Một chàng trai Mỹ rất trẻ ngồi trước mặt Kevin Liles, một tài phiệt trong lĩnh vực âm nhạc. Kevin lắng nghe những lời của cậu một cách chăm chú.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng trai khẳng định đã đến lúc những thương hiệu lớn như Coca-Cola hay Mercedes Benz ngừng đổ tiền vào việc quảng cáo trên tivi hay tạp chí, bởi xu hướng đó không còn phù hợp với những người sinh sau năm 1995 mà giới truyền thông Mỹ thường gọi là “thế hệ Z”. Thay vào đó, các hãng nên đầu tư vào “những người có ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ”, chẳng hạn như những ca sĩ có hàng triệu người theo dõi trên Instagram.
Ông trùm âm nhạc Kevin Lelis trao đổi với Patrick Finnegan. Ảnh: CNN. |
Người đưa ra quan điểm táo bạo trước mặt Kevin Liles là Patrick Finnegan, một chàng trai mới 19 tuổi nhưng đang quản lý quỹ đầu tư hàng triệu USD.
Triết lý về "thế hệ Z"
Tự nhận mình là “chuyên gia về thế hệ Z”, Patrick tư vấn cho nhiều công ty tiếp thị như Havas Luxe, đồng thời là thành viên của quỹ đầu tư mạo hiểm Studio VC.
Ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, thế hệ sinh sau năm 1995 sẽ vượt những thế hệ trước về số lượng và sức mua. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu, sức mua của “thế hệ Z” tại Mỹ đạt khoảng 44 tỷ USD trong năm 2016.
“Những thương hiệu từng chỉ tập trung vào thế hệ chào đời trước năm 1995 đã nhận ra tầm quan trọng của thế hệ Z và đang dịch chuyển trọng tâm sang thế hệ Z. Tôi có thể giúp họ thực hiện sự dịch chuyển đó”, Patrick khẳng định.
Tài năng bộc lộ sớm
Quả thực Patrick là người có tố chất kinh doanh thiên bẩm. Khi mới 12 tuổi, cậu đã quyên góp 10.000 USD cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Barack Obama và Nhà Trắng đã mời cậu dự lễ nhậm chức của ông.
Patrick từng kiếm khoảng 80.000 USD từ việc lập trang web cho nhiều khách hàng khi cậu vẫn còn học tại trường phổ thông trung học ở bang Massachusetts. Sau đó cậu làm cho tập đoàn Intel trước khi thôi việc để chuyển tới thành phố Portland – nơi cậu lập một công ty thiết kế web và một ứng dụng tổng hợp tin theo nhu cầu của từng cá nhân.
Đối với chàng trai 19 tuổi, vốn liếng quý giá nhất chính là những thất bại mà anh từng trải qua. Ảnh: CNN. |
Sau khi công việc kinh doanh thất bại, Patrick chuyển tới quận Manhattan, thành phố New York để bắt đầu lại sự nghiệp. Giờ đây, ở tuổi 19, cậu hợp tác với các doanh nghiệp tiếp thị lớn, các nhà đầu tư và quản lý quỹ đầu tư để giúp họ hiểu nhóm khách hàng trẻ.
Bài học thành công
Từ khi chuyển tới thành phố New York, Finnegan tập hợp một danh sách khách hàng rất ấn tượng – bao gồm các giám đốc điều hành, tỷ phú và nhà đầu tư lừng lẫy.
Khả năng kết nối mọi người là lý do Liam Lynch, người sáng lập Studio VC và cũng là nhân vật có tiếng tăm trong ngành âm nhạc và điện ảnh, thuê anh quản lý quỹ đầu tư.
“Patrick Finnegan giỏi trong việc kết nối mọi người. Cậu ấy luôn nắm bắt rất nhanh những vấn đề người khác quan tâm”, Liam Lynch bình luận.
Liam trả Patrick một mức lương cố định hàng tháng (Patrick không muốn tiết lộ mức lương). Chàng trai hưởng tỷ lệ phần trăm nhất định từ khoản lãi hàng tháng của quỹ đầu tư 5 triệu USD mà cậu đang quản lý. Patrick cũng kiếm từ 3.000 tới 7.000 USD mỗi tháng nhờ công việc tư vấn. Với những nguồn thu ấy, cậu hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiếm trên một triệu USD trong năm 2016.
Chàng trai 19 tuổi nói sự hiểu biết về kinh doanh của cậu hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là từ những thất bại.
“Tôi sống rất vô tư. Tuổi đời còn trẻ là một ưu thế bạn có thể tận dụng. Khi 16 tuổi, tôi làm việc cho một công ty. Tôi là nhân viên đầu tiên của họ và tôi chẳng thu được kinh nghiệm nào cả”, anh kể.
Dù vẫn dành thời gian cho những thú tiêu khiển, Patrick vẫn coi phát triển sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
“Trong tương lai tôi sẽ phải trở thành một doanh nhân lớn. Tôi muốn phá vỡ trật tự hiện nay vì nó cần thay đổi”, anh bình luận.