Nghệ sĩ tranh cãi về ý kiến 'nghe Bolero là thụt lùi' của Tùng Dương

Trong chia sẻ mới nhất khi nói về phong cách khác biệt của Tùng Dương giữa trào lưu Bolero, nam ca sĩ thừa nhận "không cân sức trước cơn bão dòng nhạc xưa". Anh cho rằng "Bolero dễ được đón nhận vì du dương, dễ vào tai, còn những sản phẩm âm nhạc kích thích trí tưởng tượng sẽ khó được đón nhận hơn".

Cùng quan điểm với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tùng Dương nhận định Bolero chỉ mang tính hoài niệm và "già trẻ, lớn bé đắm đuối Bolero đúng là sự thụt lùi".

Trả lời Zing.vn, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - người đang tất bật chuẩn bị cho show diễn về dòng nhạc Bolero tại Hà Nội - không giấu sự bức xúc. Anh cho rằng "Tùng Dương đang tự ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm".

Nghe si tranh cai ve y kien 'nghe Bolero la thut lui' cua Tung Duong hinh anh 1

Đàm Vĩnh Hưng bức xúc với nhận định của đồng nghiệp miền Bắc về nhạc Bolero.

'Đừng cho mình quyền phán xét âm nhạc'

Mr. Đàm nhấn mạnh: "Đừng cho phép mình cái quyền phán xét âm nhạc. Những người chuyên môn giỏi hơn gấp bội còn chưa huênh hoang. Như trong giang hồ, đại ca thứ thiệt thường ít lộ diện và nói về bản thân".

Với Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ nên chuyên tâm cống hiến với những sản phẩm mới. "Xét tới xét lui, cuối cùng nghệ sĩ chỉ là người truyền cảm xúc và truyền lửa âm nhạc cho khán giả mà thôi", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói.

Tùng Dương đánh giá Bolero chỉ là hoài niệm và anh tôn trọng sự tìm kiếm cái mới trong âm nhạc. Đối đáp khi bị cho đang chạy theo cái cũ, Đàm Vĩnh Hưng nói: "Tôi mừng khi các bạn tìm đến cái mới trong âm nhạc nhưng bạn không có quyền chọc vào tổ kiến cũ. Tổ kiến đó có bao giờ chỉ trích việc sáng tạo làm mới của các bạn".

Nghe si tranh cai ve y kien 'nghe Bolero la thut lui' cua Tung Duong hinh anh 2

Đàm Vĩnh Hưng nhắn nhủ "đang chờ đợi cái mới mẻ, đủ sức hấp dẫn khán giả trong âm nhạc".

"Tôi chỉ thấy rằng trong khi chờ đợi một cái mới mẻ, đủ sức hấp dẫn tôi và nhiều thế hệ khác chạy theo, chúng tôi đã tự cứu mình. Chúng tôi tự cứu bằng những gì tuyệt vời nhất mà người xưa để lại. Tôi làm được thì các bạn nên hỏi tại sao?", ca sĩ Say tình đáp lời.

Nhận xét của Tùng Dương không chỉ bị Đàm Vĩnh Hưng phản bác mà còn vấp sự phê bình từ không ít nghệ sĩ gắn bó và yêu quý dòng nhạc Bolero. Nữ ca sĩ Lệ Quyên bình luận: "Hát thử một bài Bolero đàng hoàng xem, nhiều ai đó sẽ cúi rập đầu bái phục. Nhưng nếu bạn làm không nổi thì biết làm sao". Theo cô, phát ngôn đầy tranh cãi kia chỉ mang tính "đố kỵ".

Nghe si tranh cai ve y kien 'nghe Bolero la thut lui' cua Tung Duong hinh anh 3

Lệ Quyên thách đố người chê nhạc Bolero hát được một bài Bolero đàng hoàng.

Bên cạnh đó, không ít người yêu nhạc cho rằng "những gì đã tồn tại trong lòng số đông cả trăm năm qua thì chắc chắn có giá trị". "Adele, Bruno Mars, Adam Levine đâu phải hát nhạc hàn lâm, đâu cần phải trí thức nhưng hàng tỷ người trên thế giới vẫn nghe, đơn giản là họ chọn được đúng thị hiếu số đông, bởi thế nên họ được vinh danh và sự hâm mộ", độc giả Tony Trần nhận xét. .

"Mỗi nước có bản sắc riêng nên cách thụ hưởng âm nhạc cũng sẽ riêng, vậy nên Bolero được nhiều người yêu thích bởi nó tìm được đúng nhu cầu của người nghe", anh khẳng định. "Mỗi người tự tìm đến dòng nhạc mà mình thích. Tuy Dương nói đúng nhưng khá động chạm đến người khác", cư dân mạng tên Trần Tuấn bình luận.

Cần những sáng tạo mới

Đối với khán giả, rất nhiều người cho rằng quan điểm của Tùng Dương là "không sai, đáng phải suy ngẫm". Nhạc sĩ Quốc Trung cũng từng có những chia sẻ thẳng thắn về dòng nhạc Bolero.

"Sự mất mát, chia ly trong thời chiến cùng với lịch sử văn hoá nghệ thuật dân gian đã tạo nên những dòng nhạc mà đa phần là những ca khúc uỷ mị, thê lương trước đây", ông nói.

"Nó có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ".

Theo nhạc sĩ Quốc Trung: "Muốn có khán giả cho bất cứ dòng nhạc nào, nhất là những dòng nhạc mới, những sáng tạo mới cần có thời gian để xây dựng công chúng. Tiếc rằng ít có người đủ kiên nhẫn, bản lĩnh để làm được việc đó. Với quan niệm của tôi, đó là sự lệch lạc đáng xem xét.

Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm có gọi là bình thường hay không?".

"Họ còn nhầm lẫn và cho đó là đẳng cấp của văn hoá hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật. Sự chênh lệch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc", nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.

Theo Zing