Khánh thành công trình Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Sáng 3/1, UBND TP.HCM tổ chức khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại số 05 Đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM, một trong các công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước ( 30/4/1975 – 30/4/1925).

Đến dự Lễ khánh thành, về phía TP.HCM có các đồng chí: Ông Phan Văn Mãi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM; Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM; Ông Huỳnh Thanh Nhân, PCT HĐND TP.HCM; Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du Lịch TP.HCM; Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM.

Về phía lãnh đạo tỉnh An Giang có các đồng chí: Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang; Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Đại diện gia đình có Bà Tôn Thị Tuyết Dung, con gái Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Trước buổi Lễ khánh thành, các đồng chí, đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng và trồng cây trong khuôn viên Bảo tàng.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được UBND TP.HCM ra quyết định thành lập vào năm 1988 với tên gọi ban đầu là: “ Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đặt tại số 05 đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 1990. Bộ Văn hoá - Thể thao – Du Lịch ra quyết định số 894/ QĐ đổi tên thành “ Bảo tàng Tôn Đức Thắng”. Bảo tàng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập của nhân dân về Bác Tôn, người con ưu tú của nhân dân Nam bộ, Người công dân ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn, là tấm gương, niềm tự hào của nhân dân Nam Bộ thành đồng.

Hơn nữa, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại TP.HCM cũng mang một ý nghĩa đặc biệt vì phong trào đấu tranh của công nhân, Nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ 20, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng - người tham gia sáng lập tổ chức Công Hội Bí mật.

 

Đồng chí Phan Văn Mãi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại lễ khánh thành

Phát biểu tại Buổi lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết:  “Đây là công trình đầu tiên được UBND TP.HCM khánh thành đầu năm 2025. Cũng là công trình đầu tiên đăng ký nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi vào hoạt động. Công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng không chỉ là tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM mà còn của An Giang và cả nước kính dân lên Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu. Công trình xây dựng để bày tỏ lòng biết ơn những cống hiến, sự hy sinh, tình cảm của Bác Tôn dành cho cách mạng, dành cho nhân dân”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn các cơ quan phối hợp hoạt động để Bảo tàng Tôn ĐứcThắng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lan toả các giá trị tốt đẹp của Đảng, của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng, các vị lãnh đạo, lãnh tụ....

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM còn mong muốn mỗi học sinh, sinh viên ít nhất một lần đến bảo tàng để nghe về cuộc đời và sự nghiệp, để hiểu rõ hơn về Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ông cũng chỉ đạo: “ Ngành du lịch cũng tham gia vào hoạt động của bảo tàng, để bảo tàng là một điểm dừng, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế khi đến TP.HCM”.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống trưng bày hiện đại, hấp dẫn, sống động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thông qua các câu chuyện cụ thể, gắn với những con người cụ thể để tạo ra cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng trở thành nơi giao lưu, đối thoại cộng đồng, nhất là thế hệ thanh thiếu niên và trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cho công chúng, nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến Bác Tôn đến tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác thông tin tư liệu và Chủ tịch Tôn Đức Thắng và lịch sử Việt Nam cận hiện đại.

Ngày 30/10/2019, UBND TP.HCM ra quyết định số 1656/QĐ –SXD – TDDA về việc xây dựng dự án Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng với quy mô của công trình có gần 2.000 mét vuông bố trí cho diện tích trưng bày để đáp ứng nhu cầu chuyển tải các chủ đề trưng bày thường xuyên, trình bày chuyên đề ngắn hạn, khu vực cho các hoạt động trải nghiệm và phục vụ cho các hoạt động văn hoá khác.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho biết công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng có mức tổng đầu tư là 275 tỷ đồng.

Công trình gồm 4 tầng nổi và 1 tầng hầm. Diện tích xây dựng tầng trệt là 1.722m2 . Tổng diện tích xây sàn của các tầng là 8.511m2 . Dự án gồm xây dựng toà nhà và thiết kế trưng bày.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây mới và tổ chức các chủ đề trưng bày cố định của bảo tàng tập trung ở tầng 3 và tầng 4. Tầng 3 gồm 3 chủ đề: thời niên thiếu; Từ người thợ đến người lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn ; 15 năm tù Côn Đảo. Tầng 4 gồm 2 chủ đề: Một hạt nhân đại doàn kết dân tộc và Một vị Chủ tịch nước.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có các phòng tương tác trải nghiệm, trong quá trình tham quan mỗi chủ đề khách tham quan sẽ tự tương tác, trải nghiệm thú vị qua không gian trưng bày và không gian khám phá tạo cảm giác vừa gần gũi, vừa mới lạ, hấp dẫn.

Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM đánh giá: “ Công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng có kiến trúc đẹp, tương xứng tầm vóc TP.HCM. Nơi đây thuận lợi cho các hoạt động trưng bày thường xuyên, trưng bày ngắn hạn”.

Với cách thức trưng bày mới, thể hiện ngôn ngữ riêng, độc đáo nhằm tôn vinh các giá trị đặc sắc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng dựa trên trưng bày sử dụng hệ thống không gian hợp lý tạo một lộ trình tham quan dễ tiếp cận và thoải mái nhất.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng phục vụ thăm viếng, dâng hoa, dâng hương tham quan các ngày trong tuần ( trừ thứ 2), bắt đầu từ ngày 3/1/2025.