Hơn một năm trước, tôi sang Thụy Điển định cư cùng chồng – người Thụy Điển chính thống. Tôi may mắn qua Thụy Điển vào thời điểm gần Giáng sinh (tiếng Thụy Điển gọi là “Julafton”), được tham gia cùng mọi người lễ đón Giáng sinh giúp tôi và gia đình chồng thêm gần gũi, ấm áp. Nhất là ba mẹ chồng, ông bà đã tận tình giúp và chỉ dạy cho tôi nhiều điều. Mẹ chồng dạy tôi cách chào hỏi theo văn hóa bản xứ, chỉ tôi cách làm bánh, chợ búa... Bố mẹ chồng yêu thương tôi như con gái của mình. Ông bà dạy tôi bằng chính sự mẫu mực, nhân hậu trong chính cách sống của họ.
Tại Thụy Điển, phần chính của lễ Giáng sinh không phải là tổ chức vào ngày 25 mà là vào ngày 24 tháng 12. Ở Thụy Điển, việc chuẩn bị cho Giáng sinh bắt đầu vào cuối tháng mười một hoặc đầu tháng mười hai. Đó là thời điểm mọi người tất bật mua sắm và tìm kiếm những món quà Giáng sinh thích hợp cho tất cả các thành viên trong gia đình. Quà Giáng sinh phải được chuẩn bị đầy đủ vào trước những ngày cuối cùng của lễ Giáng sinh và đặt dưới chân cây Noel một đêm trước ngày lễ. Tôi cùng chồng đi mua sắm, cùng trang trí nhà cửa, cùng gói quà Giáng sinh.
Chồng tôi kể rằng tất cả mọi người và trẻ con đều viết ra giấy những món quà mà mình mong muốn sau đó đặt dưới gối, dán lên trên một góc bảng hoặc bỏ vào hộp thư. Khi lễ Giáng sinh đến bạn có thể nhận được một trong những món quà yêu thích. Không những trẻ con mà ngay chính cả người lớn cũng rất thích thú về truyền thống này. Đó là cách thành viên trong gia đình biết được bạn thích gì và có thể chọn cho mọi người món quà như ý.
Nhưng việc đầu tiên bắt đầu của mùa Giáng sinh là mọi nhà đều chuẩn bị một thứ không thể thiếu đó là “mùa vọng nến” (tiếng Thụy Điển có tên “Advenstsljusstake”) với bốn ngọn nến “Advent candlestick’’ tượng trưng cho bốn chủ nhật trước Giáng sinh (the four Sundays just before Christmas).
Vào ngày chủ nhật đầu tiên, ngọn nến đầu tiên sẽ được thắp lên. Rồi đến chủ nhật thứ hai, người ta sẽ thắp ngọn nến thứ hai và cứ như thế cho đến khi ngọn nến cuối cùng được thắp lên. Và vào đêm Giáng sinh cầu vọng nến được thắp sáng trông giống như những bậc thang. Hầu hết mọi gia đình đều chuẩn bị cây thông Noel trong nhà và trang trí theo ý thích. Mẹ chồng tôi kể, ở thành phố thì người ta có thể mua dễ dàng trong siêu thị hoặc có thể mua ở chợ trời vào những ngày cuối tuần làm tôi liên tưởng đến những chợ hoa tết ở quê nhà. Ngoài những vật trang trí thông thường, nhiều gia đình còn tự làm cả bánh ngọt (Peppakaka) một loại bánh rất đặt trưng với nhiều hình dáng ngộ nghĩnh trang trí cho cây thông Giáng sinh, cộng thêm rất nhiều loại kẹo đặt trưng trong mùa này. Tôi cũng được biết rằng sở dĩ người ta thích trang trí bánh kẹo lên cây thông Noel và vì sau đó trẻ con có thể “hái” ăn thoả thích.
Giáng sinh đối với người Thụy Điển cũng giống một số nước khác là thời gian đặc biệt dành cho gia đình và bạn bè thân thiết. Tôi thật sự hạnh phúc khi được đón một Giáng sinh đầy ý nghĩa, đậm tính chất truyền thống như thế. Chúng tôi cùng thưởng thức những món ăn và thức uống đặt biệt dành cho Giáng sinh, mọi người cùng trò chuyện, hỏi hang cười đùa.
Trên bàn ăn trong lễ Giáng sinh của người Thụy Điển không thể thiếu thịt dăm bông đặc biệt (Julskinka), ngoài ra còn có một vài loại cá muối (sill), thịt viên, cá hồi tẩm, sườn nướng, khoai tây, trứng và một vài loài rau củ khác. Kèm theo là một loại thức uống rất đặc biệt chỉ dành cho Giáng sinh là “Julmust” có vị thơm ngọt đặc biết gần giống nước ngọt và “glogg” có vị hơi nồng như rượu vang.
Đúng ba giờ chiều sau khi cùng dùng bữa xong, tất cả trẻ con cùng ngồi trước tivi xem những đoạn phim hoạt hình “Vịt Donal và những người bạn” và một số phim hoạt hình ngộ nghĩnh khác. Một trong những người em họ hàng của gia đình chồng kể với tôi rằng, mỗi năm đều như thế, cũng những bộ phim đó được phát vào đúng ngày giờ đó, mỗi năm chúng mỗi xem nhưng chưa bao giờ thấy chán mà lại rất háo hức chờ đợi để được xem.
Sau khi kết thúc, mọi người rủ nhau ra vườn cùng nặn ông già tuyết đặt trước nhà và chơi kéo xe hay trượt ván tuyết. Cuối cùng thời khắc mà trẻ con chờ đợi nhất đó là cùng nhau mở những hộp quà Giáng sinh và đọc cho nhau nghe những lời chúc, cũng giống như truyền thống lì xì của người Việt Nam.
Tôi yêu, tự hào về gia đình mới của mình như chính cách tôi tự hào về nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chính gia đình cho tôi thêm niềm tin và tình yêu cuộc sống. Tôi thực sự cảm nhận mình thuộc về nơi này.
THẢO ASKLING, STOCKHOLM – SWEDEN