Độc đáo Tháp Chăm Bình Định

Trong kiến trúc thể hiện tính hoành tráng, nhưng trong trang trí lại khá đơn giản, không cầu kỳ như giai đoạn trước. Tất cả thành phần kiến trúc đi vào mảng khối là chính, vòm cửa thu vào và vút cao thành hình mũi giáo, các tháp nhỏ trên các tầng như cuộn lại thành khối đậm khỏe, trên mặt tường được tạo các trụ ốp với những đường gờ nổi chạy dọc thân tường tháp, các góc đều được tạo những phiến đá điểm góc cách điệu. Tất cả đều có tác dụng gây ấn tượng hoành tráng từ xa nhìn vào. 

Khi định niên đại cho các tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định, P. Stec đã đưa ra một giả định như sau: Phong cách bắt đầu từ tháp Bánh Ít hay còn gọi là tháp Bạc (nửa đầu thế kỷ 12), tháp Dương Long (đầu thế kỷ 13), tháp Hưng Thạnh (nửa đầu thế kỷ 12), nở rộ ở các tháp Thủ Thiện, Cánh Tiên (hay tháp Đồng), Phú Lốc (hay tháp Vàng) thuộc thế kỷ 13 và bắt đầu suy thoái ở tháp Po Klung Garai - Ninh Thuận (cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14). Sau này Boisselier, trên cơ sở nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc, đã cho rằng phong cách Bình Định hay tháp Mẫm bắt đầu từ cuối thế kỷ 11 và kéo dài tới thế kỷ 13 với thứ tự sau: sau tháp Bánh Ít là tháp Thủ Thiện cùng Cánh Tiên, Phú Lốc, tiếp đó là Dương Long, Nhạn Tháp (Phú Yên) và kết thúc là Po Klung Garai.
 Gần đây sau những phát hiện mới về điêu khắc trang trí kiến trúc, giới nghiên cứu cho rằng tháp Bánh Ít có niên đại đầu thế kỷ 11, còn tháp Phú Lốc, Thủ Thiện và Dương Long có niên đại thế kỷ 12.Tồn tại trong 5 thế kỷ, trên vùng đất Bình Định xưa người Chăm đã xây biết bao những kiến trúc tôn giáo hoành tráng. Những gì còn sót lại hôm nay chỉ là một phần nhỏ trong những di sản mà người Chăm làm ra. 
 
 
Tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín mùi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và dung hòa được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Nói đến tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại đất khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi ta chạm tay vào đã truyền cho ta niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một loại chất liệu. Không trường cửu như gạch nhưng vĩnh cửu là đất. 
Những đền tháp Chăm này được đặt trong sự gắn kết với cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm chính trị, kinh tế quân sự và tôn giáo cổ (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành), và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại). Trải qua hàng nghìn năm với chất liệu đất vẫn còn trường tồn là một bí ẩn và độc đáo mà chỉ có ở tháp Chăm.
 
 
Chính vì những giá trị nổi bật, độc đáo mà UBND Bình Định, Viện Khảo cổ học nhiều năm qua đang xúc tiến xây dựng hồ sơ, khuyến nghị Chính phủ, đề nghị UNESCO công nhận: "Hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định là di sản văn hóa thế giới". Tuy nhiên, lộ trình đi từ di tích đến di sản còn nhiều việc phải làm nhưng đối với mọi du khách thì  Tháp Chăm Bình Định  luôn chứa đựng sự kỳ bí, lôi cuốn đươc nhiều toru du lịch  tham quan khám phá mỗi ngày .. .
 
 
 
 Bài và ảnh Khoa Thanh.