Ghềnh RángTiên Sa - Sự tích một huyền thoại

Huyền thoại về một tình yêu vĩnh cửu

Người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền sự tích đã làm nên điểm du lịch đặc biệt này. Ngày xưa, ở Bồng Sơn có người con gái đẹp, nết na thùy mị nổi tiếng. Hằng ngày, cô chăm lo ruộng đồng, tần tảo việc nhà, hết lòng giúp đỡ cha mẹ. Cô và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Những đêm trăng sáng, dưới bóng dừa bên bờ Lại Giang, đôi bên đã nặng lời thề ước.Nhưng rồi sắc đẹp của cô đã làm viên quan huyện là người cùng làng mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, cô khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn.

Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi giông bão, cô gái biến mất trong đêm mưa gió tầm tã. Bọn chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra dấu vết gì nên cho rằng cô gái đã liều thân nhảy xuống biển cả, đành tức tối trở về chịu tội với quan trên. Chàng trai mất người yêu cũng chạy vào tìm kiếm. Anh leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng anh tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả, nhưng trong đêm tối, anh chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi. Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì vậy chốn này được gọi là Ghềnh Ráng Tiên Sa.


Non xanh nước biếc

Từ đỉnh Ghềnh Ráng có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía nam như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những dãy núi xanh dựng thành từng lớp, nơi cao, nơi thấp chạy dọc ven biển đến tận Quy Hòa. Về phương bắc, lướt qua dải cát vàng mịn óng, thành phố Quy Nhơn hiện lên với những đường phố dọc ngang; xa xa là khu kinh tế Nhơn Hội, niềm tự hào của người dân Bình Ðịnh thời kỳ đổi mới. Còn xoay lưng vào động cát phía tây, quay mặt ra hướng đông là biển cả bao la, xanh biếc một mầu.
Chếch về hướng đông - bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa biển Thị Nại như tấm bình phong khổng lồ. Xa xa về phía đông - nam, là một đảo lớn, tục gọi Cù Lao Xanh.

Từ xa xưa những người dân biển coi hòn đảo này như một tiêu mốc để định hướng đi. Sau này ngọn hải đăng đã được xây dựng trên đảo Cù Lao Xanh. Ði dọc con đường đất uốn lượn theo triền núi, du khách có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ dị mà tạo hóa đã tạo ra cho Ghềnh Ráng. Trên một phiến đá lớn có một bức phù điêu hình mặt người. Lại có khối sơn thạch được mưa gió và thời gian mài gọt trông tựa đầu một con sư tử lớn đang chồm ra Biển Ðông, có trụ đá hình dáng như người vợ ngóng chồng được mệnh danh là đá Vọng Phu. Ðặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau trông rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng. Thoạt nhìn khối đá lớn như thể muốn rơi, vậy mà trải qua năm tháng dãi dầu nó vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", đứng vững vàng nghìn đời nay bất chấp phong ba bão tố. Từ Hòn Chồng đi về hướng bắc dọc theo ven biển sẽ gặp những hang động hiểm hùng, kỳ bí do đá nằm chồng chất lên nhau tạo thành.

Ghềnh Ráng nơi đây càng nổi danh hơn bởi thi sĩ Hàn Mặc Tử. Vì mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã phải sống những năm tháng cuối đời trong trại phong Quy Hòa. Trong thung lũng yên bình, phía trước là biển trời bao la, đằng sau là dãy núi non điệp trùng với Dốc Đá, thi sỹ họ Hàn yên nghỉ và đón nhận cuộc sống mới sau kiếp tài danh nhưng quá đỗi bạc mệnh ấy.

 Bài Và ảnh : Nguyễn Khoa Thanh