Mang lời ru Việt đánh chuông xứ người

Năm 1992, anh đoạt giải nhất cuộc thi Hát ru toàn quốc. Anh cũng chính là người mang những âm điệu ru ngọt ngào, dào dạt của Việt Nam đi biểu diễn ở Pháp và Mỹ. Anh là nghệ sỹ Bảo Cường – người mang lời ru Việt đánh chuông xứ người!


 

Bằng chất giọng nhẹ nhàng, trầm bổng vốn có, anh tâm sự: “Tôi sinh ra ở chiến khu Dương Hòa, thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Thưở nhỏ ở trong vùng chiến sự với thế “cài răng lược”, cha là chiến sỹ thoát ly, mẹ tôi vì chữ hiếu với mẹ cha nên không thể bồng bế con theo chồng vào chiến khu. Ngày ấy, quê tôi là vùng bị chà xát tang thương và tuổi thơ của tôi là chú bé chăn trâu, cắt cỏ, làm thuê đủ việc… cuộc sống khốn khó đưa đẩy tôi trôi dạt vô Huế rồi vào tới Sài Gòn. Khi người ta xuống sát đáy xã hội thì người ta phải tự ló cái khôn để vươn lên. Để tồn tại, tôi tự học tự làm mọi việc, và lúc ấy, thơ và văn là những người bạn để tôi trải nỗi lòng mình. Trời cho tôi cái khiếu thổi sáo, từ những ngày nằm trên lưng trâu vi vu và ghiền luôn. Khi thi vào đoàn nghệ thuật, tôi tự học đánh trống và ca Huế. Năm 1992, trong một lần được phân công thổi sáo để hỗ trợ cho thí sinh thi hát ru, nhìn các thí sinh tập hát ký ức ngày thơ được mẹ ủ trong chiếc chăn mỏng để ôm ấp và ru hời vào những đêm đông giá buốt cắt da bỗng trở về làm tôi ứa nước mắt. Vậy là tôi đề nghị được tham gia và đoạt giải thưởng lớn. Nhờ vậy tôi có chút tên tuổi và được mời đi diễn khắp  mọi vùng miền  trên đất Việt. Cũng trong năm này, tôi tham dự  chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Lille (Pháp) và được mời biểu diễn tại Washington DC (Mỹ) vào năm 2004!”.

Ấp ủ những giấc mơ


Hiện nay, với lịch làm việc và lịch diễn dày đặc, hẹn gặp được anh không phải là dễ dàng. Công việc giảng dạy của anh tại các câu lạc bộ dân ca tại Sài Gòn và Huế chiếm phần lớn thời gian của anh. Dù đã ở cái tuổi thất thập nhưng anh như con thoi hoạt động không mệt mỏi. Quả thật, ít thấy được ai “say máu nghề” ở nhiều lĩnh vực và đều làm tốt hết các lĩnh vực ấy như nghệ sỹ Bảo Cường. Hồ hởi, anh kể lại chuyện đi Mỹ. Khi biểu diễn xong, có một khán giả là người Mỹ đến gặp và hỏi anh trình diễn điệu hát gì mà ông ta thấy nhiều khán giả rơi nước mắt. Thông qua người phiên dịch, anh giải thích cho vị khán giả này biết đó là điệu hát mẹ ru con ngủ. Sau khi nghe giải thích, vị khán giả “mát xanh mũi lõ” này đã xin kết bạn và hẹn ngày tái ngộ ở “đất nước những lời ru” để học hát những bài hát ru. Đây là kỷ niệm mà anh nhớ mãi, đây là minh chứng cho sức quyến rũ lòng người của các giai điệu ru Việt!


Yêu nghề là vậy, đam mê là vậy nhưng khi nói về chuyện tình cảm, nghệ sỹ Bảo Cường chân tình chia sẻ: “Ai cũng nói nghệ sỹ vốn lãng mạn, hay có những cuộc tình trong những chuyến lưu diễn. Nhưng tôi không bị sa đà vào những việc này vì vợ tôi là người phụ nữ hết lòng hy sinh vì chồng con, cô ấy đã quán xuyến việc nhà cùng kinh doanh để hỗ trợ cho tôi được toàn tâm toàn ý với sự nghiệp. Chúng tôi gặp nhau và nên vợ chồng từ những ngày gian khổ, chén cơm vẫn phải xẻ nửa để cầm hơi, tất cả những điều này khiến tôi trân trọng và tôn quý hạnh phúc gia đình lắm. Sự nghiệp của tôi hôm nay có được là nhờ người vợ sẻ chia gánh nặng cuộc đời!”


Nói về những dự định tương lai, chợt thấy anh tư lự, “nghiệp đi diễn cho tôi những trải nghiệm thực tế và tôi nhận ra một sự thật đau lòng, lớp trẻ hiện nay hầu như không hề biết hát ru là gì mà chỉ chạy theo những mốt nhạc trẻ thời trang nhạt nhòa lai căng, mất bản sắc dân tộc. Tôi mong muốn môn hát ru sẽ được đưa vào trong giáo trình học tập để thế hệ con cháu chúng ta không bị bào mòn nét văn hóa truyền thống vốn đã rạng danh cả ngàn năm nay. Hiểu được điều này nên tôi vẫn cố gắng sinh hoạt tại các câu lạc bộ và chia sẻ những lời thơ văn qua điệu hát ru buồn buồn đầy hồn quê Việt.
Trong tiếng mưa rả rích, nằn nì mãi, tôi được anh chiêu đãi 4 câu hát ru. Thú thật, nghe anh hát, tôi chợt hiểu vì sao những lời mẹ ru khi xưa lại cuốn sâu vào lòng của anh như thế…


“Mẹ bồng con lên non ngồi cầu ái tử
Gái thương chồng lên đứng núi Vọng phu
Biết răng chừ cho bóng xế trăng lu.
Con ve kêu mùa hạ..biết mấy thu gặp chàng.”

Thảo Nguyên