Sự kiện giao lưu và ra mắt bút ký chân dung “Hữu Châu – Chiếc nôi vàng giông bão”

Sáng 28/6 vừa qua, Nhà xuất bản Phanbook, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Công ty Đường sách TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu và ra mắt sách “ Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giộng bão” tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. Đây là lần đầu tiên nghệ sỹ gạo cội của sân khấu phía Nam chính thức kể lại những chặng đường riêng tư, thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Toàn cảnh buổi giao lưu giữa khách mời và tác giả NSUT Hữu Châu

Bút ký chân dung Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão được chia làm 8 phần có 40 chương, vừa bao quát vừa chi tiết, cả chiều dài chiều rộng một thời kỳ vàng của sân khấu Sài Gòn qua góc nhìn của nghệ sĩ Hữu Châu.

Với giọng văn đầy tâm sự, niềm đau và thoáng chút hài hước, quyển sách hé mở góc khuất sau tấm màn nhung sân khấu, khiến người đọc cảm nhận được sự hy sinh, đơn độc nhưng cũng đầy tự hào của một đời nghệ sĩ. Khán giả xúc động khi không chỉ được gặp gỡ người nghệ sĩ họ mến mộ mà còn như được sống lại trong một phần ký ức tuổi thơ qua những ký ức của NSUT Hữu Châu.

NSƯT Hữu Châu (bìa phải) giao lưu và ra mắt sách tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.

Cuốn sách lấy chân dung nghệ sĩ Hữu Châu làm trọng tâm, từ trước khi anh ra đời 20 năm với sự hình thành của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Chân dung nghệ sĩ Hữu Châu từ nhỏ, là một “công tử” được nuông chiều, tinh nghịch trong đoàn hát của bà nội. Rồi khi anh được hơn 10 tuổi, một biến cố lớn của gia tộc ập đến, anh mất Má Ba – nữ hoàng sân khấu Thanh Nga – người cô ruột thân thương. Chính vì thế, cuốn bút ký này thể hiện rất rõ hai con người trong anh – một Hữu Châu hồn nhiên tinh nghịch và một Hữu Châu “trải đời” với những mất mát người thân và cả của cải vật chất – lúc là vương tôn công tử, lúc nhà lá không vách. Sự tiếp nối nghệ thuật xuyên suốt trong gia tộc anh như một sợi chỉ đỏ – từ đờn ca tài tử (Nghệ sĩ Năm Nghĩa) đến nghệ thuật cải lương (Nghệ sĩ Thanh Nga) và kịch nói (Nghệ sĩ Hữu Châu), ba loại hình nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ. Với cách viết thì thầm tâm sự đến đi trực diện vào những nỗi đau, những niềm vui ít ỏi, chân dung nghệ sĩ Hữu Châu dần lộ ra, không chỉ “những điều ai cũng biết” mà còn những khác biệt và bí mật sau bức màn nhung. Cuốn sách cũng sẽ khắc họa chi tiết tại sao, điều kiện nào để có một Hữu Châu như ngày hôm nay. Anh đã học ở trường lớp, trường nghề và trường đời như thế nào? Đôi chỗ, tác giả còn so sánh giữa sân khấu cải lương và sân khấu kịch nói. Đây có lẽ là những điều mà thế hệ sau, những bậc hậu bối của nghề diễn rất quan tâm. Đây là một bức tranh đầy đủ đường nét và màu sắc của cuộc đời và sân khấu, của tiếng cười và nước mắt, của hơn cả thất bại đến hân hoan.

Bìa sách mới ra mắt của nghệ sĩ Hữu Châu.

“Bản thân Hữu Châu để làm nên một cuốn sách thì chắc chắn không đâu. Nhưng sau lưng Hữu Châu, trên đầu Hữu Châu còn cả một khoảng thời gian của ông bà, cha mẹ, cô chú anh chị nữa. Nó dày lắm. Đó là sự nghiệp của gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga, trong đó có Hữu Châu, cũng đã kéo dài gần trăm năm rồi. Châu nghĩ đến lúc này, sự hiểu biết của mình đã rõ ràng hơn, sâu hơn để có thể kể lại một cách mạch lạc nhiều điều. Hôm nay, cuốn sách này gửi đến tất cả để vui, để nhớ một thời đẹp lắm, một thời với tất cả sự biết ơn”, NSƯT Hữu Châu chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp, người thân và đông đảo các thế hệ học trò đã đến tham dự, chúc mừng và  chia sẻ những kỷ niệm xúc động cùng NSUT Hữu Châu tại buổi giao lưu và ra mắt sách.

Học trò chia sẻ kỷ niệm khi được học kịch dưới sự chỉ dạy tận tình của thầy NSUT Hữu Châu