Chuẩn từng chi tiết
Mất khoảng hai tháng để người chơi có thể rèn luyện cho mình những kĩ năng cần thiết cho một lần nhảy dù. Đây là khoảng thời gian không dài nhưng đòi hỏi người chơi phải nắm vững toàn bộ các bài giảng và thực hành trước khi đối mắt với “thử thách” thật sự. Điều đầu tiên mà mọi người đều phải biết là xếp dù. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nó lại là quá trình rất quan trọng cho một lần nhảy thành công. Xếp dù đòi hỏi sự tỉ mỉ của người xếp, nếu không khi nhảy dù dễ bị xoắn dây và thời gian để làm việc này không phải làngắn. Một nhóm 3-4 người thì cũng mất vài giờ để hoàn tất một chiếc dù.
Tiếp sau đó là tập kĩ năng, trước hết là động tác rời cửa máy bay. Do cửa máy bay khá nhỏ (1.2 x 0.8m) nên cần phải “khổ luyện” để rời cửa đúng kỹ thuật, tránh trường hợp dù bị xoắn dây khi bật. Đặc biệt, trong quá trình này đòi hỏi người nhảy phải có tâm lý vững vàng và một “thần kinh thép” nếu không muốn “chết lâm sàn” sau khi nhảy.
Điều thứ 2 là xác định thời gian mở dù sau khi nhảy. Đối với những người nhảy ở độ cao từ 1000m trở xuống thì mở dù sau khi nhảy khoảng 3 giây, còn đối với những người có kĩ thuật và thần kinh tốt thì thời gian có thể cao hơn. Bước tiếp đất là quan trọng nhất, nó đòi hỏi kỹ thuật và sự nhuần nhuyễn của người chơi, chỉ cần sai một động tác sẽ dẫn đến chấn thương chân hoặc đầu, thậm chí là tính mạng. Vì vậy, ngoài những bộ đồng phục đủ tiêu chuẩn được câu lạc bộ cung cấp, thì người nhảy dù cũng có thể tự trang bị thêm cho mình giày và mũ bảo hộ tốt hơn.
Khi đã nắm vững được lý thuyết, thực hành nhuần nhuyễn những bài tập kỹ năng và trang bị cho mình những vật dụng cần thiết, người chơi đã có thể bắt đầu cho chuyến nhảy dù đầu tiên.
Lâng lâng thú nhảy dù
Ngoài tính mạo hiểm thì nhảy dù thu hút người chơi bằng cảm giác lâng lâng giữa không trung, như chia sẻ của anh Đinh Minh Tuấn – một dân chơi nhảy dù từ năm 1999: “Tuyệt nhất là cảm giác lúc dù mở ra, người bị giật ngược lên phía trên rồi lắc lư trong ít giây, sau đó là mọi thứ trở nên yên tĩnh và một khung cảnh tuyệt vời phía dưới chân…”.
Chơi nhảy dù có nhiều loại nhưng phổ biến và tạo cảm giác mạnh nhất là nhảy từ máy bay xuống (Sky Driving). Tại Việt Nam, người chơi được máy bay trực thăng đưa đến điểm bay rồi thả xuống từ độ cao từ khoảng 1.500m – 1.800m. Độ cao này có thể thấp hơn đối với những người mới nhảy vài lần đầu.
Sau khoảng 3 giây rơi tự do, người nhảy sẽ bật dù và bắt đầu tận hưởng cảm giác lâng lâng trong vài phút sau đó trước khi tiếp đất tại nơi chỉ định. Nhưng đối với những người mới nhảy lần đầu hoặc thâm chí lần thứ 2 thứ 3 thì cũng chưa có cảm giác nhẹ nhỏm, bay bổng được mà phải đợi ít nhất đến lần nhảy thứ 4. Anh Đinh Minh Tuấn cho biết: “Đối với những người mới nhảy lần đầu thì đó là thời điểm kinh hoàng, thậm chí có không ít trường hợp chết lâm sàn 2-3 giây. Thế nhưng khi đã quen dần rồi thì lúc đó không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết tâm trạng lúc đó”.
Đối với nhiều người đam mê nhảy dù thì chuyện chấn thương đối với họ là những bài học, những kinh nghiệm quý báu. Họ thường ví von nhảy dù như là một chất “gây nghiện” bởi cảm giác lâng lâng mà không sao từ bỏ được. Tuy vậy, khi đề cập đến môn chơi này nhiều người tỏ ra e ngại vì những lý do khác nhau, nhiều nhất là sợ dù không bật lên được. Tuy nhiên, khi nhảy dù thì người chơi lúc nào cũng trang bị cho mình hai dù tròn, một dù chính ở trên lưng và một dù phụ phía trước. Trong trường hợp người chơi không tự bật dù được thì dù phụ sẽ tự động bật theo thời gian mà mình mặc định cho nó. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là áp lực và khó khăn trong việc vượt qua được lần nhảy đầu tiên và sự lo lắng của người thân. Khi đề cập đến chuyện này anh Tuấn chia sẻ: “Nhảy dù là môn chơi mạo hiểm và gây lo lắng rất nhiều cho người thân, như chính bản thân mình cũng gặp phải. Dù đã hơn 20 lần nhảy dù nhưng lúc nào bà xã cũng khuyên đừng nên nhảy nữa”. Sự lo lắng của người thân xuất phát từ những chấn thương xảy đến khi tiếp đất sai kỹ thuật, có trường hợp nặng gây gãy chân, còn nhẹ thì cũng đau vài ngày.
Có thể ngay cả những người đã nhảy rồi vẫn còn đó sự hồi hợp, lo lắng như lần nhảy đầu tiên. Nhưng khi được nhìn thấy những đám mây bồng bềnh ngay phía trên, sự thoải mái khi bay giữa không trung, sự im lặng như bao trùm lấy mình, gió thổi nhè nhẹ, không gian bao la và phía dưới xa xa là những cánh đồng xanh ngát… Lúc này, chỉ còn lại trong lòng người chơi sự lâng lâng khó tả, một cảm giác mà chỉ những người nhiệt huyết, những ai đã từng trải qua rồi mới hiểu được. Đây có lẽ là lí do lớn nhất tạo nên sự hấp dẫn đến quyến rũ của môn chơi cảm giác mạnh này.
BOX:
• Tại TP.HCM và Hà Nội các bạn trẻ yêu thích nhảy dù có thể tham gia khóa huấn luyện tại CLB Hàng Không Phía Nam và CLB Hàng Không Phía Bắc. Thời gian học là 2 tháng, học phí là 4 triệu đồng/khóa. Đối với những người đã học rồi có thể đóng thêm tiền để tham gia nhảy.
• Khi có đợt nhảy, người chơi tập trung tại sân bay Tân Sơn Nhất rồi máy bay trực thăng đưa ra sân bay Biên Hòa để nhảy. Dù dành cho người nhảy có nhiều kích thước khác nhau: D6, DT2, T4, T15… ngoài dù tròn còn có dù dẹp và dài.
• Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm thì trước khi tham gia nhảy dù thì người chơi tốt nhất nên chơi một môn thể thao nào đó để có đôi chân khỏe mạnh và tâm lý tốt.
• Nhảy dù tại Việt Nam chủ yếu là dù tròn, và hầu hết những vật dụng, dụng cụ cho mỗi đợt nhảy đều được CLB chu cấp. Ngoài dù tròn Việt Nam còn chơi tàu lượn, tuy nhiên môn chơi này hiện nay số lượng người chơi rất hạn chế và thường tập trung ở Phan Thiết hay Lâm Đồng.
• Tại Việt Nam người trẻ nhất từng nhảy dù là một bé trai 14 tuổi, còn người già nhất là cụ già 60 tuổi.
Toàn Nguyễn