Nhà hát ở làng.

 Những nghệ sĩ nông dân

Chiều nay, anh thợ cắt tóc đầu làng Nguyễn dọn hàng sớm, cái chái sửa xe cạnh đình làng cũng cuốn bạt, mấy anh thợ cày thợ cấy cũng vắng bóng trên cánh đồng làng, chiều nay họ tập trung về ngôi thủy đình đầu làng chuẩn bị tập dượt cho buổi lưu diễn nước ngoài sắp tới, một loại hình nghệ thuật có một không hai trên thế giới : múa rối nước.
Ở làng Nguyễn , xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, bất kể đó là ngày đông rét mướt hay ngày hè oi nồng, các nghệ nhân cao tuổi và những người trẻ tuổi yêu thích nghệ thuật múa rối của làng cũng dành ngày cuối tuần cùng ngồi lại với nhau để trao đổi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tập dượt những trò rối nước. Cao tuổi nhất đã gần 90, trẻ nhất chưa tới đôi mươi và họ xuất thân từ nhiều nghề nghiệp khác nhau, thợ cày thợ cấy, thợ cắt tóc, thợ rửa xe, cụ già hưu trí…những người say mê một loại hình nghệ thuật xuất xứ từ ruộng đồng, mà xa xưa hơn đó là một trong những nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh sông Hồng. Người cao tuổi truyền lại kinh nghiệm cho người trẻ tuổi, cách thức để đẽo gọt ra một con trò từ cây gỗ cây sung, cách thức trang trí thành một con rối, những bí quyết điều khiển các con rối sao cho sống động, chuyển động tâm thần, tâm hồn  như người thật, như con vật thật ngoài đời vậy.
Theo các cụ cao niên ở làng, không ai biết đích xác làng Nguyễn trở thành phường rối từ khi nào, nhưng theo cụ Nguyễn Hữu Ngữ , 87 tuổi, nghệ nhân cao tuổi nhất làng Nguyễn cho biết, theo lịch sử ghi lại nghệ thuật múa rối nước được ghi nhận xuất hiện vào thời nhà Lý,  môn nghệ thuật đã có bề dầy lịch sử không ít hơn 10 thế kỷ. Và theo sử làng và theo gia phả dòng họ Nguyễn của làng Nguyễn để lại thì làng đã có đội rối chuyên nghiệp phục vụ triều đình thưỡng lãm từ ngàn năm qua. Và làng Nguyễn chính là phường rối lâu đời nhất ở đồng bằng sông Hồng.
Con rối được làm bằng gỗ cây sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao.
Theo nghệ nhân lão làng Nguyễn Hữu Ngữ, người đã tham gia đội rối làng Nguyễn từ năm 1943 đến nay cho biết: " Chỉ mới năm nay chúng tôi mới có được bộ quần áo chống rét đặc biệt , đó là món quà mà khán giả Nhật Bản tặng cho đoàn khi chúng tôi sang Nhật biểu diễn. Ngày trước, cứ mỗi lần biểu diễn, đặc biệt là trong ngày đông giá rét , các nghệ sĩ nông dân chỉ biết cách chống rét bằng cách uống cả bát nước mắm để giữ nhiệt, nhưng vẫn lạnh đến cóng tay”.
 

30 năm để trở thành nghệ nhân

Thật kỳ diệu, từ ngàn năm trước, người ông dân vùng châu thổ sông Hồng đã nghĩ ra cách chế tạo những cổ máy bằng gỗ biết cử động. Máy điều khiển rối nước được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây, nhưng đều có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Những nghệ nhân làng Nguyễn cho biết, nghệ thuật rối nước chỉ có 30 tiết mục cổ truyền nhưng để có thể biểu diễn thuần thục các tiết mục cổ truyền mà nội dung của nó là những sinh hoạt đời thường của người nông dân vùng châu thổ sông Hồng như: câu ếch, cáo bắt vịt, đánh vật, chọi trâu, múa lân, rước kiệu…, nhiều người đã phải khổ luyện trong suốt 30 năm. 
Theo lệ làng, cứ sau mỗi ngày luyện tập hay đi biểu diễn, các nghệ nhân đều phải thắp hương lên bàn thờ con trò tổ - đó là hình tượng một chú Tễu đã có hơn 100 năm tuổi. Chú Tễu chính là nhân vật tiêu biểu của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Chú Tễu là hình tượng của người nông dân chân chất nhưng thông minh của đồng ruộng, làng quê, hình ảnh một chàng trai hoạt bát, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, táo bạo, đa tình, làm nhiệm vụ mở màn và dẫn chuyện cho những màn rối nước đầy sức sống và sáng tạo của người nông dân. Đó chính là hình tượng cao nhất của một nền nghệ thuật tiêu biểu cho sự sáng tạo trong nghệ thuật của nền văn minh sông Hồng từ ngàn năm qua.  
Tuy chỉ là những nông dân, nhưng người làng Nguyễn đã mang những con rối bé nhỏ này sang nhiều quốc gia có nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm lừng danh thế giới như Pháp, Ý, Trung Quốc…và họ luôn nhận được nhiều tán thưởng nồng nhiệt đến kinh ngạc.  
Từ ngàn năm trước, những người nông dân vùng châu thổ luôn sống với tư thế ngâm bùn lội ruộng "sống ngâm da, chết ngâm xương", để rồi từ cái cảnh đời cơ cực của “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ lại sinh ra một loại hình nghệ thuật độc đáo, tạo niềm vui sáng tạo ngay chính trên nhà hát vĩ đại của người nông dân : Những cánh đồng thẳng cánh cò bay…
 
 
Bình Nguyên