Sáng 9/6, tại Hà Nội, Mạng Du lịch khách sạn Việt Nam (VHN) đã tổ chức họp báo công bố chương trình “Phát triển hệ thống nhân lực cao cấp ngành Du lịch khách sạn Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020” với sự bảo trợ của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Công ty Giải pháp kinh doanh khách sạn Sao Việt (Vietstar HBS).
VHN là một dự án phi lợi nhuận hoạt động vì sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam. VHN hoạt động trên nguyên tắc “Tương tác không giới hạn”, ban quản trị Dự án đã sáng tạo ra Một môi trường tương tác đa chiều giữa các đối tượng tham gia trực tiếp trong ngành bao gồm: Nhân lực – Cơ sở đào tạo - Nhà tuyển dụng - Chuyên gia – Tổ chức quản lý ngành, nơi mà mỗi thành viên có thể tối ưu hóa lợi ích thông qua tạo dựng các mối quan hệ chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng & trải nghiệm, phát triển cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh. Và một trong những hoạt động trọng tâm của VHN là chương trình “Phát triển hệ thống nhân lực cao cấp ngành Du lịch Khách sạn Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020” với sự cố vấn đặc biệt và bảo trợ chính từ Viện nghiên cứu phát triển du lịch. Ông Chử Hồng Minh, người sáng lập VHN,cho biết chương trình “Phát triển hệ thống nhân lực cao cấp ngành Du lịch Khách sạn (DLKS) giai đoạn 2015-2020” nhằm hướng tới 3 mục tiêu chính: Đó là kết nối cơ hội thực tập/ cơ hội nghề nghiệp cho nhân lực ngành; thứ 2 là khai thác hiệu quả mạng lưới chuyên gia dựa trên nền tảng Mạng xã hội tương tác http://hospitality.vn/experts kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hoạt động chia sẻ, trao đổi và nghiên cứu về ngành. Dự kiến, chương trình sẽ kết nối trên 700 cựu du học sinh ngành du lịch khách sạn, hơn 3.000 chuyên gia trong lĩnh vực du lịch; hơn 1.200 giảng viên và đào tạo viên cùng hơn 500 nhân lực quốc tế; thứ ba là phát triển hoạt động networking nhằm hỗ trợ phát triển nhân lực và kết nối kinh doanh.
Tiến sỹ Hà Văn Siêu – Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển du lịch phát biểu tại buổi họp báo
Phát biếu tại buổi họp báo, TS. Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện NCPTD cho biết: theo dự báo của Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam và Quy hoạch Tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030, nhân lực ngành Du lịch Khách sạn Việt Nam sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong những năm tới, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân là do nguồn cung cấp sinh viên từ các trường chuyên ngành du lịch không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, chưa thực sự đáp ứng được về cả về số lượng lẫn chất lượng. TS. Hà Văn Siêu nhấn mạnh: trong du lịch, nhân lực là yếu tố đóng vai trò quyết định đến chất lượng, chính vì vậy phải phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Trong khi đó, để thay đổi chất lượng nhân lực ngành thông qua việc tác động làm thay đổi chất lượng của cơ sở đào tạo đòi hỏi mất rất nhiều thời gian thì cách tiếp cận của VHN thông qua mối tương tác đa chiều của nhiều nhóm đối tượng, không bị giới hạn không gian và thời gian là một tia hi vọng mới cho sự phát triển nhân lực của ngành.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo đã diễn ra buổi tọa đàm về vấn đề nhân lực cao cấp trong ngành Du lịch Khách sạn, tại đây các khách mời đã cùng trao đổi về những khó khăn trong việc phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân sự ở cấp quản lý, điều hành và bước đầu đưa ra những hướng giải pháp khả thi cho tất cả các bên.
Chia sẻ tại tọa đàm, Bà Phùng Thanh Yến - Trưởng phòng Nhân sự, Khách sạn Movenpick Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi rất cần người hiểu và yêu nghề, khả năng nói tiếng Anh tốt. Đề nghị các trường ĐH, CĐ, dạy nghề, khi gửi sinh viên đến thực tập ít nhất có thời gian 3 tháng để các em được cọ sát thực tế, hiểu mô hình hoạt động của doanh nghiệp”. Hơn thế, các trường cũng nên linh hoạt lịch học để “hòa nhịp” được với yêu cầu của doanh nghiệp. Nhìn vào thực tế đào tạo của một số nước như Thụy Sỹ, Singapore, Pháp… sẽ thấy, thời gian sinh viên đi thực tập và tiếp cận thực tế nhiều hơn thời gian học lý thuyết. Đây chính là cơ hội để người học tích lũy kinh nghiệm, cũng như khả năng giao tiếp tiếng Anh.”.
Đồng tình với bà Yến, ông Đồng Xuân Đảm – Trưởng khoa Du lịch Khách sạn, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng cần nhân rộng và khai thác hiệu quả mô hình “Sáng đến trường, chiều vào doanh nghiệp”. Tuy nhiên ông Đảm cũng nhấn mạnh rằng cần phải có cái bắt tay chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp và nhà trường để khắc phục tính khác biệt về hoạt động, điều kiện thời gian giữa hai bên cũng như đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho sinh viên. Ông Đảm cho hay: “Chúng tôi đang trao đổi với 4 khách sạn lớn để hợp tác, nhưng cái khó là các em học nửa ngày, làm ca ở khách sạn mất 8 tiếng thì không còn sức để học. Hiện, chúng tôi đang lựa chọn khách sạn cần sinh viên để đàm phán ký hợp đồng cho các em làm việc buổi sáng, học 4 tiếng buổi chiều, sau đó có bạn khác thay thế”.
Ông Kai Marcus Schröter - Tổng Giám đốc HTM, Phó Chủ tịch Tiểu ban Du lịch Nhà hàng và Khách sạn của Eurocham
Với kinh nghiệm quốc tế cùng với quá trình làm việc và quan sát thực tế tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schröter - Tổng Giám đốc HTM, Phó Chủ tịch Tiểu ban Du lịch Nhà hàng và Khách sạn của Eurocham đưa ra nhận định: “ Cần có sự đối thoại giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL để có nội dung, chương trình, thời gian thực tập hợp lý. Những người làm chính sách cũng cần có kiến thức, kỹ năng thực tế về du lịch.”
Tọa đàm tại họp báo lần này là cơ hội gặp gỡ và trao đổi cởi mở, tạo ra một kênh đối thoại đa chiều giúp thu hẹp khoảng cách giữa các bên liên quan . Hy vọng trong thời gian tới, cùng với những giải pháp đồng bộ từ chính sách quản lý cho đến sự bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà trường, tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chất lượng cao sẽ được khắc phục. Các chuyên gia có mặt tại họp báo cũng nhận định rằng, sự ra đời của những tổ chức chuyên môn mang tính xã hội cao như VHN với trọng tâm là chương trình “Phát triển hệ thống nhân lực cao cấp ngành Du lịch Khách sạn Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020” là giải pháp thiết thực nhằm góp phần đưa chất lượng nguồn nhân lực ngành có những chuyển biến đáng kể trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch ASEAN (MRA) chính thức có hiệu lực từ năm 2015.