Câu chuyện của Wade Brackenbury tựa như một giai thoại về những chuyến đi lớn trong đời ông. Đó có thể là cuộc gặp gỡ với người khổng lồ Melanesian ở Papua New Guinea, hay làm hoa tiêu ở vùng sông nước Trung Mỹ với một chiếc bè tự tạo trên đường tìm kiếm kho báu. Vượt lên hết thảy, Brackenbury luôn có được cảm giác tự tại trong mọi hoàn cảnh – dù đang rong ruổi trong chuyến viễn du hay lúc thực hiện các liệu pháp châm cứu Hàn Quốc, Brackenbury là bậc thầy tại vùng “đất lành” ông đã gắn bó suốt bốn năm qua.
Người kỳ lạ giữa chúng ta
Có một điều được xem như “độc nhất vô nhị” ở người đàn ông này là dường như ông có thể kiểm soát được mọi thứ, dù chúng ở ngoài tầm khả năng của người bình thường.
Điểm lại các cuộc thám hiểm đến những nơi xa xôi đã diễn ra khá suôn sẻ, ông không bao giờ cho rằng mình may mắn. Bởi người viễn du điển hình này luôn làm chủ kế hoạch của mình từ đầu đến cuối – trước bất cứ trở ngại nào có thể phát sinh trong chuyến đi.
Máu thích “xê dịch” của Brackenbury trỗi dậy ngay từ thời niên thiếu. Chính hoàn cảnh sống tại một thị trấn nhỏ nơi miền đồng quê Idaho với dân số chỉ 400 người đã thúc đẩy chàng thiếu niên Brackenbury hướng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, và bẩm tính sống bám vào đất. Lớn lên trong một trang trại của cha mẹ, Brackenbury đã thấm nhuần bài học về cách giải quyết các vấn đề xã hội luôn dựa vào tự nhiên.
Hành trình từ Tây…
Chuyến đi đầu đời của anh đến Úc là kế hoạch được ấp ủ với một người bạn thân cùng trường trung học. Lúc đó, hai nhà thám hiểm non trẻ vừa xem xong bộ phim Indiana Jones – loạt phim phiêu lưu mạo hiểm nói về nhà khảo cổ học cùng tên – và đã được gợi hứng từ kỳ tích của nhân vật chính trong phim. Mặc dù biết rất ít về khu vực này, họ cũng sớm quyết định làm chuyến bộ hành xuyên Úc. Lúc nhìn vào bản đồ, cả hai cùng thốt lên: “Ồ, xem này, toàn sa mạc là sa mạc. Sẽ chông gai lắm đây!”, Brackenbury bật cười nhớ lại. Họ mất ba tháng đi nhờ xe qua ngả New Zealand, sau đó đến Úc trước khi Brackenbury du lịch một mình tới Papua New Guinea (thuộc châu Đại Dương). Tại đó, anh mất 4 tháng leo lên đỉnh núi của cao nguyên tiếp giáp với vùng Papua của Indonesia ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Chuyến đi đầu tiên này chưa đạt được bất cứ điều gì nhưng đã diễn ra khá suôn sẻ. Brackenbury đã bay trên một máy bay thư quay vào đất liền, để rồi sau đó đối mặt với một “cuộc chiến” gây cho anh chút bối rối. Phương tiện cuối cùng đưa Brackenbury về nhà là một con tàu cùng với một gã nát rượu người địa phương, người sau đó đã bỏ lại Brackenbury và người phụ nữ đồng hành của ông ta trong tình trạng bị đánh đến tơi tả. Dù vậy trong anh vẫn còn đó niềm đam mê du lịch. Về Mỹ, anh tiếp tục học vài năm nữa trước khi lên kế hoạch cho một chuyến đi khác – lần này là đến Guatemala.
Đồng hành với Brackenbury là một phụ nữ trẻ nghiên cứu về văn hóa Maya. Họ cùng đi trên chiếc xe máy chạy từ Mexico City tới Guatemala, sau đó tìm mọi cách để đến vùng thượng nguồn con sông Pasion, nơi họ được một nhóm các nhà truyền giáo Mennonite giúp làm một chiếc bè. Suốt một tháng trời, họ chèo bè lần tìm những tàn tích chưa được khám phá. “Thay vì tìm thấy vàng của người Maya như hi vọng ban đầu, chúng tôi đã có một cuộc phiêu lưu tuyệt vời”, Brackenbury nói. Thời đó, nước này đang có nội chiến; vào ban đêm khi hai người dừng lại để cắm trại trong rừng rậm, các du kích quân Guatemala thường xuyên ngăn chặn người lạ để tra xét. “Đó là điều đáng lo ngại, nhưng rồi cũng không có gì tệ hại xảy ra”, ông kể tiếp.
Những chuyến đi sau này của Brackenbury đã có chủ đích rõ ràng hơn. Những kỹ năng mà anh có được như chèo thuyền kayak và leo núi là thứ tài sản quý giá giúp anh kiếm được một chân làm nhân viên cứu hộ y tế cho một đoàn thám hiểm nhân chủng đi qua Tây Phi vào năm 1996. Mục đích của chuyến thám hiểm này là để đánh giá mức độ ảnh hưởng của những trận dịch bệnh Eboli trong khu vực đến người dân địa phương. Tuy nhiên, ở đó ít lâu người lãnh đạo đoàn bất ngờ lâm bệnh nặng và sớm tuyên bố từ bỏ chuyến khảo sát. Lúc mọi người chuẩn bị trở về nhà, Brackenbury vẫn kiên quyết ở lại. “Chúng tôi không muốn về nhà và chịu thất bại. Có rất nhiều áp lực nếu từ bỏ kế hoạch”, ông nói.
Cuối cùng, đoàn chỉ còn lại Brackenbury và một chàng trai 17 tuổi người Mỹ. Họ đã lên đường đi du lịch xuyên Swamp Nadoki qua Congo. Ở đó, họ sống cùng bộ lạc người lùn Pygmy trong suốt hai tháng. Brackenbury rất ngưỡng mộ cách người Pygmy tôn trọng thiên nhiên và sự thể hiện lòng biết ơn của họ với mặt đất này. Trong thời gian ở đó, hai người văn minh đã hoàn toàn sống theo kiểu của bộ lạc người Pygmy, một cuộc sống rất ư hoang dã. “Một lần, tôi đọc một cuốn sách, rồi đưa cho anh bạn tôi đọc. Khi đọc xong, anh ngỏ ý muốn xé vài trang sách để nhóm lửa như một thể hiện chối bỏ nền văn minh”.
…sang Đông
Nhưng trên hết thảy, chuyến đi đến tận cùng Tây Tạng mới là cuộc phiêu lưu đáng nhớ và có ý nghĩa nhất đối với Brackenbury - có lẽ vì thử thách lớn lao của nó. Đầu tiên, ông đến Trung Quốc để thực hiện ước mơ chinh phục đỉnh núi mà mình chưa đặt chân lên đó bao giờ. Mặc dù không lên được tới đỉnh, ông cũng có cơ hội gặp một phóng viên ảnh người Pháp tên Pascal, người chia sẻ với Brackenbury ước muốn được tìm gặp những người Drung – một sắc dân thiểu số đã lâu không tiếp xúc với người phương Tây kể từ lần người Anh phát hiện ra họ vào những năm cuối thế kỷ trước. Phải leo lên những ngọn núi cao đến 20.000 phút Anh trong điều kiện chỉ có thể lên được khi băng tan cùng với cuộc sống biệt lập đã khiến cho cộng đồng người Drung luôn là một bức màn bí mật đối với thế giới bên ngoài.
Hai nhà thám hiểm đã thất bại thảm hại ngay từ những nỗ lực đầu tiên. “Chúng tôi không thể tiếp tục trong khu vực rộng hàng trăm dặm mà chúng tôi đã cố gắng tiếp cận. Chúng tôi đã bị bắt và bị đuổi ra khỏi nơi đó”, ông kể.
Không nản lòng, hai năm sau đó họ lại cố gắng một lần nữa, lần này còn có thêm Sophi, một dịch giả Trung – Pháp ngữ. Cuối cùng, Brackenbury cũng đạt được mục tiêu với chuyến mạo hiểm một mình. Hai người bạn của ông - nản lòng vì nhiều lần nếm mùi thất bại - Sophi đã bay về Pháp, còn Pascal thì đến Việt Nam. Với bản tính kiên trì thường thấy, Brackenbury luôn quyết tâm đạt được mục đích, để rồi sau đó cũng tìm ra được tộc người Drung.
Dù Pascal từng mơ ước được gặp một bộ lạc hoàn toàn chưa bị ảnh hưởng bởi đời sống hiện đại, nhưng sự thật mà Brackenbury tìm thấy là một xã hội mà âm nhạc mang màu sắc Trung Quốc và Đài Loan ngự trị, nơi mỗi hộ gia đình đều có một máy thu thanh hoặc máy nghe nhạc. Hầu hết đàn ông đều biết chưng diện đồng hồ, xài đèn pin và súng trường. Rõ ràng giờ đây người Drung đã bị “Hán hóa” và Brackenbury chỉ ở lại đó một đêm trước khi từ giã nó để trở lại xã hội Trung Hoa chính thống. Dẫu vậy, chí ít ông đã thực hiện được điều hằng mơ và là người Tây phương đầu tiên mà những người dân trong bộ lạc Drung nhìn thấy. Brackenbury là vậy đó: luôn vượt lên trên mọi trở ngại để đạt đến mục tiêu.
Trong thực tế, điều đó được lý giải như ông luôn trăn trở tìm đến những thách thức. Bảy năm sau, Brackenbury và người vợ Trung Hoa của ông đã tạo dựng được một cuộc sống sung túc tại Malaysia, tiếp đến là Hồng Kông trong vòng một năm. Mặc dù họ kiếm được nhiều tiền, ông cảm thấy cuộc sống đó sao quá dễ dàng. “Cuộc sống ở Hồng Kông thật tuyệt vời, mọi dịch vụ đều rất tốt, nhưng dường như tôi không cảm thấy là chúng tôi đã làm ra những giá trị đó”.
Vĩ thanh
Tâm trạng “khó ở” đó như lời thúc giục ông tiếp tục lên đường. Trong dịp tình cờ đi du lịch đến Sài Gòn cách đây bốn năm, Brackenbury dường như đã tìm thấy điều ông mong đợi và quyết định dừng lại, bắt đầu tạo dựng một cuộc sống mới tại đây. Vài tuần sau, gia đình ông – giờ đã có thêm một bé gái 2 tuổi, dọn nhà và chuyển đến Việt Nam, nơi ông cảm thấy mình có thể tạo sự khác biệt.
Ngoài sở thích thám hiểm và chụp hình phong cảnh núi non, Brackenbury được biết đến như một chuyên gia về thần kinh cột sống. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm Thần kinh Cột sống Hoa Kỳ – Việt Nam (American Chiropractic Clinic Vietnam) do chính ông thành lập, trụ sở đặt tại TP. HCM. Đây cũng là Trung tâm Thần kinh Cột sống Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam.
Giờ đây, thử thách lớn nhất mà ông phải vượt qua hằng ngày là mang lại cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh quái ác. Trung tâm tọa lạc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng ông cũng thường xuyên tổ chức những chuyến điều trị tại Hà Nội. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được góp phần cải thiện sức khỏe cho người dân nơi đây. Cuộc sống của chúng tôi thật sự có ý nghĩa”, Brackenbury tâm sự. Đó cũng chính là lý do khiến ông quyết định sẽ định cư lâu dài tại Việt Nam.
Bài: Beth Young.
Dịch thuật: Trần Văn Thưởng.
Ảnh: nhân vật cung cấp.