DL>: Thưa ông, đâu là những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Tây Ninh?
Ông Trần Hữu Hậu: Có thể nói Tây Ninh có những tiềm năng, thế mạnh “Riêng có” để phát triển du lịch như: Trung Ương Cục Miền Nam, Hồ Dầu Tiếng, Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát… Trong đó, Trung Ương Cục Miền Nam là nơi trú đóng của các cơ quan đầu não trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, nơi đây đang trở thành nơi tìm về, nơi hướng tới của nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tây Ninh có Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á (rộng 27 ngàn ha) là hòn ngọc của Tây Ninh rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí. Tây Ninh có Núi Bà Đen – Ngọn núi nằm giữa đồng bằng cao 986m với truyền thuyết về sự chung thủy của người phụ nữ đã trở thành giá trị tâm linh của đông đảo người dân Nam Bộ. Núi Bà Đen còn là căn cứ địa cách mạnh của quân dân Tây Ninh nơi đây đang và sẽ phát triển du lịch tâm linh, truyền thống, nghỉ dưỡng, mạo hiểm… Tòa Thánh Cao Đài – “thủ phủ” của Đạo Cao Đài, một tôn giáo ra đời tại Tây Ninh có lối kiến trúc, độc đáo, những lễ hội, nhạc lễ… có giá trị văn hóa cao. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát vừa có những đặc trưng của rừng nguyên sinh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ vừa có những khu vực có hệ sinh thái đặc trưng của vùng ngập nước ngọt Tây Nam Bô… với nhiều loài động thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam; do đó có tiềm năng phát triển du lịch Khám phá, nghiên cứu khoa học, sinh thái… Ngoài ra, Tây Ninh cũng có rất nhiều đặc sản được mọi người biết đến như: bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bánh canh Trảng Bàng, quả Mãng cầu (Na) ở núi Bà Đen… Tây Ninh còn có 240km đường biên giới với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát là cửa ngõ thông thương và phát triển du lịch quốc tế. Tất cả những điều đó làm nên tiềm năng, thế mạnh của du lịch Tây Ninh.
DL>: Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có như vậy thì theo ông đâu là nguyên nhân làm cho du lịch Tây Ninh vẫn chưa thực sự phát triển?
Ông Trần Hữu Hậu: Đây là điều trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Hàng năm Tây Ninh đón khoảng 2,2 triệu du khách đến núi Bà Đen và số lượng khách quốc tế khá lớn đến Tòa Thánh Cao Đài nhưng chưa thống kê được. Tuy nhiên, họ đến rồi họ về. Tây Ninh không giữ được khách và vấn đề nằm ở hạ tầng du lịch của Tây Ninh còn yếu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch hiện nay đang gặp khó khăn. Tây Ninh hiện nay đang rơi vào tình trạng mà người ta gọi là “con gà và quả trứng”: Các nhà đầu tư hạ tầng khi đến đây tìm hiểu thì cho rằng Tây Ninh không có khách bao nhiêu, đầu tư khó thu hồi vốn; còn khách du lịch đến đây thì cho rằng hạ tầng thấp kém quá, không thể ở lại dài ngày. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tiềm năng du lịch Tây Ninh chưa được phát huy, là vấn đề cần phải giải quyết để “Con Gà” du lịch “đẻ trứng vàng” tại Tây Ninh.
DL>: Với những khó khăn như vậy thì Tây Ninh có những chính sách gì để hạn chế những mặt còn yếu đó?
Ông Trần Hữu Hậu: Có rất nhiều vấn đề phải giải quyết đối với du lịch Tây Ninh nhưng cái quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu là giải quyết cho được vấn đề “con gà và quả trứng”. Tức là muốn du khách đến Tây Ninh sẽ ở lại, không về ngay trong ngày; muốn các công ty lữ hành thiết kế nhiều tour đến Tây Ninh thì tỉnh phải tập trung vào phát triển hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch độc đáo. Việc này cần sự ra tay của nhà nước trong quy hoạch, trong đầu tư hạ tầng về giao thông; Còn hạ tầng cho các điểm du lịch thì kêu gọi từ các nhà đầu tư lớn. (Hiện nay, Tây Ninh cũng đã liên hệ với nhiều nhà đầu tư có tiếng như: AVG, Châu Thổ…) Song song đó, là kêu gọi các nhà đầu tư cả trong tỉnh và ngoài tỉnh để phát triển các sản phẩm du lịch. Điều thứ ba là kết nối các tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế… Cuộc “Hội thảo xúc tiến đầu tư Du lịch Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ” chính là bước đi mạnh mẽ đầu tiên để du lịch Tây Ninh thực hiện điều đó.
DL>: Những trọng điểm du lịch mà Tây Ninh đang hướng tới để mời gọi đầu tư?
Ông Trần Hữu Hậu: Tây Ninh có 3 khu vực trọng điểm kêu gọi đầu tư phát triển du lịch: thứ nhất là vùng tam giác phát triển gồm: Núi Bà Đen – Tòa Thánh Tây Ninh – Hồ Dầu Tiếng: Tập trung cho du lịch tâm linh, về nguồn, sinh thái – nghỉ dưỡng, giải trí, mạo hiểm… Thứ hai là tứ giác phát triển ở phía Bắc Tây Ninh, bao gồm Trung ương cục Miền Nam – Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát – Tháp Chót Mạt – Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát: Tập trung cho du lịch truyền thống, về nguồn, du lịch sinh thái, khám phá, nghiên cứu khoa học và thăm quan, mua sắm tại Cửa khẩu. Thứ ba là ngũ giác phát triển ở phía Nam tỉnh gồm Khu tái hiện di tích lịch sử cách mạng Miền Nam – Cảng Du lịch – tháp cổ Bình Thạnh – Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài – Địa đạo An Thới: Tập trung cho du lịch truyền thống, về nguồn, du lịch sông nước, khám phá làng nghề (Bánh Tráng phơi sương, bánh canh, lò rèn …), sinh thái, vui chơi giải trí, thăm quan mua sắm tại cửa khẩu…
DL>: Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư thì tỉnh Tây Ninh đã có những chính sách đãi ngộ gì đối với các nhà đầu tư cũng như là nhân lực?
Ông Trần Hữu Hậu: Trước hết về nguồn nhân lực thì Tây Ninh có chính sách về thu hút nhân tài của tỉnh ban hành. Bên cạnh thu hút thì tỉnh cũng đã tổ chức những khóa học ngắn ngày nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý du lịch cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp ngành du lịch nâng cao kỹ năng nghiệp vụ như những lớp về phòng buồng, lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên du lịch… Về ưu đãi đầu tư thì Tây Ninh không đưa ra những chính sách vượt quá quy định của nhà nước; Nhưng trong quy định đó, Tây Ninh luôn dành cho các nhà đầu tư mức ưu đãi cao nhất đồng thời chỉ yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện những nghĩa vụ thấp nhất. Với một số dự án cụ thể, Tỉnh có thể sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng đến khu vực dự án như đường giao thông, điện … Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình họ đến Tây Ninh tìm hiểu hay làm thủ tục đầu tư nhằm giúp họ giảm bớt các chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt là chí phí thời gian và đi lại.
Xin cám ơn ông!
Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí