Chị mở lời: du lịch đến với tôi như cái nghiệp chứ không phải nghề. Trên 16 năm theo nghề, công việc này vẫn hấp dẫn quyến rũ tôi ngày càng sâu đậm. Có lẽ vì tôi làm du lịch với tất cả tâm sức nên đoàn khách của tạp chí Enexis Traveller lần đầu chọn Spirit Travel để đi tour, họ muốn xem một thương hiệu rất non trẻ của ngành du lịch Việt Nam có thể kham nổi việc tổ chức một tour theo yêu cầu giờ chót của họ hay không? Với cả sức lực và tâm huyết nghề nghiệp tôi đã làm tròn việc tổ chức thực hiện tour tốt đẹp, khách đi về rất hài lòng và 2 năm sau khi nhận được tờ báo của họ gứi tặng tôi đã “tá hỏa” vì không ngờ mình “bị săm soi” trong một thời gian lâu dài như vậy.
Năm 1979, cô học trò tên Nguyễn Thị Mỹ Dung vừa tốt nghiệp trung học đã rất vui mừng khi nhận giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học kiến trúc. Ngày ấy với mơ ước đơn giản, chị nghĩ: trong tương lai, đất nước sau chiến tranh sẽ rất cần xây dựng lại nhiều công trình và nhà ở nhưng…khi ra trường sau những ngày vất vả tìm công việc đúng sở trường, chị đã từng cắn môi nén khóc vì luôn nhận được cái lắc đầu ái ngại. May thay, với vốn liếng rành rẽ 02 ngoại ngữ Anh – Pháp, chị được nhận vào làm trợ lý cho văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian đất nước mới mở cửa. Nhớ lại chuyện xưa chị thầm cám ơn “công việc trái nghề này là một “trường đời” vì tại nơi đây chị đã được các sếp nước ngoài tận tình chỉ bảo rất nhiều điều, qua đó cơ hội hiểu biết, học hỏi thêm cách làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, cách nghĩ, cách phân tích, cách làm việc logic rõ ràng được tích lũy dần tạo nên thói quen, nếp nghĩ, tác phong và là nền tảng vững vàng khi chị chạm ngõ cùng du lịch sau này.
Sau khi văn phòng đại diện đóng cửa, một người bạn biết rõ khả năng ngoại ngữ và giới thiệu chị làm việc tại Công ty du lịch Hòa Bình với vai trò thông dịch viên nhưng khi được nhận vào làm chị quyết định trở thành Hướng dẫn viên với sự giúp đỡ của nhiều đàn anh, đàn chị đồng nghiệp. Những ngày tháng bôn ba phục vụ trong công việc HDV, chị được cái “lời” lớn nhất là đi hết đất nước Việt Nam để tận mắt ngắm thiên nhiên thỏa chí, qua đó chị chợt phát hiện ra cảnh sắc Việt Nam thật đẹp và có nhiều điều lạ lùng, quyến rũ mà chỉ có đôi mắt và cái đầu của mình mới có thể lưu lại …
Giấc mơ của cô HDV Mỹ Dung càng được ông trời ưu ái hơn khi chị đầu quân cho Công ty du lịch liên doanh Exotissimo - một công ty du lịch lữ hành trẻ, làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế thâm nhập thị trường Việt Nam. Sự say mê cùng lòng yêu nghề càng cao khiến chị quyết tâm để dành tiền, tự bỏ tiền túi để sưu tầm tài liệu không mệt mỏi, đi du lịch khám phá nhiều nơi trong và ngoài nước và những chuyến famtrip, những chuyến công tác…cái duyên ăn nói cùng sự hiếu học đã chắp cánh cho chị luôn là vị trí trưởng đoàn khi phải đón tiếp các đoàn khách quan trọng trong và ngoài nước.
Sau một thời gian dài làm việc tại đây, chị quyết định ra riêng với một số vốn be bé và khối kiến thức trong đầu để thành lập công ty du lịch Lữ hành quốc tế Hồn Việt (tên giao dịch tiếng Anh gọi là SPIRIT TRAVEL) vào năm 2005… Tuy vậy, dù đã có kinh nghiệm trong hầu hết mọi việc nhưng khi quản lý điều hành và chăm lo đời sống cho một đội ngũ nhân viên thì đây là một trong cái khó lớn nhất của vị giám đốc bởi: việc huấn luyện, trau dồi kỹ năng và sẻ chia kiến thức đã khiến chị phải làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày. Hai năm xây dựng cơ bản vừa hoàn thành - Spirit Travel lại gặp lao đao do sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi nền kinh tế, để nuôi dưỡng “đứa con” mới ra đời đã gặp nhiều khó khăn, chị thực hiện các bước: rà soát và quản lý chi phí một cách hợp lý và chặt chẽ, bỏ lên bàn cân đong đo đếm các thị trường mà Spirit Travel không đủ sức theo đuổi, đồng thời cam kết chữ uy tín với các khách hàng theo tiêu chí cẩn trọng chi li nhất. Lại mất gần 3 năm kiên trì vượt khó.Sự thành công của thương hiệu Spirit Travel mà chị nhận được chính là danh sách khách hàng thân thiện ngày càng dài hơn và sự tín nhiệm được minh chứng khi khi khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ của Spirit Travel ngày càng nhiều.
Hỏi thăm về gia đình, chị vui hơn khi nhắc đến “bóng tùng quân” mà chị gắn bó với một niềm yêu thương kính trọng. Chia sẻ cùng người viết: “chị may mắn được sự thông cảm của chồng rất nhiều vì du lịch là cái nghề không có thời gian biểu rập khuôn, anh đã hỗ trợ chị rất nhiều trong công việc riêng và chung để chị toàn tâm ý theo đuổi giấc mơ làm nghề du lịch được toàn vẹn.
“Với ngành du lịch Việt, chị còn những điều hài lòng và cả trăn trở chứ?”. Im lặng một lát chị nhỏ nhẹ: sự tin cậy của khách hàng và cả sự yêu thương gắn kết của và nề nếp văn hóa của đồng đội Spirit Travel luôn làm chị hài lòng và xúc động,….Còn trăn trở ư! Có đi nhiều, có ra biển lớn chị thấy ngành du lịch Việt vẫn còn chông chênh lắm vì thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các ban ngành và sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp trên. Du lịch Việt muốn chắp cánh bay cao thì cần phải có một đôi cánh vững mạnh nhưng dường như hiện tại vẫn chỉ là ước vọng…Thôi thì chị chỉ mong trong vai trò nhỏ bé của người làm du lịch để giới thiệu văn hóa Việt đến các khách hàng, các bạn bè và cũng sẽ chuyển tải những nét độc đáo của văn hóa nước bạn để thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tự gạn đục khơi trong và tích lũy những tinh túy của nhân loại.
Bài Thụy Dương
Dịch thuật Sơn Dương