Khi Xe Đạp Là Đam Mê

Đẳng cấp dân chơi

Không có con số thống kê chính xác, nhưng hiện nay, dân chơi xe đạp thường tập trung lại thành hội để tiện giao lưu, sinh hoạt và chia sẻ với nhau mọi điều về chiếc xe cưng của mình hay đơn thuần là họp bàn tổ chức những chuyến rong ruổi nhỏ cho hội. Có thể do đây là môn chơi mang tính thể thao nên có hơi kén người chơi. Số lượng thành viên của các hội (thường được phân theo khu vực như: hội Long An, hội Biên Hòa, hội Sài Gòn…) chiếm số lượng không cao lắm, đông nhất vẫn là hội xe đạp Sài Gòn với số lượng trên vài trăm thành viên.

 

Và dân chơi xe đạp thì lẽ đương nhiên là phải có xe đạp, nhưng để tậu được một con xe ưng ý và thể hiện được đẳng cấp dân chơi thì cần rất nhiều thời gian lẫn sự kiên trì của chủ nhân. Dân ngoại đạo khi nhìn vào những chiếc xe đạp dù có đắc tiền bao nhiêu thì cũng giống như nhìn một… cục sắt, nhưng với dân chơi thì khác, đẳng cấp được thể hiện từng chi tiết, thậm chí chỉ là với con ốc vặn.

Dân chơi cũng có nhiều cách chơi, đối với những tay “nghiện nặng” xe đạp thì họ có thể bỏ ra hàng tá tiền để tự nâng cấp cho xe đạp của mình bằng nhiều cách, có khi thay đổi cả hình dáng ban đầu của nó cũng như thêm vào những phụ kiện mà họ thích. Trong khi những tay “chơi ngang” thì họ không chú trọng lắm đến việc sáng tạo con xe sao cho hợp ý mình. Đối với những tay chơi “hàng đỉnh” thì các phụ kiện phải là hàng hiệu, còn với những người xem xe đạp là niềm vui thì chiếc xe của họ thường mang nhãn hiệu “hợp chủng quốc” và không đụng hàng. Một dân chơi xe đạp thực thụ là người sở hữu một chiếc xe độc nhất vô nhị bằng sự sáng tạo của mình và để làm được như vậy thì kiến thức sâu rộng về xe đạp là điều bắt buộc.

Muôn hình vạn trạng thể loại xe

Nếu như dân chơi xe đạp được chia thành nhiều đẳng cấp khác nhau, thì xe đạp – bản thân nó cũng có nhiều cấp độ, thể loại, tùy vào sở thích của người chơi mà chọn cho mình một dòng xe để theo đuổi. Nhìn chung, xe đạp có những chủng loại như: xe leo núi (Mountain), đỗ đèo (Downhill), băng đồng (Cross country), xe đua (xe cuộc hay road), xe tour. Mỗi loại xe có hình dáng, kích thước và trọng lượng riêng. Trong đó, xe cuộc và xe le núi là hai loại xe được dân chơi săn đón nhiều nhất.

Khi đã gọi là xe đua thì phải có công nghệ, phải có sự tính toán, và xe đua cũng có rất nhiều hãng, nhiều kiểu dáng khác nhau. Xe đua có 5 cấp độ (type) khác nhau dành cho từng nhu cầu, sở thích và các loại đường khác nhau. Nếu xe cấp 1 được thiết kế chạy trên đường nhựa bao gồm cả đường touring bikes thì xe cấp 2 được thiết kế chạy trên đường nhựa và đường sỏi đá nhỏ; xe cấp 3 chạy trên đường hơi ghồ ghề, có chướng ngại nhỏ…

Tất cả các xe thuộc 3 cấp độ này không có ống nhúng sau (not jumping). Trong khi đó, xe thuộc cấp 4 được thiết kế chạy trên đường ghồ ghề, có chướng ngại vật vừa phải. Xe cấp 5 được thiết kế chuyên chạy trên đường ghồ ghề, có độ nhúng cao. Đây là cấp độ nguy hiểm nhất và phải có trang phục bảo vệ thích hợp. Những xe thuộc cấp độ 5 này thường được sản xuất bằng những chất liệu siêu cứng, siêu nhẹ có độ đàn hồi tốt như sợi carbon, titannium.

Nhưng phổ biến nhất trong các thể loại xe đạp là dòng xe đạp leo núi, đây là loại xe được nhiều người yêu thích, lựa chọn. Giống xe đua, xe leo núi cũng có nhiều kiểu dáng, tính năng khác nhau để người chơi lựa chọn. Khi chọn xe, trước hết cần phải xác định mục đích và hình dung được con đường xe sẽ di chuyển, từ đó xác định loại xe phù hợp với nhu cầu và túi tiền. Chẳng hạn, muốn có cái xe chạy vòng vòng thành phố thì có thể mua chiếc có bộ khung cứng cáp (hard tail) rẻ tiền (500 USD), còn muốn đi du lịch tại các vùng quê thì xe cần phải có ống nhúng lớn (500 – 800 USD). Một chiếc xe XC hard tail (full suspension) thì có giá trên 1000 USD đến khoảng 7000 USD. Xe đạp có rất nhiều nhãn hiệu từ Giant, Trek cho đến Scott, Look, Cannondale, Orbea… mỗi nhãn hiệu như vậy cũng có khoảng hơn chục kiểu dáng cho dân chơi tha hồ lựa chọn. Chơi xe đạp là sự đầu tư kỳ công từ kiến thức đến… túi tiền!

Kỳ công của niềm đam mê

Khi đã xác định được mục tiêu và túi tiền thì việc lựa chọn cở xe cũng làm không ít người chơi đau đầu. Cở xe thì không phải hãng nào cũng dung kiểu đo giống nhau, một kích thước trung bình (size medium) của hãng này lại là kính thước lớn (size large) của hãng kia. Tìm được một con xe có kích cỡ như mong muốn thì phải chịu khó lặn lội… online để tìm hiểu và đặt hàng từ các hãng xe.

Khi đã có được con “chiến mã” thì điều đầu tiên mà hầu hết dân chơi đều làm là tân trang nó lại theo ý mình từ màu sắc cho hợp với cung mạn, lip, sên, thắng, giò dĩa, sườn, bánh… sao cho xe càng nhẹ càng tốt. Tuy nhiên, điều này không phải ai cũng có thể thực hiện được ngay cả khi có tiền. Nói đơn giản để có tông màu xe phù hợp với nhu cầu của người chơi thì thời gian phải mất là vài tháng, thậm chí cả năm. Đơn cử như trường hợp của anh Lê Thanh Tùng – một dân chơi xe đạp tại Sài Gòn, anh đã mất khoảng 6 tháng để có được chiếc xe màu xanh dương mình mong muốn. Anh chia sẻ: “Nhiều khi mua một bộ thắng chỉ vì trên đó có một cái chốt vặn màu xanh dương, hoặc tháo bỏ 1 bộ dĩa còn mới keng để mua về bộ dĩa khác chỉ vì bộ dĩa đó có viền màu xanh dương”.

Phần lớn các phụ kiện này chỉ có bán tại nước ngoài do đó người chơi thường đặt mua qua mạng Ebay hay Amazon, đay cũng là một trong những “bước cản” của dân chơi xe đạp. Mua trên mạng, hàng chính hãng nhưng tốn công chờ đợi, lắm khi còn bị áp mức thuế tới 80% với lý do đây là mặt hàng ở Việt Nam sản xuất được!

Tuy nói là “chơi” xe đạp nhưng số tiền bỏ ra để đầu tư cho “thú chơi” của mình không hề rẻ chút nào. Đối với một người chơi xe, ban đầu chỉ cần bỏ ra vài triệu là có thể sở hữu một chiếc xe nhưng số tiền đó nhanh chóng tăng lên theo các món phụ kiện đính kèm. Đơn cử như cặp bánh của xe leo núi loại xịn giá cũng trên dưới 1.000USD, còn có những cặp bánh của xe cuộc giá trên 10.000USD. Anh Tứ - một trong những dân chơi am hiểu tường tận về chi tiết kỹ thuật của xe đạp cho biết: “Ngoài cặp bánh thì những bộ phận khác của xe cũng có giá khác nhau tùy thuộc vào chất liệu và trọng lượng. Nếu sườn xe bằng carbon thì giá đã trên 1.000USD, và trọng lượng chỉ cần chênh lệch nhau từ 10 – 20gr thôi thì giá cũng khác nhau “một trời một vực”. Vừa nói, anh Tứ vừa chỉ cho xem hai chiếc xe, một chiếc xe cuộc nhập từ Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc (xe Trek) với sườn bằng nhôm có giá trên dưới 1.000USD và con Scott leo núi với sườn carbon có giá lúc mới mua gần 10.000USD.

Khó khăn và vất vả là vậy, nhưng chơi xe đạp cũng mang lại rất nhiều niềm vui và sự trải nghiệm, có chơi mới thấy hết sự công phu của một thú chơi và tình yêu mà người chơi xe đạp dành cho “chiến mã” của mình.

 

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)