Chơi thời gian

 

 Vất vả với chơi hàng độc
Để chơi đã khó, để chơi hàng độc còn khó hơn, đối với những ai đã từng kinh qua đồng hồ cổ nhất là đồng hồ cơ như để bàn, treo tường, đồng hồ tủ… thì càng thấm thía điều đó. Chơi đồng hồ cổ đòi hỏi người chơi phải bỏ ra không ít tiền của, thời gian để săn lùng nó khắp các hang cùng ngõ hẽm cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để sở hữu một chiếc đồng hồ cơ sản xuất từ thế kỷ 17 thì càng khó khăn hơn. Thấu hiểu điều này, anh Đỗ Duy Ngọc – người sưu tập đồng hồ cổ nhiều nhất hiện nay chia sẻ: “Sưu tập đồng hồ đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và chịu khó vì nó rất hiếm và có thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nhưng với một người “chịu chơi” thì điều đó không phải vấn đề. Mà cái chính là có dám theo nó và đủ khả năng tài chính hay không”. Là người sở hữu 1.035 chiếc đồng hồ cơ đủ mọi thời đại, quốc gia sau hơn 30 năm không ngừng tìm kiếm nên anh Ngọc hiểu hơn ai hết về sự kỳ công của thú chơi này.
Một cái khó nữa đối với người sưu tập đồng hồ là “bánh lừa” và hiện trạng thực tại của đồng hồ. Đồng hồ có rất nhiều xuất xứ khác nhau, có khi nó được chủ bảo quản cẩn thận nhưng cũng có những chiếc bị lãng quên chưa kể là bị những “thương nhân” lừa gạt hàng nhái, hàng giả. Đối với dân mới vào nghề thật khó xác định đâu là chiếc đồng hồ “chính hãng” còn đâu là hàng nhái. Ở Việt Nam vào những năm 70 – 80 của thế kỷ trước đồng hồ có khá nhiều tập trung chủ yếu ở miền Nam. Thế nhưng những chiếc đồng hồ cơ này thuộc loại trung bình và thấp vì theo những người sưu tập thì trong thời kỳ này kinh tế của người dân Việt Nam chưa cao nên không thể sở hữu những chiếc đồng hồ cao cấp được. Muốn sở hữu nó người chơi phải sang những nước như: Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… để tìm chúng nhưng giá thì không hề rẽ chút nào. Anh Ngọc tâm sự: “Ở nước ngoài đồng hồ cơ cũng khá ít và giá quá cao, có thể giá thực tế không phải vậy nhưng có thể dao động theo thị hiếu của ngươi chơi”.
Dù vậy, giá cả của đồng hồ không nói lên giá trị của chiếc đồng hồ đó. Có những chiếc giá rất thấp nhưng giá trị hơn những chiếc có giá cao hơn rất nhiều, bởi đơn giản đó là chiếc đồng hồ mà người chơi muốn sưu tập. Việc mua đồng hồ ở nước ngoài về Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn bởi những rào cản vô hình nào đó. Sau khi mua phải nộp thuế, rồi đóng gói, đóng thùng gửi về và khi về đến Việt Nam thì nhiều người chơi cũng gặp những chuyện cười ra nước mắt về thủ tục. Tại Việt Nam hiện nay số người chơi và sưu tập đồng hồ cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi thú vui này ngoài việc mất công tìm kiếm, thương lượng, ngã giá thì nó còn đòi hỏi phải có cái duyên nửa mới sở hữu được chúng.
Khi đã có được gần như đầy đủ những chiếc đồng hồ ưng ý nhất thì việc bảo quản lau chùi cho chúng cũng không kém phần gian nan. Bởi theo những người chơi, đồng hồ cũng giống như con người, cũng có sinh, có tử, cũng cần được vệ sinh và bảo quản chu đáo mới tồn tại lâu và phát huy hết khả năng được.Cụ thể, một cái đồng hồ quả lắc treo tường muốn nó đẹp phải đặt sao cho ánh sáng gọi vào phản chiếu màu sắc lấp lánh của quả lắc lúc đó thì mới xem là thành công. Tuy nhiên, đồng hồ mà đặt yên một chỗ thì không còn thú vị. Vì vậy, người chơi phải không ngừng sáng tạo ra cho “bạn” của mình những vị trí mới đẹp hơn, thuận lợi hơn. Đó là chưa kể những khi rảnh rỗi lại phải mang ra lau chùi, lên dây thiều cho từng chiếc. Đối với những ai lỡ “kết duyên” với đồng hồ cơ cổ thì sẽ không có điểm dừng trong niềm đam mê và theo họ đó chính là thi vị của cuộc sống là niềm vui, là sự thoải mái khi được sở hữu những cái mình thích trên cơ sở tìm kiếm và học hỏi. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng đối với những người yêu đồng hồ nói chung và anh Đỗ Duy Ngọc nói riêng, săn lùng và sở hữu đồng hồ như là một thứ gia vị bổ sung vào cho cuộc sống của mình thêm sôi động – đó chính là niềm vui và lẽ sống của người chơi thời gian.
 
 Chơi cho lịch mới chơi
Chơi và sưu tầm đồng hồ cơ cổ đã khó, chơi mà để hiểu biết chúng một cách hoàn chỉnh còn khó hơn. Theo anh Ngọc, khi chơi là phải chơi cho lịch, tức là chơi phải có kiến thức và hiểu biết thì mới thú vị và đáng để chơi. Nhìn những chiếc đồng hồ đơn giản hoạt động bằng hệ thống dây thiều và con lắc nhưng í tai biết được bên trong chúng ẩn chứa những nét văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật vô cùng đặc sắc. 
Điểm khác nhau cơ bản giữa những chiếc đồng hồ dễ dàng nhận biết nhất là hình dáng (có những chiếc to bằng bàn tay nhưng cũng có những chiếc cao 2 – 3m), chất liệu (có thể là men, mặt thiếc, mặt giấy, mặt gỗ…) và âm thanh của tiếng gõ (có cái tiếng trầm đục, có cái gõ thanh, có tiếng nhanh, tiếng chậm, có tiếng một đoạn nhạc, có tiếng lại như chuông nhà thờ…). Nhưng khi ngắm ngía kĩ từng chiếc ta mới thấy thán phục tài năng, thấy rõ cái độc đáo trong ý tưởng thiết kế, độ điêu luyện của bàn tay nghệ nhân, nhất là chất nghệ sỹ trong tạo dáng và trang trí. 
Chẳng hạn như đồng hồ Cúc Cu của Đức sản xuất cánh nay hơn 120 năm – Đó là chiếc đồng hồ treo tường với tượng hai bợm nhậu lúc nào cũng cầm sẵn ly rượu trên tay và ngồi trước mặt đồng hồ. Mặt đồng hồ được tạo hình mỹ thuật giống như cửa ra vào của một tửu quán Tây phương thế kỷ 19. Khi đồng hồ chỉ 6 giờ hai bợm nhậu này sẽ cùng nâng ly 6 lần, chỉ 12 giờ thì y như rằng cụng ly 12 lần và mỗi lần như vậy đồng hồ sẽ tấu lên một đoạn nhạc ngắn, âm thanh vừa đủ nghe. Tương tự như vậy, một chiếc khác với hình hai người đang cưa một khúc cây, cưa qua cưa lại như vậy hoài theo nhịp điệu đu đưa của quả lắc bên dưới. Bên cạnh là người thứ ba tay cầm sẵn búa và đúng giờ chim bay ra cúc cu bao nhiêu lần thì có bao nhiêu tiếng búa nện vào khoảng không. Anh Ngọc giải thích thêm: “Những chiếc đồng hồ của mỗi quốc gia không chỉ khác nhau về hình dáng, mỹ thuật, kỹ thuật mà còn khác cả về nguyên lý chuyển vận, hình thức và âm thanh”.
Nhìn những chiếc đồng hồ để bàn chúng ta sẽ thấy rõ nét mỹ thuật trên chúng và từng quốc gia khác nhau sẽ thể hiện sự sắc xảo của riêng mình. Anh Ngọc chia sẻ: “thông thường đồng hồ để bàn là đồng hồ mỹ thuật được làm bằng tượng và hình thể là những điển tích về văn hóa của quốc gia đó”. Vừa nói, anh chỉ cho xem chiếc đồng hồ của Pháp với hình tượng là những nhân vật trong các truyện ngụ ngôn của la-phông-ten hay hình ảnh Quan Công trên các đồng hồ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, mỗi nền văn hóa cũng có hoa văn, họa tiết riêng. 
 
 
Nếu như phương Đông có họa tiết rườm rà thì phương Tây lại có tính biểu cảm, đơn giản, giản dị nhưng sâu sắc. Trong khi Mỹ thì thực dụng và Đức thì cầu kỳ về mặt kỹ thuật trong đó đồng hồ Cúc Cu được làm bằng gỗ thông đen là minh chứng cụ thể nhất. Các loại đồng hồ khác nhau cũng có cách thức hoạt động khác nhau, có loại chạy bằng quả tạ, có loại bằng dây xích, có loại lên dây thiều bằng tay… Sự phức tạp trong hình thức, họa tiết, hoa văn của những chiếc đồng hồ cơ này không phải dễ dàng nhận ra trong ngày một ngày hai mà phải trải qua cả một quá trình không ngừng tìm kiếm và học hỏi. Chính vì vậy, mà chơi đồng hồ cần phải có cái lịch trong thú chơi, mới đúng là “chịu chơi” như người ta hay dùng.
 
 BOX
oHiện tại anh Đỗ Duy Ngọc đã sưu tập được 1.035 chiếc đồng hồ và tất cả đều là đồng hồ cơ. Trong đó chiếc cổ nhất làm từ thế kỷ 17.
oĐồng hồ dây thiều chia làm nhiều kỳ hạn, có cái cứ 1000 ngày mới lên dây 1 lần nhưng cũng có cái 365 ngày phải lên dây.
oTrong bộ sưu tập của anh Ngọc có rất nhiều chiếc tuổi đời xấp xỉ trăm năm, trong đó loạt 6 kiểu ATMOS của hãng J.Lecoultre vận hành theo phương thức airlive (hoạt động bằng không khí) với độ bền có thể lên đến 600 năm.
oNgoài sưu tập đồng hồ anh Đỗ Duy Ngọc còn sưu tập lồng chim và tượng, kỉ lục Việt Nam cũng đã ghi nhận anh Ngọc là người có nhiều chiếc đồng hồ cổ nhất Việt Nam
 
 
Toàn Nguyễn