Lưu giữ hồn của đất

Sưu tầm gốm cổ Việt


Mời tôi nhẹ bước lên trai phòng – đây cũng là chốn anh thư giãn và nghiên cứu của riêng anh khi săn tìm được các món đồ cổ và mang về trưng bày và bảo quản. Không khí chợt trầm lặng hẳn, nhìn quanh gian phòng khá rộng và được chủ nhân bài trí rất hài hòa, cân đối. Trên một kệ lớn ngay giữa phòng là bộ dao đồng với số lượng khoảng vài chục con thời Đông Sơn đã có từ 2.000 năm trước được anh sắp xếp cẩn thận theo thứ tự cùng các vật dụng khác. Riêng các bộ gốm sứ của Lý, Trần, Lê, Nguyễn hoặc nhà Tống, Minh, Nguyên, Thanh… đều được anh bài trí một góc riêng biệt trong những tủ kính pha lê. Ánh đèn dìu dịu làm màu men của các cổ vật trở nên lung linh hơn. Mời tôi đến trước một bàn trưng bày một bộ gốm có màu đất đỏ và màu xám đen với khoảng 8 món trưng bày, vừa chạm nhẹ vào Cổ vật, Anh Hải tự hào: “Đây là bộ gốm Hán Việt của thế kỷ thứ 1-3 mà tôi vừa sưu tầm được, (theo tay anh chỉ) các vật dụng này là biểu tượng nhà ở, nhà giếng, kho thóc cùng các món đồ khác trong sinh hoạt hàng ngày của Người Việt cổ. Khi theo các người dân tộc tìm kiếm di tích người Việt xưa, tôi đã bị bất ngờ khi khai quật các mộ táng vì không thể tin vào mắt mình lúc nhìn thấy những món đồ chỉ dùng được chế tạo cho người chết mang theo lại tinh xảo và đẹp đẽ như vậy. Nhà giếng có cả mái che và cầu thang, nhà ở có lầu và hàng rào. Riêng kho thóc thì rất lớn làm tôi suy đoán ngôi mộ mà được táng những món đồ này chí ít cũng phải là bậc quan quyền quý hoặc là nhà của các vị Lạc Hầu, Lạc Tướng. Dựa theo tổng thể của sự sắp xếp các cổ vật trong ngôi mộ tôi cảm nhận: những sản phẩm đất nung Việt cổ thời Đông Hán – Tây Hán thường thô vì trong đất có pha lẫn cát hoặc các tạp chất khác. Các sản phẩm này được nặn bằng tay và thường có hoa văn đơn giản ở phía ngoài như: các vạch chéo, vân sóng, vân chải răng lược… Được biết, nghệ nhân tạo các hoa văn này ngay lúc nặn sản phẩm (tức là ngay khi đất còn ướt), một số khác được tạo bằng bàn dập hoặc dùng que nhọn để vẽ, vạch”.



Cái tình hoài cổ, tri âm cùng cổ vật


Vẫn theo lời anh Hải: “Tôi cũng nhờ các nhà chuyên môn tham khảo và họ nhận định: trong suốt thời gian dài, ngay từ lúc phát minh ra đồ gốm, đại đa số sản phẩm gốm được hình thành bởi bàn tay của phụ nữ vì vân tay để lại trên sản phẩm cho thấy rất rõ là công nghệ làm gốm Việt cổ thuộc về phái nữ là chủ đạo và kéo dài cho tới đầu thời kỳ đồ đồng. Có một chi tiết khá đặc sắc là gốm Việt cổ hoàn toàn được nung ngoài trời với nhiệt độ thường dưới 700ºC. Qua bộ sưu tập, tôi nhận ra: các sản phẩm gốm thời kỳ này là đồ đựng, đồ đun nấu, về cuối ta thấy xuất hiện thêm các loại đồ dùng để ăn uống, trang sức nhưng chưa nhiều lắm”.


 

Vốn xuất thân là người làm nghề trang trí nội thất nên cái “chất” luôn đi tìm cái đẹp luôn nổi bật ở anh Hải. Cơ duyên cho những chuyến đi tìm kiếm và sưu tập của anh cũng xuất phát từ mục đích làm đẹp cho những ngôi nhà, nâng tầm cảm thụ của con người rồi cũng không hiểu vì sao anh đam mê thú vui này nhiều đến thế. Như chính anh đã bộc bạch: “chẳng hiểu sao tôi yêu chuộng những cái đẹp hoài cổ của các tiền nhân xưa, càng tìm tòi tôi chợt phát hiện ra rằng, ngay từ thuở hồng hoang, dân tộc Việt Nam ta đã có một trình độ văn minh vô cùng tiên tiến. Cha ông chúng ta có nhiều di sản quý mà các nhà khoa học thế giới đã phải trầm trồ khâm phục”.


 

Để sở hữu được cổ vật - người chơi phải có lòng đam mê, không ngừng học hỏi, qua đó mới có sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật của từng thời kỳ, từng trường phái… Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là người chơi phải có cái tình hoài cổ, tri âm với cổ vật và biết “nói chuyện” với những món đồ cổ để rồi từ đó khám phá ra những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa. Trong mối giao duyên này, người chơi cổ ngoạn được một sự đền đáp rất xứng đáng, họ bỗng trở thành người truyền đạt lại lịch sử và giữ vai trò kết nối sợi dây văn hóa giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại giúp cho người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã để lại cho nhân thế.

Dương Thủy