Làm tù nhân ở Port Arthur

 

Những phế tích đổ nát vẫn là nơi thu hút du khách - Ảnh: NAM VINH

Đến Port Arthur, làm... tù nhân một vài ngày, bạn sẽ hiểu vì sao thị trấn nhỏ trên bang đảo Tasmania này luôn thu hút khách du lịch.

Được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2010, Port Arthur là nơi in đậm dấu ấn của những cư dân da trắng đầu tiên trên châu lục tận cùng phía nam Trái đất. Những tù nhân cùng lính canh và gia đình họ đã bằng sức lực của mình tạo dựng nền tảng cho một nước Úc phát triển sau này. Cư dân sinh sống ở đây không nhiều, vỏn vẹn 500 người.

Tất cả du khách đến thăm nhà tù đều được mời chọn một trong những tour có sẵn chứ không được đi lại tự do. Chúng tôi chọn tour cơ bản không bao gồm bữa ăn và ít tiền nhất là loại vé đồng Bronze Pass giá 30 đôla Úc/người lớn, trẻ em nửa giá.

Hồ sơ tù nhân - những cư dân khai khẩn vùng đất mới

Đúng giờ xuất phát, du khách tập trung tại một điểm để người hướng dẫn giới thiệu khái quát về sự hình thành thị trấn. Sau đó tất cả được mời vào xem bảo tàng chứa đựng những dữ liệu về quá trình đưa tù nhân lưu đày từ Vương quốc Anh.

Bảo tàng nhỏ với những căn phòng nối liền nhau. Mỗi người được phát một quân bài, quân đỏ vào cửa bên trái, quân đen đi cửa bên phải, sau đó chủ động đi theo đường dẫn bên trong bảo tàng. Hóa ra mỗi quân bài được phát tương ứng với một tù nhân bị đày ở Port Arthur. Lật ô bài ra, khách tham quan có thể xem ảnh chân dung, lý lịch, nguyên nhân bị lưu đày của người tù đó. Có cậu bé mới 7 tuổi đã bị đưa lên tàu đi đày vì ăn cắp một cái quần, một thanh niên ăn trộm bánh mì phải lìa xa người vợ sắp cưới và mãi mãi không bao giờ trở về Anh. Ở các căn phòng khác tái hiện quá trình lao động và khai phá nhọc nhằn của tù nhân trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20...

Ánh sáng trong bảo tàng rất yếu nhằm mô tả điều kiện làm việc và sinh sống của tù nhân cùng lính canh thuở xưa một cách trung thực. Bước ra ngoài trời rực nắng, ai cũng nheo mắt vì chói. Người hướng dẫn giọng sang sảng tập trung nhóm khách trên bãi cỏ xanh rờn, kể tỉ mỉ lịch sử Port Arthur cùng những câu chuyện rất lý thú về những người bị lưu đày trên đảo. Mọi người say sưa lắng nghe, trừ đám trẻ dưới 5 tuổi mải chạy nhảy trên thảm cỏ xanh, hái hoa dại và đuổi theo lũ thỏ.

Tù nhân trên đảo thường làm các công việc nặng nhọc như khai thác gỗ, khai thác mỏ, xây dựng cảng và xây nhà tù dành cho mình - Ảnh: NAM VINH

Sức hút của lịch sử

Port Arthur lưu giữ những giá trị lịch sử không chỉ của nước Úc mà còn của cả châu Âu thế kỷ 18, 19 khi các đế quốc tranh giành và chia nhau khai thác các thuộc địa phương xa. Đó là kết quả của chính sách đưa tù nhân đi lưu đày khổ sai và tận dụng sức lao động của họ để khai khẩn đất hoang, khai mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt, thiếu thốn. Quá trình đưa tù nhân đi đày ở Port Arthur chấm dứt vào năm 1877. Nhưng ngay từ đầu thế kỷ 20, Port Arthur đã là điểm đến ưa thích của du khách. Khu mỏ than, bệnh viện cũng như nhà thờ hay tháp canh trở thành phế tích. Một số được cải tạo trở thành điểm tham quan. Dân Melbourne kéo đến đây picnic vào cuối tuần. Khách du lịch từ các miền nước Úc và nước ngoài đến để tìm hiểu, tận mắt nhìn những chứng tích lịch sử.

Các tour học tập dã ngoại cho học sinh ở Port Arthur rất phổ biến và được tổ chức hằng ngày. Sinh viên các trường cao đẳng, đại học cũng có tour riêng với người hướng dẫn là các chuyên gia lịch sử, sinh học. Nhiều đôi lứa chọn chụp ảnh cưới và nghỉ tuần trăng mật lãng mạn ở nơi cực kỳ yên tĩnh này. Còn những người thích mạo hiểm có thể tham gia tour “đi với... ma” vào ban đêm...

Chúng tôi lên tàu du lịch đi một vòng trên hồ biếc, vừa vi vu lướt qua những cù lao cây cối xanh um vừa nghe người hướng dẫn kể chuyện qua loa phóng thanh về vô số cuộc vượt ngục của tù nhân ngày xưa một cách hấp dẫn. Nằm trên một đảo nhỏ sát đảo lớn Tasmania, khung cảnh trữ tình với hồ nước xanh, với đồi cỏ thoai thoải và biển thẳm bao quanh, Port Arthur còn có hệ sinh thái động thực vật phong phú. Mỗi người đều tìm thấy điều lý thú bổ ích cho riêng mình ở Port Arthur. Riêng chúng tôi là những kiến thức lịch sử quý giá và cả một bài học về cách làm... du lịch.

Theo Tuoitre