Mới đây, Hội thảo phát triển du lịch sinh thái (DLST) tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được tổ chức tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
ĐBSCL có tiềm năng về DLST với hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ.
Hội thảo phát triển du lịch sinh thái (DLST) tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được tổ chức tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Thế Anh
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là: “DLST, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo… trong đó, cụm Đồng Tháp Mười gồm hai tỉnh Long An và Đồng Tháp sẽ tập trung các sản phẩm du lịch đặc trưng là DLST tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười”.
Nếu phía Bắc nổi tiếng với VQG Cúc Phương, phía Nam vang danh với khu rừng nguyên sinh Cát Tiên, thì miền sông nước Đồng Tháp lại vô cùng tự hào khi sở hữu VQG Tràm Chim. Đây là khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, nổi bật với hệ sinh thái phong phú và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đặc biệt là sở hữu rất nhiều loài chim quý hiếm điển hình như sếu đầu đỏ. Sự phong phú về các loài động thực vật đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên phong phú và độc đáo cho Tràm Chim.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, giám đốc Công ty du lịch Wildtour, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Anh
Tại Hội thảo, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp đã nêu lên thực trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống,… đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho cộng đồng tiếp tục được chú trọng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến và thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Trong tham luận”Du lịch sinh thái tại ĐBSCL, góc nhìn từ phía doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Bảo, giám đốc Công ty du lịch Wildtour, khẳng định ĐBSCL nói chung, VQG Tràm Chim nói riêng, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch khám phá động vật hoang dã (Safari/Xem chim). Đây cũng là loại hình sản phẩm du lịch cao cấp dành cho nhóm khách hàng có điều kiện tài chính, chịu chi tiêu (doanh thu xếp thứ 3, chỉ sau du lịch nghỉ dưỡng tại resort cao cấp và du thuyền xa xỉ). Đặc điểm của khách du lịch cao cấp có thể bao gồm: thu nhập cao, tìm kiếm trải nghiệm độc đáo, yêu cầu dịch vụ cá nhân hóa, chất lượng cao và tiện nghi, quan tâm đến sự bền vững, du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, ông Bảo phân tích, du lịch khám phá động vật hoang dã vẫn còn có nhiều hạn chế cần phải khắc phục như: công tác quảng bá vẫn chưa hiệu quả, cơ sở vật chất phục vụ du khách tại các điểm đến chưa hoàn thiện, các ngành dịch vụ chưa đồng bộ, cơ chế, thủ tục để doanh nghiệp tổ chức tour cũng như du khách tiếp cận rất khó khan, nguồn nhân lực hướng dẫn viên còn hạn chế, việc săn bẫy chim thú, phá hoại thiên nhiên xảy ra thường xuyên nên nguồn tài nguyên chim suy giảm, nên du khách không muốn đến.
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia đã được đưa ra nhằm góp phần vào sự phát triển chung của DLST tại ĐBSCL. Ảnh: Thế Anh
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng An Giang, trình bày về kinh nghiệm thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng và liên kết doanh nghiệp trong hoạt động du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tại rừng tràm Trà Sư. Khi trải nghiệm tại rừng tràm Trà Sư, du khách được xem, nghe giới thiệu về đất ngập nước và tài nguyên đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước, được tham quan phòng diễn giải môi trường, trong đó được giới thiệu các mẫu vật tài nguyên sinh vật trưng bày của khu rừng đặc dụng Trà Sư, nghe giới thiệu về các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, về hệ sinh thái đồi núi duy nhất của vùng ĐBSCL. Sinh viên, học sinh đến đây, còn được nghe giảng dạy ngoại khóa về hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng tràm, tài nguyên động thực vật và các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ở rừng đặc dụng Trà Sư.
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia đã được đưa ra nhằm góp phần vào sự phát triển chung của DLST tại ĐBSCL. Theo các chuyên gia, DLST là loại hình du lịch đặc thù nhằm hướng tới mục tiêu chính là giáo dục ý thức BVMT, bảo vệ thiên nhiên cho con người. Để DLST ĐBSCL phát triển mạnh, trong thời gian tới, ngành du lịch của ĐBSCL cần đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, không ngừng đổi mới các loại hình nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, thực hiện chiến lược phát triển du lịch của vùng trong tương lai.
Nam Anh