Anh có thể chia sẻ cho độc giải “Tạp chí Du lịch và Giải trí” biết thêm về công việc hiện tại và cơ duyên nào đưa anh trở thành một nhà nhiếp ảnh?
Hiện tại Tăng Phúc là nhiếp ảnh gia tự do, chuyên thực hiện các album ảnh nghệ thuật, ảnh cưới… Thật ra Tăng Phúc đến với nghề một cách tình cờ, học Đại học chuyên ngành thiết kế nội thất, sau khi học xong làm tại công ty Hàn Quốc hai năm và chuyển sang công ty Nhật Bản. Trong quá trình học cũng như là đi làm, cuối tuần Phúc hay chụp ảnh cho các bạn của mình vì trong quá trình học tập có môn nhiếp ảnh nên hiểu về bố cục, ánh sáng… Sau khi đi làm gần ba năm, Tăng Phúc cảm thấy công việc hiện tại không hợp và trong dịp Noel năm 2012 Phúc có chụp một album cho một người bạn và chia sẻ trên facebook thì được mọi người thích, đón nhận và nhờ thực hiện nhiều album liền tiếp sau đó như Tết, đường hoa Nguyễn Huệ…Tăng Phúc nghĩ nhiếp ảnh thật sự mới là đam mê của mình và thế làm nghề cho đến bây giờ.
Theo anh, yếu tố nào để có thể trở thành một nhiếp ảnh gia?
Theo Tăng Phúc nghĩ để trở thành một nhiếp ảnh gia trước hết phải có niềm đam mê với môn mang tính nghệ thuật này. Đây chính là yếu tố chính giúp một người nhiếp ảnh không ngừng sáng tạo, tìm tòi những cái mới lạ. Như Tăng Phúc vậy dù học chuyên ngành thiết kế nội thất, khi học đầy đủ tất cả lý thuyết, nhưng niềm đam mê không có thì không làm gì được cả, khó mà thành công. Có sự đam mê mình có thể đặt cả tâm huyết cho nghề mà mình theo đuổi, dù có gian nan nhưng vẫn thỏa mãn và có niềm vui. Thứ hai, để trở thành một nhiếp ảnh gia, cần phải nắm rõ kỹ thuật vì trong nhiếp ảnh có rất nhiều thể loại: chân dung, phong cảnh, thể thao…mỗi thứ đều có một một quy định kỹ năng nhất định để có thể đạt yêu cầu như về bố cục, màu sắc, mảng độ,.. và cuối cùng là kinh phí đầu tư cho nhiếp ảnh vì khi làm nghề chúng ta phải đầu tư máy móc, dụng cụ chuyên nghiệp để có thể đáp ứng yêu cầu của bộ ảnh mà ta muốn thực hiện.
Mỗi nhiếp ảnh gia đều có một thế mạnh nhất định về cách khai thác hình ảnh, vậy thế mạnh của anh là gì? và trở ngại gì khi tiếp cận thế mạnh đó?
Thế mạnh của Tăng Phúc là thực hiện hình ảnh cho mẫu nam, vì mình cũng là nam nên khi chụp mình biết cách khai thác góc độ nào đẹp và thu hút, với khi thực hiện Phúc có thể trang điểm, hướng dẫn cách chọn trang phục sao cho phù hợp với yêu cầu của bộ ảnh. Trở ngại khi chụp cho mẫu nam khi chụp ngoại cảnh là khó tìm địa điểm và phong cảnh thích hợp không nhiều so với mẫu nữ vốn có nhiều lợi thế về mặt tạo dáng cũng như là địa điểm thực hiện.
Để đánh giá đó là một bức ảnh đẹp, theo anh đó cần đạt những tiêu chí gì?
Để đánh giá một bức ảnh đẹp, theo Phúc phải đáp ứng được ba yếu tố: bố cục, ánh sáng màu sắc và cảm xúc. Cảm xúc là yếu tố quyết định nhất, khi nhìn vào một bức ảnh đầy đủ bố cục ánh sáng nhưng không gợi cảm xúc cho người xem thì bức ảnh đó chỉ đẹp theo nghĩa “lý thuyết”. Phúc nghĩ nhìn vào một bức ảnh, người xem có thể khái quát được cái gì đang nói đến thông qua những cảm xúc mà nó gợi lên. Và đặc biệt người nhiếp ảnh phải biết đặt vị trí gợi cảm xúc qua từng trọng điểm, đường mạnh của ảnh.
Hiện nay có một thực trạng đó là “hình ảo người thật”, anh nghĩ sao về điều này?
Nhiều người họ biết gương mặt mình đẹp ở điểm nào, góc nào thế là họ thường xuyên chụp ở góc đó để có thể tạo cho mình một bức ảnh đẹp và khi trang điểm thì họ có thể che được khuyết điểm của mình, đó cũng là một lợi thế. Có người thì ở ngoài rất bình thường nhưng lên hình lại rất thu hút và ngược lại, mọi người gọi nôm na là “ăn ảnh”. Nhưng theo Phúc nghĩ thì nét đẹp tự nhiên sẽ đẹp hơn, còn chỉnh sửa ảnh chỉ khi trong trường hợp thích hợp và tránh lạm dụng để người khác nhìn vào ảnh và nhận ra đó là mình.
Anh có nhận xét gì về nền nhiếp ảnh của Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, các bạn trẻ bắt kịp xu hướng rất nhanh nhạy, chỉ cần có một máy ảnh chuyên nghiệp và có hiểu biết cơ bản về chụp ảnh đều có thể trở thành nhiếp ảnh. Các bạn ấy tự chọn cho mình một phong cách chụp ảnh riêng biệt, về điểm mạnh của họ như: chụp ảnh ngoại cảnh, chụp studio… có thể nói, nền nhiếp ảnh của Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh, số người tham gia ngày càng nhiều và cũng có những thành tích đáng kể.
Công nghệ số đang rất phát triển, đơn cử như việc ai cũng sở hữu cho mình một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh rất thuận tiện và nhanh chóng. Anh có nghĩ đối tượng tìm đến nhiếp ảnh gia ngày một vắng?
Tất nhiên là sẽ có ảnh hưởng, nhất là nhiếp ảnh gia tại các khu du lịch, giải trí. Ai cũng có thể ghi lại khoảnh khác của mình bằng chiếc điện thoại nhỏ gọn và có thể sử dụng ngay ảnh đó để đăng tải, chia sẻ lên các trang mạng xã hội thay vì chờ đợi người nhiếp ảnh chụp đem đi in ảnh rất bất tiện. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia cũng có số lượng khách hàng ổn định như chụp ảnh tại các sự kiện, cuộc thi, album nghệ thuật…mà tự cá nhân họ không thực hiện được.Có rất nhiều cơ hội để nhiếp ảnh gia có thể làm nghề cũng như là thực hiện đam mê của mình.
Anh định hướng công việc lâu dài của mình như thế nào?
Ba tháng cuối năm Phúc tăng cường thông tin của mình để nhiều người biết hơn, cố gắng thực hiện nhiều bộ ảnh với từng chủ đề khác nhau để tích lũy kinh nghiệm và tìm khách hàng ổn định. Từ những kinh nghiệm tích lũy Tăng Phúc có kế hoạch năm 2016 sẽ mở một studio cho riêng mình, kết hợp với đó là Tăng Phúc đang tự học cách trang điểm cho mẫu nữ với mục đích khi thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất cho bộ ảnh từ chọn trang phục đến trang điểm, phối cảnh.
Là người có tâm hồn nghệ sĩ, điều đó giúp anh những gì cuộc sống?
Là một người có tâm hồn nghệ sĩ, Tăng Phúc thích nhất cái đẹp tự nhiên bởi nó cho mình nhiều cảm hứng để làm việc. Khi có chuyện gì không vui xảy ra không vì thế mà ủ rũ, buồn bã mà Tăng Phúc luôn suy nghĩ một cách tích cực và đương đầu nó.
Chắc hẳn là một nhiếp ảnh gia thì anh đã đi nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người trong mọi lĩnh vực khác nhau, anh có thể chia sẽ về một kỷ niệm đáng nhớ ?
Trong một lần chụp cho mẫu nam tại hồ Đá Thủ Đức, do là lần đầu tiên Tăng Phúc đến nên khi cả nhóm lại gần thì thấy bảng báo cấm không cho chạy xe vào bên trong. Sau đó mình mới quyết định cho cả nhóm vào trường Đại học Quốc gia TP.HCM gửi xe và đi bộ vào với quãng đường gần 4km. Kết quả khi vào tới thấy người khác chạy xe vào, Phúc có hỏi và mới hiểu ra là có đường khác cho vào. Coi như lần đó, cả nhóm đi bộ một quãng đường rất xa và cũng rút được bài học cho mình là nên tìm hiểu kĩ trước khi quyết định một vấn đề nào đó.
Xin cảm ơn Nhiếp ảnh gia Tăng Phúc về những chia sẻ !
Hùng Lĩnh