Hoang dã giữa thiên nhiên

Eo gió Nhơn Lý – thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ


Thả bộ qua bãi đá trứng, dọc theo vách núi, chúng ta còn dễ dàng nhận thấy những hang động mà thiên nhiên khéo kiến tạo rất đặc trưng theo dạng hàm ếch, hình vòm, lô nhô những nhũ đá nhiều màu với nhiều hình tượng mang dáng vẻ gợi cảm, phù hợp để du khách dừng chân trú nắng, trú mưa, nghỉ ngơi sau mỗi lần vãn cảnh Eo Gió. Về hướng tây là những hang động có nhiều chim yến làm tổ, trú ngụ quanh năm, cho ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu.


Đến Eo Gió bạn còn thấy một vách núi đá thẳng đứng có một dòng nước suối trong xanh, mát ngọt, từ trên cao chảy xuống như dải lụa tự nhiên vào một hố tròn chờ sẵn dưới chân núi mà nhân dân địa phương thường gọi là “Giếng tiên”. Nhiều du khách sau khi vãn cảnh tắm biển, rồi ngâm mình vào “Giếng tiên” thả hồn theo mây gió, quên hết mệt nhọc, cảm thấy yêu đời hơn. Khách tham quan Eo Gió nên chọn thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, khi “tháng giêng động dài, tháng hai động tố” đã qua, nhường chỗ cho “tháng ba nồm rộ, tháng tư nam non” đến. Ở thời điểm này trời thanh, biển lặng, quần thể Eo Gió được che chắn bởi dãy núi hình cánh cung từ đông sang tây, tạo cho lòng vịnh luôn kín gió, mặt nước biển êm đềm lăn tăn từng con sóng nhỏ vỗ nhẹ vào từng phiến đá rả rích nghe khá êm tai.
Eo Gió hiện là một thắng cảnh đẹp của thành phố Quy Nhơn, có giá trị về du lịch tham quan. Bạn muốn đến Eo Gió hãy đi qua cầu Thị Nại theo đường 639 đến ngã ba Nhơn Hội chừng 10km, rồi rẽ theo hướng tay phải đi trên tuyến đường trục đã trải nhựa thẳng tắp khoảng 5 km nữa là đến được trung tâm xã Nhơn Lý, từ đó bạn gởi xe rồi thong thả đi bộ khoảng 200 mét là đến Eo Gió. Bạn cũng có thể đi theo tỉnh lộ 639 (tuyến đường ven biển) từ Tam Quan (Hoài Nhơn) đến Phù Mỹ - Phù Cát - Quy Nhơn, và tỉnh lộ 640 - 635 đến tỉnh lộ 639 về hướng cầu Thị Nại tới ngã ba Nhơn Hội rồi rẽ trái cũng đến được Eo Gió.


      
Hầm Hô nét đẹp giữa đại ngàn


Hầm Hô nằm ở thôn Phù Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn khoảng 55km về phía tây bắc. Đây là một dải liên hoàn bậc thang gồm: suối, thác, hồ, sông, lạch trải dài gần 2km men theo vùng hạ lưu sông Kút. Khởi hành từ thành phố Qui Nhơn theo quốc lộ 1 về hướng Tây Bắc, đến quốc lộ 19 thì rẽ vào đi về phía huyện Tây Sơn, vùng đất của vương triều áo vải, từ đây đi thêm hơn 5km nữa là du khách sẽ đến với vùng đất sơn thủy kỳ tú này. Đến với Hầm Hô, du khách không chỉ đắm mình trong cảnh sắc núi non hùng vĩ mà còn được tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.


Vào mùa nước cạn và những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như hàng vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Mỗi trụ đá mang một hình dáng riêng, chắp cánh cho trí tưởng tượng của du khách: đá lớn, đá nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những khối nhìn tựa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bầy ngựa đang phi… Những tảng đá khổng lồ nhẵn thín này được tạo thành bởi thời gian và dòng nước qua hàng triệu năm sẽ là điểm dừng chân thú vị của du khách sau một thời gian dài bồng bềnh trên chiếc thuyền bé nhỏ. Mùa mưa, cá từ sông Kôn ngược dòng lên nguồn Đá Hàng để sinh đẻ và phải qua thác Hầm Hô mới lên được nguồn. Tương truyền rằng xưa kia, hàng năm cá tề tựu về đây để vượt thác, con nào vượt được thì hóa rồng nên thác còn có tên gọi là thác Cá Bay hay thác Vũ Môn. Ngoài ra, trứng kiến vàng là một món ăn chỉ độc nhất vào sâu trong Hầm Hô mới có. Đây vừa là thứ đặc sản hiếm có, vừa là phương thuốc chữa được nhiều bệnh tật.


Nếu muốn, du khách có thể ở lại thêm một ngày, trèo đá, vượt thác, men theo những đường mòn hoang sơ dọc theo hai bờ sông Kút lên đến Thác Dốc, Hòn Trào, ngủ đêm tại đây để sáng hôm sau đón những tia nắng bình minh xuyên qua kẽ lá, phản chiếu trên mặt nước Hầm Hô giữa muôn vàn âm thanh ríu rít của tiếng chim muông hòa vào không gian huyền bí, gió hú mây ngàn...

Nguyễn Văn Thanh