Độc đáo kỳ mộc

NGHIỆP DUYÊN CÙNG KỲ MỘC

Tại Hội chợ sinh vật cảnh Việt Nam mừng Ðại Lễ 1000 năm Thăng Long, nghệ nhân Ðỗ Duy Ðạo - người đem tác phẩm “Bát Tiên quá Hải” từ Di Linh ra thủ đô đã gây ấn tượng mạnh trong giới chơi kỳ mộc. “Vua lũa Di Linh” bật mí: “Tôi gắn bó với kỳ mộc đã tròn 12 năm, việc săn lùng tìm kiếm lũa ban đầu chỉ là thỏa đam mê, nhưng sau đó trở thành nghiệp sống”. Theo lời anh Ðạo, năm 1999, gia đình anh chuyển đến Di Linh theo chương trình phát triển kinh tế mới. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn nên anh thường vào rừng để tìm nấm, măng, và các loại rau rừng. Một lần ngồi bên bờ suối, anh chợt nhận ra gốc cổ thụ khô quen thuộc mà anh từng dựa lưng nghỉ mệt mang gương mặt của một ông già trầm tư, và càng nhìn lại càng thấy say mê.

Sau hơn một tháng tỉ mẩn trong rừng, anh Ðạo đã sở hữu bộ kỳ mộc khô bằng gỗ chò chỉ tuyệt đẹp, đường kính 3 người ôm chưa hết, riêng bộ rễ lòa xòa đã dài hơn 7m. Khúc lũa này ước chừng hơn 1000 năm tuổi nhưng đã bị chặt hạ gần 200 năm trước, do rễ quá sâu và rườm rà nên người chặt cây đã bỏ lại. Theo thời gian, mưa nắng, gió, bùn đã phong hóa gốc cây thành một tác phẩm “độc”. Anh Ðạo bỏ thêm mấy tháng tỉa tót và gốc cây khô cằn ngày nào đã trở thành một chiếc bàn có gương mặt người rất độc đáo. Sau này, anh nhượng nó lại cho một doanh nhân Ðài Loan với cái giá khá cao và kể từ đó, anh bắt đầu săn tìm kỳ mộc như một nghiệp sống.

Ðối với những người theo đuổi thú chơi kỳ mộc, chữ “duyên” là rất quan trọng. Anh Nguyễn Hải Phòng - nghệ nhân giành giải đặc biệt trong Hội hoa Xuân 2011 (TP.HCM) với tác phẩm “Vương Long mừng xuân” cho biết: “Tôi tin rằng mình có duyên mới gặp được lũa Vương Long và đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn”. Trong một lần theo bạn bè đi câu cá trong tận rừng sâu, anh Phòng vô tình bắt gặp thân lũa bằng gỗ trâm nước (còn được gọi là cây rạng đông) ước chừng 1000 năm tuổi với hình dáng của một con rồng đang bập bềnh trong suối. Qua lời phán đoán của những người dân tộc quanh vùng, cây đã bị đổ ngã và an vị bên suối đã hơn 100 năm, hàng ngày dòng nước chảy xiết tạo trên thân gỗ những vân sóng độc đáo. Sau 2 tháng thuê người trông giữ, đến mùa khô nước suối cạn lúc đó anh Phòng mới tiến hành trục vớt đưa kỳ mộc về nhà. Và bỏ thêm 6 tháng cho việc thiết kế tiểu cảnh, kỳ mộc “Vương Long” vốn dài 8,5m đã hoàn chỉnh với dáng dấp oai mãnh như hiện tại.

 

CHƠI LŨA KHÔNG CHỈ MANG TÍNH NGHỆ THUẬT…

Nhắc đến thú chơi phong cách này, có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cố đạo diễn Hồng Sến. Ở hãng phim Giải phóng, ai cũng ấn tượng với cái thú chơi cây khô mà vị đạo diễn tài hoa này vương mang trong những ngày đi tìm bối cảnh. Chính nhờ những ngày băng rừng lội suối ấy, ông có dịp sưu tầm những gốc cây khô có hình dáng lạ và mang về xưởng trưng bày. Nghệ nhân Bùi Ðức Tầm - người bạn và cũng là tác giả ảnh cho bộ sưu tập kỳ mộc của cố đạo diễn Hồng Sến chia sẻ: “Ðặc điểm riêng thú chơi này là tôn trọng hình dáng nguyên thủy thuần nhất từ thiên nhiên. Có thể tác phẩm trùng tên nhưng dáng vẻ của lũa không bao giờ giống nhau. Bước vào thú chơi và ngắm lũa - mỗi người  có những cảm nhận và tưởng tượng riêng của mình. Nghệ thuật của thú chơi này chính là chỗ đó”.

Nghệ thuật chơi lũa còn nằm ở cách nhìn và cách tạo hình cho lũa. Ðối với những người đam mê, tìm được lũa đã khó nhưng tạo hình cho lũa còn khó hơn bội phần. Anh Ðạo tiết lộ: “Cần phải có giác quan thứ sáu và một con mắt ở trong tim để nhìn ra cái đẹp của kỳ mộc”. Dựa trên hình dạng, đường nét của lũa, người chơi sẽ khai thác các chi tiết để tác phẩm trở nên sinh động và mang một ý nghĩa hoặc một tính triết lý sâu xa. Ðây cũng là cách nghệ nhân “thổi hồn” cho lũa. Ðặc biệt, với những kỳ mộc được thiên nhiên tạo ra như “Vương Long” thì không cần phải có thêm một sự can thiệp nào vì bản thân tác phẩm đã quá hoàn mỹ. Do vậy, người sở hữu những kiệt tác này thường cho rằng đó là duyên Trời ban tặng. Cũng theo lời các nghệ nhân chơi lũa “Khi đã hết duyên thì hãy để lũa ra đi, nhường lại cho người khác và cũng đừng nuối tiếc”.

 

… MÀ CÒN ẨN CHỨA TRIẾT LÝ SỐNG SÂU XA

Nhắc đến khía cạnh này, nghệ nhân Hải Phòng tư lự: “Từ khi gặp được Vương Long, tôi bị xoáy vào thú chơi này với một niềm đam mê sâu sắc. Sau những đêm thưởng trà ngắm thân lũa để thiết kế tiểu cảnh, tôi nghiệm ra hình dáng cong lượn lên xuống của Vương Long cũng giống như những giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời con người. Còn hàng cây bonsai tôi trồng trên thân rồng chính là cuộc hành trình đi tìm Chân – Thiện – Mỹ. Trong tiểu cảnh còn có cây chết khô và ngã gục, điều đó cũng giống như ý chí con người không vượt được những thử thách thì đành đánh mất bản thân mình. Với Vương Long, anh Phòng còn khéo léo sắp đặt tiểu cảnh vực sâu và chiếc cầu dây mỏng mảnh, hàm ý vượt qua tất cả khó khăn sẽ tìm tới được đầu rồng - đó cũng là khi ta tìm ra chân lý sống và đạt tới những đỉnh cao.

 

Không đơn thuần là một tác phẩm giải trí, kỳ mộc đối với người chơi còn là những người bạn thân thiết. “Vua lũa Di Linh” Ðỗ Duy Ðạo còn xem lũa là ân nhân của mình bởi sau khi tìm được kỳ mộc đầu tiên, gia đình anh đã có cuộc sống khấm khá hơn trước. Giờ đây, trải qua 12 năm săn lùng kỳ mộc để thỏa thú chơi và phục vụ kinh doanh, anh Ðạo vẫn tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng kỳ mộc như thần” và chỉ dám ước nguyện săn tìm gỗ lũa chìm ở vùng sông suối hoặc đi tìm gốc thân cây gãy đổ đã chết hàng thế kỷ trước chứ không bao giờ dám tàn phá rừng xanh. Mỗi khi rước lũa về nhà, sau khi lau chùi sạch sẽ, anh Ðạo phải nguyện xin khai sáng đôi mắt và tôn tạo “hồn” cho lũa. Nhờ thú chơi này, anh đã kìm chế được sự hấp tấp nóng vội và tâm tính trở nên trầm tĩnh hơn hẳn.

 

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)