Làng Đọ thuộc xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 7km về hướng Bắc. Chuyện kể rằng từ ngàn năm trước, có một vị tiên từ trên trời bước xuống trần gian, khi đó làng Đọ chỉ là một vùng đất hoang vu. Vị tiên đã dừng chân lại trên núi Đọ, in dấu chân mình lên đó. Đến nay, trải cả hơn ba trăm năm lịch sử, làng Đọ dựa vào ngọn núi Đọ ấy vẫn còn nguyên vẹn dấu chân cổ tích kia.
Làng gắn liền với núi Đọ. Đây là ngọn núi khá hiếm hoi xuất hiện ở giữa đồng bằng hạ lưu châu thổ sông Mã, núi cao 168m. Núi Đọ được cấu tạo chủ yếu bằng đá bazan, hình thành từ khoảng 120-125 triệu năm trước, theo ước tính của các nhà khoa học. Dưới chân núi vẫn còn dấu bàn chân tiên 0,8x0,4 mét như được kể trong câu chuyện truyền thuyết của xứ này. Người làng Đọ bảo rằng những đôi lứa yêu nhau cùng chồng dấu chân lên đó mà thề ước thì chẳng bao giờ lìa xa nhau.
Cận kề dưới chân núi Đọ là núi Vồm như một hòn non bộ bao quanh với những cánh đồng lúa mênh mông. Cạnh đó là ngôi chùa Vồm nổi tiếng, được xây lên từ thời Lê, một di tích gắn liền với Lam Kinh của xứ Thanh. Ngôi chùa còn giữ nhiều nét kiến trúc chùa Việt cổ đặc trưng, bên trong tôn trí một pho tượng Phật lớn được tạc ngay vào vách núi.
Theo Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ, có thể đã trải qua ba trăm năm dâu bể, có mấy thế hệ cùng sinh sống ở đó. Anh còn nói thêm, làng dưới chân núi Đọ này có thể coi như là nơi khai sinh của người Việt cổ từ những phát hiện của các nhà khảo cổ.
Bao đời nay, dù ánh sương phai đã phủ quanh đây màu thời gian trầm tích, người dân làng Đọ vẫn giữ nguyên nếp nhà, vẫn kiểu không gian sống nhà liên nhà, nhà ao liền nhau. Họ sống một cách vô tư hồn nhiên như chưa hề biết đến sự tác động của nền văn minh thời đại số. Đó là lý do khiến nhiều du khách và nhiếp ảnh gia đã chọn làng Đọ như một điểm khám phá đặc biệt trong hành trình đến Thanh Hóa.
Còn tôi, chuyến đi đến làng Đọ như một hành trình tìm về, lòng thanh thản nhẹ tênh bước từng bước điềm nhiên trên con đường quê giờ khá đẹp bởi tất cả đều được đổ bê tông sạch sẽ. Ở làng Đọ, mỗi con đường đều hướng ra những cánh đồng lúa mênh mông nằm sát chân núi Đọ. Đường trong làng thoắt ẩn, thoắt hiện, những bức tường nhà loang lổ bám rêu phong như chứng tích của thời gian. Đi trong làng mà cảm giác như đang bước chậm về quá khứ, nhẹ nhàng lắng nghe âm thanh của tiếng cười khẽ, tiếng nói chuyện thầm thì và cả tiếng chân người đang bước. Đó là cảm nhận khó có được ở bất cứ làng quê nào.
Làng Đọ có một ao cá chung, được ngăn lại bởi những tấm phên để phân biệt ao của từng hộ gia đình. Nhiều gia đình cất nhà bao quanh ao cá. Nước sông theo triều lên xuống đổ vào ao cá mang theo các loại thức ăn từ sông thành nguồn lương thực cho cá ao. Khách tới thăm nhà, chủ nhà chỉ cần đem vợt, vớt cá lên hoặc bắt gà nuôi trong vườn là đã có thứ để đãi khách. Và tất nhiên, khách không thể từ chối loại rượu làng Đọ lừng danh, uống vào say nhưng êm.
Ngang qua mỗi ngôi nhà, tôi bắt gặp một hình ảnh rất đặc trưng của làng quê thanh bình này, nơi trong khoảng sân rộng nhà nhà đều chất đủ loại vật liệu dùng đun bếp như rơm rạ, bã mía, cây bắp khô. Giếng nước trong các nhà cũng rất cổ. Đập vào mắt khách là hình ảnh một cụ già rất đậm chất Việt ngồi bên giếng nước giặt đồ. Những đứa trẻ làng Đọ dễ thương, hồn nhiên chơi những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, trốn tìm khi nắng chiều bắt đầu nghiêng về. Các em đùa vui bên những chiếc cổng xưa, bên bức tường in dấu trăm năm. Bạn như nhìn thấy một phần tuổi thơ của mình khi lạc bước đến đây.
Tôi bước chân vào nhà bà Mao. Bà chào đón như thể tôi là người quen lâu. Đó là tính hiếu khách của người làng Đọ khiến cho rất nhiều du khách quyến luyến, dẫu chỉ phút chốc tò mò ghé qua, để lắng lòng từng giây phút trong làng cổ. Chiếc chiếu được trải ra trước hiên nhà của bà Mao. Theo lời bà kể, ngôi nhà cũng đã trên 200 năm tuổi. Nhà cất theo kiểu đồng bằng Bắc bộ, luôn có chái ngang để ở và sinh hoạt chung gia đình; những nét chạm trổ kèo cột hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Bà Mao rất tự hào vì đã sống ở miền đất này. Bà bảo: “Ở đây yên tĩnh và nhẹ nhàng, làng quê gắn bó với nhau như anh chị em một nhà”. Sự gắn bó xóm giềng ấy gần như đã phai nhạt rất lâu rồi ở nhịp sống đô thị.
Đến làng Đọ, bạn sẽ gặp những con người chân quê mộc mạc như bà Mao, rồi tiếp tục bước vào từng cánh cửa nhỏ trong gian nhà. Sẽ gặp những hồ nước khá độc đáo xây từ rất lâu. Những hồ chứa nước mưa ấy có hình chữ nhật, mái che đúc xi măng vòm cung là chỗ chứa nước sinh hoạt. Một điểm khá độc đáo ở đây là chuồng bò thường đặt trước nhà, thay vì phía sau như nhiều nơi. “Vật giá trị nhất của mỗi gia đình chính là con bò. Việc để chuồng bò trước nhà sau một ngày chúng ra đồng cùng người là thể hiện sự quý trọng tài sản của gia đình và dễ dàng để mắt tới chúng”, anh Linh, một thanh niên trong làng, giải thích.
Lang thang quanh làng Đọ, dừng chân, rồi khẽ bước chậm, bạn sẽ lắng nghe âm thanh quá khứ một miền quê xa ngái tràn về. Khi đêm buông xuống, bạn cảm nhận một đêm rất lạ trong đời mình ở nơi này. Những con đường quê nho nhỏ chen trong tường cổ, nhà cổ chỉ có ánh đèn trong nhà hắt ra tựa như bối cảnh để bạn tiếp tục bước vào thế giới cổ tích hiếm có trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu.
Khuê Việt Trường