Hơn nửa thế kỷ sau ngày mất của Louis Comfort Tiffany - người góp phần tạo nên những chiếc đèn kiệt tác, giới hâm mộ nghệ thuật và đồ cổ nghệ thuật giật mình khi nghe tin hãng đấu giá Christie’s (New York) bán chiếc đèn kính màu Tiffany hoa Mộc Lan (Magnolia) với giá 528.000USD. Chiếc đèn này có chao đèn được ghép từ 1.260 miếng kính màu do Tiffany sản xuất năm 1905. Hai năm sau đó, lần lượt hai chiếc đèn Mạng nhện (Cobweb) và Hoa Mẫu đơn (Peony) cũng được hãng Christie’s bán với giá trên 1 triệu USD mỗi chiếc. Cũng từ đó, đèn Tiffany ngày càng được săn tìm rắt rao hơn và giá của chúng cũng được đẩy lên cao hơn mà đỉnh điểm là chiếc đèn Hoa Sen (Lotus Bell) sản xuất năm 1910 được bán với giá 2.8 triệu USD, và một chiếc đèn Hoa Sen khác được nhượng lại cho một đại gia người Nhật với giá 4.6 triệu USD.
Chơi đèn Tiffany tại Việt Nam
Ai cũng biết đèn Tiffany rất đắt và hầu hết nguyên bản gốc đều đã “có danh có phận”. Vì vậy mà hầu hết đèn Tiffany ngày nay trên sàn đấu giá đều là “bản sao” của những cây đèn gốc. Thế nhưng dù có bản gốc thì cũng rất khó xác định bởi người chơi đèn Tiffany ở Việt Nam rất hiếm và vì giá trị của chúng quá cao nên người chơi thường ẩn danh, họ chơi và thưởng thức nó một cách âm thầm.
Một người chơi (xin được giấu tên) cho biết: “Dù không biết rõ tính chính xác nguồn gốc, xuất xứ của nó nhưng nhiều người không muốn bỏ qua cơ hội sở hữu chiếc đèn danh tiếng này dù phải bỏ ra số tiền lên đến hàng triệu USD”. Một chiếc đèn Tiffany có giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu USD là chuyện bình thường. Tại Việt Nam ngoài những tay chơi đích thực sở hữu những chiếc đèn Tiffany đạt tiêu chuẩn bảo tàng, thì hầu hết các đèn Tiffany còn lại đều được sản xuất từ Trung Quốc bởi màu sắc của nó rất lòe loẹt và thiết kế rất ẩu. Thông thường những chiếc đèn đó sử dụng kính màu công nghiệp hoặc những loại kính màu thiếu độ tinh khiết. Dù là hàng nhái nhưng giá của những chiếc đèn này cũng không hề rẽ chút nào với giá gần chục triệu đồng/chiếc.
Không giống như những chiếc đèn khác, ánh sáng của đèn Tiffany không cố định lúc tỏa sáng dịu nhẹ, lúc rực rỡ muôn màu, lúc lạnh lùng huyền bí… và dù có đặt bao nhiêu chiếc đèn cạnh nhau đi chăng nữa thì người xem cũng không bị mõi hay đau mắt – đó chính là những điều làm nên điều thần kỳ của Tiffany. Bên cạnh đó, mỗi miếng kính ghép trên chiếc chao đèn là cả một nghệ thuật. Chỉ cần đổi góc nhìn một chút người chơi sẽ thấy sự khác nhau về màu sắc và cảm giác như: từ màu xanh chuyển sang vàng, từ trắng chuyển sang đỏ, từ cảm giác vui tươi rộn ràng sang ưu tư bí ẩn.
Bỏ công săn đèn
Để săn tìm và sỡ hữu một chiếc đèn Tiffany Studio hay phiên bản chất lượng bảo tàng đã khó, chơi để am hiểu tường tận về chúng càng khó hơn gấp bội lần. Do đó, người chơi đèn Tiffany ngoài tính nhẫn nại, chịu khó thì còn phải có khả năng tài chính tốt bởi giá của một cây đèn Tiffany “chơi được” cũng vài trăm nghìn đến hàng triệu USD. Để biết được đó có phải là cây đèn mình muốn tìm không thì buộc phải có kiến thức về nó cũng như sự am hiểu tường tận về mọi mặt của đèn. Trên thế giới hiện nay, số lượng nghệ nhân có khả năng làm ra được đèn Tiffany rất ít, đó chỉ là những chiếc đèn chất lượng bảo tàng chứ chưa nói đến đạt đến độ “thượng thừa” như hãng Tiffany đã làm.
Do đèn Tiffany Studio đã có tuổi đời trên dưới 100 năm nên việc xác định thật giả cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy vẫn có những chiếc đèn chính hãng có “khai sinh lý lịch” rõ ràng. Để xác định chính xác Tiffany thật hay giả ngoài những “dấu vết” mà hãng để lại thì người chơi còn lần theo các manh mối khác để xác định thân phận cho chúng. Ngoài ra, để phân biệt Tiffany người ta còn dựa vào hai điểm là kính màu và chân đèn. Louis Comfort Tiffany đã sáng tạo ra hơn 300 loại kính màu và khác hoàn toàn các bức tranh kính nhà thờ. Kính màu của Tiffany được chế từ quá trình tinh luyện silicat với những hạt khoáng chất khác nhau để tạo thành màu sắc, trong khi những bức tranh kính nhà thơ thì được sơn bằng một loại nước sơn đặc biệt.
Không chỉ chao đèn, kính màu mà chân đèn Tiffany cũng được xem là một công trình nghệ thuật, một kỳ công. Mỗi chiếc chao đèn chỉ phù hợp với một hoặc vài loại chân đèn do chính Tiffany chế tác ra. Hầu hết các sản phẩm chân đèn của Tiffany đều được đúc bằng đồng số còn lại làm từ gốm sứ hoặc thủy tinh kết hợp với đồng. Điểm khác duy nhất giữa chúng là màu sắc của patina do Tiffany làm ra nhưng để nhận ra sự khác nhau đó cũng không phải điều dễ dàng. Cũng giống như đèn, chân đèn Tiffany cũng được mang ra đấu giá với giá hàng chục đến hàng trăm nghìn USD.
Một nhà sưu tập tại TPHCM xin giấu tên cho biết: “Để có được bộ sưu tập như ngày nay ngoài việc phải bỏ ra một số tiền “khủng”, thì còn phải cất công lặn lội sang tận Mỹ hoặc các nước khác để tìm mua chứ không phải có tiền ngồi một chỗ là được. Có lần nghe hãng Christie’s bán đấu giá đèn Tiffany dù công việc có bận rộn đến mấy nhưng cũng tạm gác lại để sang Mỹ. Nhưng không phải chuyến đi nào cũng được như ý”.
Nhiều người sưu tầm cũng cho rằng việc sưu tầm đèn Tiffany ngoài khả năng tài chính tốt thì còn phải có cái duyên nhất là đối với những chiếc đèn được mang đến các hãng đấu giá thẩm định xem thật hay giả. Vì khi thẩm định xong thì nó lại đi một vòng qua các tay môi giới với giá ngày càng cao và chỉ người có duyên và đủ khả năng tài chính mới giữ nó lại bên mình. Nhưng đó mới chỉ là phần mở đầu của câu chuyện. Ngoài số tiền lớn để mua đèn, người chơi còn phải chi tiền cho các “cò” rồi tiền bảo hiểm, tiền thuế, tiền vận chuyển… và cuối cùng là tiền nâng cấp hệ thống an ninh cho dinh thự của mình.
Không giống như những niềm đam mê khác, chơi đèn Tiffany không phải có tiền là được mà chơi đèn Tiffany lấy niềm vui từ sự chờ đợi và tận hưởng. Đó là cả một quá trình nuôi dưỡng niềm đam mê, ước mơ và xen lẫn niềm tự hào. Bởi để sở hữu một chiếc đèn Tiffany, ngoài sức mạnh tài chính còn là sự trân quý những kiệt tác nghệ thuật được chế tạo bởi những đôi bàn tay kỳ diệu của các bậc nghệ nhân.
Box:
• Chiếc đèn Spidermum ở Việt Nam cũng là chiếc Spidermum duy nhất trên thế giới được làm bằng loại kính cổ có nhiều lớp màu chồng lên nhau, bề mặt gợn sóng và có rãnh sâu. Nghệ nhân phải đã phải dùng đến máy cắt kính tinh xảo đặc chủng cưa kính bằng lưỡi cưa kim cương nhỏ như sợi chỉ để xử lý từng chút một nên một ngày có khi chỉ cắt được vài miếng kính.
• Sự biến ảo màu sắc của kính màu Tiffany không phải nằm ở bề mặt mà nằm bên trong kính. Có một số màu đặc biệt phải sử dụng đến vàng hoặc một số chất quý hiếm để chế tạo.
• Đèn Tiffany sản xuất ra với số lượng rất hạn chế bởi ngoài chất liệu kính “độc nhất” thì quá trình ghép từng miếng kính, chỉn chu và hoàn thành nó cũng là cả một kỳ công. Chao đèn phải ghép hơn cả ngàn miếng kính lại với nhau mới cho ra hình dáng. Chẳng hạn như chiếc chao đèn cây Kim Tước (Laburnum) nó được ghép từ 2.200 miếng kính. Trong đó mọi công đoạn từ chọn kính, cắt kính, ghép kính và hoàn thiện đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Thời gian phải mất nhiều tháng có khi cả năm trời mới hoàn thành một chiếc đèn.
Toàn Nguyễn