Ngày Hừng Đông Ở Quốc Gia Cầu Vòng

Những ngày tháng 5 ở quê nhà nắng như đổ lửa, vậy mà không khí ở Johannesburg - nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến lại mát mẻ đến lạ kỳ: thành phố đang bắt đầu vào đông. Từ Việt Nam, có thể theo đường bay quá cảnh tại Singapore hay Malaysia, và mất thêm khoảng 10h là đến được với Johannesburg.

Mùa đông Johannesburg

Thường được gọi tắt là Joburg, nhiều người vẫn tưởng đây là thành phố thủ đô của Nam Phi, nhưng thật ra trung tâm hành chính của nước cộng hòa này nằm ở Pretoria (thủ đô hành pháp), Cape Town (thủ đô lập pháp) và Bloemfontein (thủ đô tư pháp). Joburg mang đến cảm nhận về một Châu Âu với những căn nhà kiểu kiến trúc Hà Lan và Bồ Đào Nha hơn là một quốc gia nằm ở lục địa đen nghèo nàn.

Đường phố của Joburg sạch đẹp, thông thoáng và phân bố dân cư rất rõ rệt. Người nhập cư, thất nghiệp trú tại khu ổ chuột Soweto phía ngoại ô; người thu nhập trung bình sống trong những chung cư rải rác khắp thành phố như Hill Brow; sang trọng nhất là Gate Community – khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc về những gia đình bác sỹ, luật sư hay các công chức cấp cao.  

Ở Joburg, chiều chủ nhật là thời điểm vắng vẻ nhất bởi mọi người đều đổ về ngoại ô. Tất cả các cửa hàng đóng cửa từ hôm trước đó. Anh Andre - người dẫn đường cùng chúng tôi lang thang ở Joburg không quên dặn dò, nếu là khách du lịch thì không nên đi một mình. Chúng tôi ghé công viên Mỏ Vàng để gặp người bạn thuộc bộ tộc Zulu của Andre. Nổi bật giữa nhóm người áo thun quần jeans, anh Sipiiwe khoác trên người chiếc áo lông báo, cổ chân bịt bằng lông cừu. Anh vui vẻ thổi những giai điệu trầm bổng đón khách lạ bằng chiếc sừng linh dương dài gần 1m. Ở Nam Phi, Zulu là tộc người có dân số khá đông bên cạnh người Afrikaan (người Phi gốc da trắng) và người da trắng. Họ sống hoang dã trong những cánh rừng. Sipiiwe nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Zulu và nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách chào cùng cách bắt tay của người bản xứ.  

Cuối ngày, chúng tôi đến thăm tòa nhà hiến pháp, nơi ghi dấu một phần lịch sử đầy thăng trầm của Nam Phi, 27 ô vuông trên cửa tòa nhà khắc những phù điêu thể hiện 27 quyền lợi mà người da đen yêu cầu bình đẳng sau chế độ Apartheid. Phía tường ngoài là những hàng chữ “Constitution court” (tòa án hiến pháp) bằng 9 thứ tiếng cơ bản sử dụng ở Nam Phi.

Chuyến di cư vĩ đại

Đích đến tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là đài tưởng niệm Voortrekker nằm không xa thủ đô lập pháp Pretoria. “Voortrekker” theo nghĩa đen là “người đi về phía trước” hay “người khai phá”. Cái tên này để chỉ những người Hà Lan và người Afrikaan trước kia đã ra đi tìm vùng đất mới.

Đầu thế kỉ 19, Đông Nam Nam Phi vốn rất khô cằn do hạn hán kéo dài, người Afrikaan đã nghe về những vùng thảo nguyên màu mỡ và những bờ biển trải dài ngút ngàn ở vùng Đông Bắc. Giấc mơ về miền đất hứa đã thúc đẩy người Afrikaan thực hiện một chuyến di cư đáng nhớ. Bức tường bao ngoài của khu tưởng niệm Voortrekker chạm khắc những cỗ xe bò, biểu tượng cho đoàn “người khai phá” những năm ấy. Họ lùa đàn gia súc tiến sâu vào lục địa, nơi mà người da trắng chưa từng đặt chân.

Bức tường trong sảnh đường lớn gồm 27 mảng điêu khắc ghép bằng đá marble đã ghi lại lịch sử di cư của Voortrekker. Đó là con đường kéo dài hàng thập kỉ với hàng loạt cuộc chiến với người Ndebele, Shona, Suthu... nhưng có lẽ “vết thương lòng” sâu sắc nhất của Voortrekker và các bộ lạc chính là sự kiện “dòng sông máu 16.12”. Đây là cuộc chiến ác liệt giữa người Zulu và Voortrekker, kết thúc ngày 16.12, đánh dấu sự ra đời của nhà nước Natalia và tạo tiền đề cho việc hòa hợp dân tộc. Trần toà tưởng niệm khoét một ô tròn nhỏ để nắng xuyên qua. Hàng năm vào đúng 12h ngày 16.12, mọi người tề tựu xung quanh khu vực giữa đài để nhìn ánh mặt trời chiếu thẳng góc vào dòng chữ trên bia mộ: “Ons Vir Jou Suid Afrika” (chúng ta tưởng nhớ những người đã ngã xuống, cho một Nam Phi ngày nay).

Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là ngay trong cả thời kì chủ nghĩa Apartheid và sau này, tất cả mọi người Nam Phi đều hướng về ngày 16.12 bất kể họ là Voortrekker, Afrikaaner, Zulu,…. Điều đó biểu trưng cho một dân tộc đoàn kết và biết vượt qua quá khứ.

Đi tìm “Big 5”

Rời thủ đô Pretoria còn lâng lâng cảm xúc từ câu chuyện lịch sử Nam Phi, chúng tôi trải qua 4h ngồi xe buýt và đến thẳng khu công viên Pilanesberg. Nơi đây có hẳn một thành phố trong rừng sâu với khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao; cùng đó là những dịch vụ giải trí như casino, biển nhân tạo, … Song dịch vụ khám phá giới tự nhiên trong khu bảo tồn là hấp dẫn nhất.    

       

Buổi sáng ở Pilanesberg lạnh tê tái, anh Mak người lái xe kiêm hướng dẫn đề nghị mọi người phải tuyệt đối tuân theo quy định, không được xuống xe tự do, không được thò tay ngoài cửa số hay không được đánh động làm thú giật mình… Mỗi chúng tôi phải ký vào giấy cam kết trước khi bước lên chiếc xe thùng thông thoáng.            

Tọa lạc trên một khu núi lửa cổ, Pilanesberg có diện tích 50.000 hecta (lớn thứ 4 ở Nam Phi). Đây cũng là một trong những công viên có thể tiếp cận gần nhất với các loài thú hoang dã và có đầy đủ “big 5” – tức 5 loài động vật lớn gồm voi, tê giác, trâu, sư tử và báo. Địa hình trong công viên đa phần là đồng cỏ và cây bụi với vài ngọn đồi thấp. Xe đang chạy bỗng Mak trả số đi lùi, anh nhìn thấy những vết chân của sư tử. Những dấu chỉ cho thấy có đàn sư tử vừa đi qua đây và có cả sư tử con.

Chiếc xe màu xanh tiến sâu vào rừng, xa xa, đàn gnu - linh dương đầu bò thư thả gặm cỏ. Tôi có thể nhìn thấy cận cảnh loài gnu vốn nổi tiếng với những chuyến di cư bầy đàn lên đến hàng trăm ngàn cá thể. Gần đó là đàn linh dương Impala, Mak chỉ cho chúng tôi con đực đứng nhô lên sau trảng cỏ với đôi sừng dài cả mét. “Đấy là con đầu đàn, Impala đực là loài bận rộn bậc nhất trên thảo nguyên vì mình gã phải trông nom khoảng 40 nàng” – Mak hóm hỉnh.

Trải qua một hồi sốt ruột khi nắng lên cao mà chưa nhìn thấy loài nào trong Big 5, cuối cùng chúng tôi cũng thấy một đàn voi đang ăn lá ngay sát vệ đường. Loài voi châu Phi thật to lớn, con đực có tai to và đôi ngà dài dũng mãnh. Những ống kính máy ảnh đang liên tục ghi hình thì đàn voi chuyển động làm chúng tôi giật mình. Chúng băng ngang qua đường, chú voi con nhỏ dễ thương bẽn lẽn theo mẹ rồi nhanh chóng ẩn sau những bụi cây.

Từng đàn gnu, impala, ngựa vằn, hươu cao cổ xuất hiện ngày càng nhiều trong phong thái rất thư thả. Hai chiếc sừng nhọn nằm thẳng hàng xuất hiện trước mắt cho chúng tôi biết đây là loài tê giác trắng, theo sau đó là một chú tê giác con. Thân hình trên dưới 1 tấn làm chúng phải di chuyển từ tốn và lầm lũi. Khu công viên Pilanesberg gây ấn tượng với chúng tôi bởi sự gần gũi với thiên nhiên và bàn tay chăm chút của con người. Vào những năm 80 thế kỉ trước, họ đã mang về hơn 6.000 loài thú hoang dã từ khắp mọi nơi và khởi tạo cho chúng một môi trường sống.

Diện kiến Mũi thần tiên

Trên trái đất có hai điểm cực mũi đó là Mũi Sừng ở Chile và Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Xưa kia trong giới thủy thủ, nếu vào quán rượu, nếu thấy ai chống một cùi chỏ lên quầy bar, có nghĩa họ đã vượt qua một trong hai điểm ấy. Còn thủy thủ nào tự tin với hai cùi chỏ chống hiên ngang trên bàn, nghĩa là anh ta đã chinh phục hai điểm cực Nam của hai lục địa Mỹ, Phi.      

Hành trình đến Mũi Hảo Vọng với tôi chất chứa những suy nghĩ miên man về câu chuyện thú vị ấy. Cape Town được mệnh danh là thành phố có bốn mùa trong ngày. Mũi Hảo Vọng nằm trong công viên quốc gia Núi Bàn với cổng chào tràn ngập hoa fynbos – loài hoa biểu tượng của vùng. Tuy chỉ là mỏm đất nhỏ nhô ra đại dương, song Mũi Hảo Vọng lại đưa đến những rung động mạnh mẽ với con người.

Đến đây, tất cả các du khách đều muốn chụp hình với tấm bảng có khắc dòng chữ “Mũi Hảo Vọng, điểm cực Tây Nam của lục địa Phi Châu”. Tôi lần những bước chân ra phía mỏm đá phía cực Nam, gió mạnh cuốn những con sóng tung bọt trắng xóa. Bỏ chút cát và nhúng chai nước khoáng rỗng xuống biển. Tôi đang mang về kỉ vật của vùng đất mà nhiều người khao khát được đặt chân đến với ý niệm về “một bước chân qua hai đại dương”: Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Hành trình tới nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người và trải lòng với bao cảm xúc, lục địa đen đã trở nên rất gần gũi trong mỗi chúng tôi. Riêng tôi trở về với một lá cờ Nam Phi trong tay, đó là lá cờ có nhiều màu nhất thế giới và mang ý nghĩa rất nhân văn. Vàng tượng trưng cho vàng bạc, châu báu, xanh dương của biển, xanh lá của hệ động thực vật trên cạn, đen và trắng tượng trưng cho 2 màu da… Tất cả cùng hướng về chung 1 tương lai.

Đến tận lúc ra sân bay trở về tôi vẫn còn tìm được nhiều điều thú vị như thế về Nam Phi!

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí