Chuyện người khiếm thị quản lý tài sản ngân hàng tại Mumbai

Dò đường bằng một gậy trắng, Vishal Agrawal tới bàn làm việc của anh trên tầng 5 của tòa nhà Standard Chartered tại thành phố Mumbai vào 8h sáng hàng ngày.

Trong khi 8 đồng nghiệp nhìn màn hình máy tính để giao dịch ngoại hối, chàng trai 29 tuổi theo dõi biến động giá từ cổng giao dịch ngoại hối trên điện thoại di dộng bằng một phần mềm nhận dạng giọng nói. Phần mềm truyền âm thanh tới một tai nghe trong tai trái của anh, Bloomberg mô tả.

Chuyen nguoi khiem thi quan ly tai san ngan hang tai Mumbai hinh anh 1
Anh Vishal chào một đồng nghiệp khi bước tới bàn của anh trong văn phòng. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi nghe biến động giá và thực hiện giao dịch. Với sự hỗ trợ của công nghệ, tôi có thể giao dịch tiền dù khiếm thị”, Vishal từng nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/2013. Hồi ấy anh bắt đầu làm công việc giao dịch tiền.

Gopikrishnan MS, “sếp” của Vishal và là trưởng bộ phận giao dịch ngoại tệ, tỷ giá và tín dụng của chi nhánh Standard Chartered ở Nam Á, nói rằng anh đảm đương tốt công việc như những người bình thường và có khả năng tiến xa trong công ty. Mức giới hạn giao dịch (khoản tiền tối đa trong mỗi giao dịch) của Vishal cứ tăng dần từ khi anh bắt đầu làm. Đó là dấu hiệu cho thấy Vishal đang thực hiện tốt công việc.

Điểm sáng hiếm hoi trong cộng đồng người khiếm thị

Số lượng người mù ở Ấn Độ vào khoảng 5,4 triệu người - lớn hơn mọi quốc gia trên thế giới. Giới chủ thường không thuê người khiếm thị do lo ngại tình trạng khiếm thị sẽ khiến họ không thể làm được việc. Những người thành công như Vishal không nhiều.

“Chừng nào xã hội còn coi người khiếm thị là đối tượng không thể làm việc thì họ còn phải đấu tranh gian khổ để tiến xa trong sự nghiệp”, Bhushan Punani, thư ký điều hành Hiệp hội Người khiếm thị Ấn Độ, bình luận.

Chuyen nguoi khiem thi quan ly tai san ngan hang tai Mumbai hinh anh 2
Điện thoại di động là công cụ giúp Vishal nghe biến động tỷ giá để quyết định lệnh giao dịch. Ảnh: Bloomberg.

Standard Chartered muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong việc nhận những người tàn tật trong lĩnh vực ngân hàng. Người phát ngôn của Standard Chartered ở Mumbai tiết lộ rằng tập đoàn đã cất nhắc một số người khiếm thị lên những vị trí quản lý cấp cao.

“Ngoài ra chúng tôi còn thuê người tàn tật vào những vị trí bán hàng cấp thấp ở 9 quốc gia”, người phát ngôn nói.

Tai ương bất ngờ

Năm 2004, khi Vishal đang chuẩn bị sang Mỹ để học đại học, bác sĩ phát hiện anh mắc viêm võng mạc sắc tố. Do mắc bệnh, Vishal buộc phải học kế toán ở một trường gần nhà tại thành phố Mumbai. Nhờ tính năng đọc văn bản trên Kindle, anh có thể dành vài giờ mỗi ngày để nghe về tài chính và công nghệ, cũng như các bản tinh kinh tế từ radio.

Vào thời điểm tốt nghiệp trường đại học vào năm 2008, Vishal đã mất thị lựchoàn toàn. Quyết không từ bỏ mục tiêu trở thành nhà giao dịch và nhà đầu tư tài sản, nhưng anh nhận thấy không công ty nào nhận một người khiếm thịvào làm việc.

Với vài trăm USD do bạn bè quyên góp, anh quyết định tự giao dịch cổ phiếu bằng chiến lược riêng. 3 năm sau, danh mục đầu tư của anh đạt mức lợi nhuận 400%, nhưng anh trả lại vốn cho nhà đầu tư để học MBA ngành tài chính.

Vishal hy vọng một tấm bằng MBA từ trường đại học danh tiếng sẽ giúp anh kiếm được công việc giao dịch cổ phiếu tại một công ty lớn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp từ Viện Nghiên cứu Quản lý Jamnalal Bajaj - một trong những trường đào tạo quản lý hàng đầu ở Ấn Độ, cùng với 120 sinh viên khác, một lần nữa anh lại đối mặt với cảnh thất nghiệp.

Vận may mỉm cười

7 tháng sau ngày tốt nghiệp, anh cố gắng hết sức để tìm việc, nhưng không thành công. May mắn thay, cuối cùng Standard Chartered thuê anh về bộ phận giao dịch ngoại hối.

"Hồi ấy tôi gửi thư điện tử và gọi điện thoại tới tất cả những người mà tôi biết để nhờ xin việc. Hồi ấy các công ty đua nhau giảm số nhân viên giao dịch tiền và chứng khoán. Vì thế, khi Standard Chartered đề nghị tôi làm chuyên viên dịch dịch tiền, tôi vô cùng biết ơn", anh bày tỏ.

Vào thời điểm bắt đầu làm việc tại Standard Chartered, giống như những giao dịch viên không có kinh nghiệm khác, anh phải ghi tại tất cả những giao dịch có thể, chứ không tham gia giao dịch thực, để kiểm tra năng lực cũng như bồi đắp sự tự tin. Sau một thời gian ngắn, anh bắt đầu giao dịch theo thời gian thực. Anh tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu bằng tài khoản cá nhân với sự chấp thuận từ phòng tuân thủ nội quy của ngân hàng.

"Tôi thường khuyên Agrawal tập trung vào giao dịch chủ động, nghĩa là dựa vào đánh giá tiềm năng của các công ty trên sàn thay vì giao dịch theo phân tích kỹ thuật”, Gopikrishman tiết lộ. Loại giao dịch này cần có cái nhìn tổng quan về xu hướng biến động của cả một nền kinh tế hoặc một nhóm tài sản.

Chưa từng rời khỏi Mumbai trước khi làm việc tại Standard Chartered, nhưng giờ đây Vishal sẵn sàng ra nước ngoài một mình.

Anh tới Hong Kong hồi đầu tháng 6 để tham dự một hội nghị của các nhà giao dịch tiền. Chàng trai nhận xét rằng các nước phát triển sở hữu cơ sở và thiết bị dành cho người khiếm thị hiện đại hơn nhiều so với Ấn Độ.

Mỗi khi rảnh, Vishal đọc sách, tới các trận đấu bóng chày và xem phim. “Tôi mù, nhưng tôi có thể tưởng tượng mọi thứ mỗi khi nghe hội thoại, bài hát hay những lời bình luận trong trận đấu. Tôi thích tưởng tượng như thế”, anh tâm sự.

Theo Lâm Phong/ Zing.vn