Trên chiếc xe ôm đưa tôi về Đen giòn Resort, tôi cảm thấy may mắn khi lưu trú ngay bên bờ biển Bình Sơn – Ninh chữ, nơi được xếp hạng là 1 trong 9 bãi biển đẹp nhất Việt nam. Kiếp lữ hành bôn ba trên nhiều vùng của quê hương khiến tôi phải thừa nhận: Miền trung được thiên nhiên hào phóng ban tặng những phong cảnh thiên nhiên quyến rũ tuyệt vời. Nếu Nha Trang, Phan Tthiết hoặc Đà Nẵng nổi danh là thành phố du lịch với các resort hiện đại thì Phan Rang thực sự không kém thua về khung cảnh thiên nhiên nhưng có lẽ vì hạ tầng du lịch chưa phát triển nên mọi cảnh vật nơi đây vẫn hoang sơ và nhạt nhòa.
Đến Phan Rang, các du khách ít bị tình trạng chặt chém hơn so với nơi khác. Hình như, người địa phương nơi đây luôn có sự bình thản yên bình cho dù Ninh Thuận nhìn chung chỉ là một tỉnh nghèo và còn muôn vàn những khó khăn cần phải cố công khắc phục. Vào làng nghề Mỹ Nghiệp ngắm cô gái Chăm cắm cúi bên giàn dệt chiếc khăn thổ cẩm và xem nghệ nhân của làng nghề Bàu Trúc nặn gốm xoay mình tròn theo trục quay mà cảm nhận được cái hồn chân chất trong từng sản phẩm. Nhưng Phan Rang hấp dẫn tôi ở một điều vô cùng thú vị khác. Đến đây, tôi có dịp được tham quan tìm hiểu bãi rùa đẻ nằm cách thành phố hơn 20km cùng con đường vào vịnh Vĩnh Hy. Trong cái nắng gay gắt của trung tuần tháng 6, song hành cùng người bạn địa phương lần mò tìm đến địa danh vừa mới được đưa vào bản đồ du lịch của tỉnh.
Trên con đường vào bãi rùa đẻ tôi chú ý và nhận ra thời tiết Phan Rang quá khô hạn, do dãy núi Trường Sơn chắn gió nên đất của vùng này thường pha cát rất nhiều và có vẻ không màu mỡ, nhưng thiên nhiên thật lạ lùng, vùng đất khô cằn này rất phù hợp cho việc trồng nho và tỏi. Đến đây ai ai cũng thích thú mua rượu hoặc mật nho về nhà để làm quà và sử dụng. Bãi rùa nằm sát bờ biển tựa lên một vùng núi có cảnh vật tuyệt vời. Ở đây có một căn nhà nhỏ do đội quản lý cứu hộ và bảo tồn rùa biển xây nên để canh giữ và giúp đàn rùa nở trở về biển an toàn.
Anh Vượng, trưởng phòng du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Cho tới hiện nay chưa có nghiên cứu nào giải thích được đàn rùa biển lại chọn nơi đây để đẻ trứng. Nhưng có một điều kỳ lạ, các chú rùa con nở ở đây sau 30 năm sống mới đến tuổi thụ thai và chúng luôn luôn trở về nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng, khoảng chừng 40-50 ngày là trứng nở thành rùa con. Trước đây người dân chưa ý thức rùa là động vật quý cần bảo tồn nên đánh bắt rất nhiều, nay nhờ sự giáo dục và nghiêm cấm nên đàn rùa đang dần hồi phục và phát triển nhanh chóng”.
Buổi tối sáng trăng ở bãi rùa đẻ, bạn cùng chiếc đèn pin theo chân các anh trong đội chăm sóc và ngắm hàng trăm nàng rùa bụng mang dạ chửa ỳ ạch bò lên bờ cát bươi lỗ đẻ trứng và lấp cát. Sau đó rùa mẹ trở lại biển xanh và các tổ trứng này sẽ nhờ ánh nắng mặt trời ủ ấm và đánh thức các chú rùa con chào đời. Nếu bạn là một người yêu thiên nhiên và các sinh vật biển thì hãy đến Phan Rang thăm rùa. Vĩnh Hy không những có bải rùa đẻ mà còn có bãi biển và vịnh san hô tuyệt đẹp, sống động!
Vẫy chào vùng đất Phan Rang là một địa danh chứa đựng rất nhiều các nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà chúng ta vẫn chưa thể nghiên cứu và khám phá một cách trọn vẹn. Hơn thế, với các tiềm năng thiên nhiên ban tặng, Phan Rang có thể tạo một điểm son với mô hình du lịch biển kết hợp sinh thái và phát triển nông nghiệp với đặc trưng rất riêng không lẫn lộn với một vùng miền nào khác.
Cho tới hiện nay chưa có nghiên cứu nào giải thích được đàn rùa biển lại chọn nơi đây để đẻ trứng. Nhưng có một điều kỳ lạ, các chú rùa con nở ở đây sau 30 năm sống mới đến tuổi thụ thai và chúng luôn luôn trở về nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng, khoảng chừng 40-50 ngày là trứng nở thành rùa con. Trước đây người dân chưa ý thức rùa là động vật quý cần bảo tồn nên đánh bắt rất nhiều, nay nhờ sự giáo dục và nghiêm cấm nên đàn rùa đang dần hồi phục và phát triển nhanh chóng”.
Dương Anh Tuấn