Đạt kỳ tích bán hàng, nhân viên Alibaba lập tức mất việc

Khi bong bóng Internet nổ tung vào năm 2002, công ty Alibaba đối mặt với quyết định khó khăn. Ban lãnh đạo công ty đặt ra mục tiêu lãi 1 USD, bởi trước đó công ty chỉ thua lỗ. Alibaba sẽ phá sản nếu họ không thể lãi 1 USD.

Hồi ấy, để kiếm ra tiền, Alibaba cung cấp cả dịch vụ thiết kế web cho khách hàng. Và để thuyết phục khách hàng, có thể họ phải hối lộ.

Dat ky tich ban hang, nhan vien Alibaba lap tuc mat viec hinh anh 1
Jack Ma, người đang sở hữu khối tài sản lớn nhất châu Á, từng đuổi hai nhân viên kinh doanh dù họ mang về tới 60% doanh thu cho công ty. Ảnh: SCMP.

Alibaba tổ chức họp cả ngày để thảo luận về mục tiêu. "Chúng tôi hiểu rằng nếu công ty hối lộ, chúng tôi có thể tồn tại. Ngược lại, nếu không hối lộ, có thể công ty sẽ sụp đổ", Jack Ma, người sáng lập Alibaba, nói như vậy trong bài phát biểu mà ông ghi âm để gửi tới một hội nghị tại Singapore hôm 22/6.

"Chúng tôi họp tới tận 4h chiều và cuối cùng ra quyết định: Chúng tôi sẽ không bao giờ hối lộ. Công ty thà phá sản chứ không hoạt động một cách bất minh", Jack Ma kể.

Đó là một quyết định đúng đắn, và công ty có lãi trong năm 2002.

Song, cũng vào cuối năm 2002, công ty đối mặt với một quyết định lớn khác.

Khi tổng kết cuối năm, họ phát hiện hai nhân viên mang về tới 60% tổng doanh thu của Alibaba. Thành tựu ấy lớn đến mức bất thường. Nhưng hóa ra hai nhân viên ấy đạt kỳ tích nhờ "lại quả" cho khách hàng.

Jack Ma đối mặt với tình thế khó xử. "Nếu chúng tôi sa thải họ ngay lập tức, công ty sẽ không có lãi. Trong trường hợp chúng tôi không đuổi hai người ấy, giá trị của công ty sẽ là gì? Mọi người sẽ nghĩ những lời nói của chúng tôi vô nghĩa. Vì vậy, cuối cùng chúng tôi quyết định sa thải hai người", Jack Ma kể.

Thành công nhờ chính trực

Kinh doanh chân chính đã thấm sâu vào văn hóa doanh nghiệp cũng như mọi hoạt động hàng ngày của Alibaba. Jack Ma khẳng định chính trực là yếu tố quan trọng đối với thành công của tập đoàn.

"Khi Alibaba ra đời, chúng tôi đối mặt với tình thế rất khó khăn. Chúng tôi chẳng có gì. Không ai tin những việc chúng tôi thực hiện. Mọi người nói chúng tôi điên hoặc lừa đảo", ông kể.

Giá trị, chứ không phải là tiền hay tài năng, đã giúp Alibaba phát triển. Công ty ưu tiên khách hàng, tinh thần tập thể và sự chính trực. Thái độ thật thà với khách hàng giúp công ty biến họ thành khách hàng lâu dài.

Alibaba bắt đầu thu phí hàng năm để giúp doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng ra nước ngoài. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của các công ty không lớn hơn phí thường niên sau một năm.

"Nhân viên của chúng tôi cảm thấy buồn và cảm thấy dường như chúng tôi không giúp được khách hàng. Khi thăm các công ty vào cuối năm, nhân viên của chúng tôi nói với họ một cách chân thành: Thương mại điện tử sẽ có tương lai tươi sáng, nhưng có thể kết quả không xuất hiện ngay. Có thể các bạn sẽ nhận lại khoản phí hàng năm và không phải đăng ký vào năm tới", Jack Ma kể.

Nhưng khách hàng đáp lại khá tích cực. Họ hiểu rằng họ phải chờ một thời gian để người dân quan tâm tới thương mại điện tử. Nhiều công ty vẫn là khách hàng của Alibaba đến ngày nay.

Từ thời điểm đó, quy tắc "không hối lộ" đã trở thành nền tảng trong quy tắc ứng xử đối với mọi nhân viên của Alibaba. Những người hành xử trái quy tắc sẽ phải rời khỏi công ty ngay lập tức.

Khi Alibaba thành công, hành vi hối lộ diễn ra theo những hình thức khác. Tập đoàn đề ra những quy tắc mới để ngăn chặn nhân viên nhận tiền hối lộ của khách hàng.

Thậm chí Alibaba còn nêu rõ trong mọi hợp đồng với doanh nghiệp rằng nhân viên Alibaba không được yêu cầu doanh nghiệp hối lộ và họ cũng không được đút lót doanh nghiệp.

"Chúng tôi không cho phép nhân viên dùng bữa hay đi nhờ xe miễn phí. Họ phải trả lại khách hàng những món quà nhỏ, dù đó chỉ là cái kẹo. Nếu họ không làm thế, điểm giá trị của họ sẽ rất thấp và họ có thể thành đối tượng mà công ty trừng phạt", Jack Ma khẳng định.