỏi và phải tự tạo cho mình một cây dù có nguồn gốc tầm thường nhưng qua bàn tay chăm sóc uốn nắn, cây trở thành một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác sinh động thì mới có gái trị. Vì thế xu hướng thứ hai được các nghệ nhân ủng hộ là chỉ nuôi trồng hoặc săn tìm cây thật nhỏ để  đem về nuôi dưỡng, uốn cành, tạo dáng và chắt chiu từng sợi rễ, từng chiếc lá để nâng nó lên thành một tác phẩm không những đẹp về hình dáng mà còn phong phú cả về nội dung. Nhìn chung, những loại kiểng này phù hợp với không gian ở đô thị vì không tốn đất nhiều, đã vậy còn góp phần tạo thêm mảng xanh và có thể kinh doanh sống khỏe hơn các loại cây nông nghiệp khác.

Trong thực tế, thông thường loại kiểng nhỏ và kiểng trung khá vừa với túi tiền người chơi, từ vài trăm ngàn đến vài triệu một cây, còn cây được xem là đẹp và rất quý thì đơn giá dao động  từ 200- 500 triệu / chậu và gu chơi của người dân các vùng miền cũng có sự phân chia khá rõ. Nếu miền Bắc yêu thích cây Si, cây Sanh thì miền nam lại chuộng Cần thăng, Nguyệt quế, Kim quýt, Mai chiếu thủy  hoặc các loại Mai thì miền trung lại yêu các cây thuộc họ vạn niên tùng như Thiên tuế, Vạn tuế…


 

 Hiện nay, thú chơi này phát triển rất mạnh lan truyền cả nước và đã tổ chức được hội đoàn hẳn hoi nên  mỗi dịp xuân về các nghệ nhân hay người yêu cây kiểng đều có thể thưởng thức nghệ thuật hoa kiểng Việt Nam qua các chương trình Hội hoa Xuân Tao Đàn hoặc Festival cây cảnh để kết tình thân trong một nỗi đam mê cùng lắng nghe chia sẻ và có thể kinh doanh được các sản phẩm qua công sức lao động của mình khi tạo ra những cây cổ thụ bé xíu đẹp xinh đậm chất thẩm mỹ. Đặc biệt, người chơi hoa kiểng có một nguyên tắc là kiêng kỵ sự gò bó nặng nề làm mất nét hài hòa duyên dáng của hoa và kiểng cổ, việc cường điệu, lộ liễu mang dấu ấn bàn tay thô thiển của  con người can thiệp quá nhiều vào hoa cảnh sẽ ức chế kìm hãm vẻ đẹp thật của thiên nhiên.

Hoa kiểng không chỉ là thú chơi tao nhã mà trong đó bao hàm cả một triết lý sống với tôn chỉ rất rõ rệt là phải biết quý trọng thiên nhiên qua đức tính sau: Vô vi, trầm tĩnh, siêu thoát, tự nhiên. Cũng theo lời nhắn nhủ của các nghệ nhân, đã chơi hoa thì phải lấy “Tâm” làm trọng  để  rung động và cảm nhận bằng hồn, như vậy mới  có thể cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật bằng cả tấm lòng say mê văn hóa dân tộc.

 

 

Quỳnh Hạ