Những Báu vật Ở Miền Cổ Tích Mandalay

Thủ đô cuối cùng - Mandalay

Đáp chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Yangoon, chúng tôi nghỉ chân một đêm trước khi nối tuyến bằng hãng hàng không Mandalay để đến Mandalay nằm ở trung tâm đất nước Myanmar.

Mandalay là trung tâm văn hóa, kinh tế khu vực miền trung Miến Điện. Tọa lạc bên bờ dòng sông Ayeyawady, thành phố này nằm trên cung đường lữ hành của những người đam mê khám phá văn hóa, nơi có những tòa nhà từ thời thuộc địa, những thành quách cung điện cổ cũng như những đền chùa nổi tiếng bậc nhất đất nước.   

Mandalay là thủ đô cuối cùng của các triều đại vua ở Myanmar và là đô thị chất chứa những kỉ niệm khá buồn trong lịch sử đất nước. Nhà vua Mindon của triều đại Konbaung, người trị vì từ năm 1852 đến 1878, đã tạo nên thủ đô trên một khu đất rộng ngay dưới chân đồi Mandalay. Thành phố được thành lập năm 1857 và trở thành kinh đô năm 1861 khi vua ra lệnh dời đô từ Amarapura. Mindon là vị đế vương rất sùng đạo, ông đã biến Mandalay thành trung tâm Phật giáo với những ngôi chùa và tu viện rộng lớn, trang trí điêu khắc một cách tỉ mỉ.

Cuộc sống phố thị ở Mandalay nhộn nhịp hơn hẳn Bagan hay Inle, những con đường với khách sạn san sát, những quán xá đông đúc. Buổi sáng Mandalay là thời khắc làm chúng tôi ưa thích hơn cả. Trên tay là chiếc hộp đựng thức ăn, bộ quần áo màu nâu đất hở một bờ vai, những nhà sư bắt đầu ngày tu tập và khất thực. Họ điềm đạm bước chân trần trên các ngả đường, ánh bình minh làm những chiếc bóng tu hành nổi bật trước khi Mandalay chìm vào khói bụi của các phương tiện giao thông. Ở khắp đất nước Myanmar, người dân thành kính với Phật giáo và tôn trọng nhà sư. Họ thường bày hẳn những nồi cơm ra trước cửa nhà để cúng dường cho tăng ni những mong sẽ được cầu chúc an lành.

 UY NGHI TƯỢNG PHẬT MAHAMUNI

4h sáng Mandalay, anh Mu Mu - một người quen đón chúng tôi bằng chiếc xe lam ba bánh hướng thẳng về phía ngôi chùa Mahamuni. Theo lối vào phía Tây, cuối hành lang ánh đèn vàng rực sáng xua đi cái se lạnh sớm mai. Những tưởng chỉ có kẻ lữ hành mới dậy vào giờ này nhưng khoảng hơn 100 người tụ tập quanh khu vực sảnh đường làm chúng tôi khá bất ngờ.

 

Mahamuni Paya là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất ở Myanmar, chùa còn có tên gọi là Payagi, Big Paya hay Rakhaing Paya. Phần chính điện do nhà vua Bodawpaya xây dựng năm 1784. Cái tên Mahamuni được gắn liền với bức tượng Phật trong chùa, pho tượng cổ được mang về từ Mrauk U ở bang Rakhaing vào năm 1784. Niên đại của tượng Phật Mahamuni được cho là từ thế kỉ thứ 1 sau công nguyên nhưng những phật tử ở Rakhaing tin rằng tượng có từ 500 năm trước công nguyên khi đức Phật có chuyến thăm nơi này.

Lý do để chúng tôi có mặt thật sớm tại Mahamuni là muốn chứng kiến hoạt động độc đáo của tăng giới Mandalay, lễ rửa mặt Phật vào mỗi sáng sớm. Tất cả các tu sĩ, người dân tụ tập ở sảnh chính và hai bên hành lang đông tây lầm rầm đọc kinh. Các nhà sư bắt đầu cử lễ sau một hồi chuông dài.

Nhà sư có vinh dự thực hiện nghi lễ rửa mặt Phật phải là người có uy tín trong cộng đồng. Nước phải được lấy từ chiếc giếng trong sạch nhất trong thành phố. Vị sư từ tốn dùng những tấm vải ướt lau phần mắt và mũi của đức Phật trong không khí trang nghiêm. Phần môi và răng Phật được ông dung cây cọ mềm lau rửa kỹ càng. Những người đàn ông Myanmar tay cầm vòng hoa nhài thơm ngát đến dưới chân tượng cầu nguyện một cách thành khẩn. 

Nghi lễ kéo dài 45 phút trong sự kiên nhẫn của tất cả những người tham gia, sau khi rửa mặt nhà sư tiếp tục dùng khăn khô cẩn thận lau từng khe mắt, cánh mũi của đức Phật. Lúc này phật tử đã tụ tập kín sảnh đường chính và vẫn liên tục cầu khấn trong tiếng chuông đều đặn. Người đàn ông chăm sóc chùa Mahamuni thật tử tế, thấy khách lạ ông nhiệt tình hướng dẫn và cho chúng tôi đứng sát ngay khu vực chân tượng quan sát.

Tạo hình đức Phật Mahamuni thật ấn tượng, đã đi qua nhiều vùng đất nhưng đây là lần hiếm hoi chúng tôi thấy hình Phật đội nón và mặc áo bào, đôi mắt hiền từ và tư thế oai phong càng làm tăng thêm sự linh thiêng trong không gian tinh sương. Những nam Phật tử lần lượt dát vào thân tượng các lá vàng. Qua thời gian hàng chục thế kỉ, lớp vàng đã dày đến 6 inch. Chúng tôi để ý luôn có một người đứng trước lối vào gian thờ chính với chiếc gậy có khe trên đầu để nhận lá vàng từ những nữ phật tử sau đó chuyền lên trên. Hóa ra phụ nữ không được phép thực hiện việc dát vàng và mà chỉ có thể ngồi dưới cầu nguyện. Quy định khắt khe này đã có từ rất lâu đời mà đến nay nó vẫn được duy trì.

Ngoài sân chùa, nhà sư trẻ gióng lên hồi chuông báo hiệu ngày mới, chúng tôi tiếp tục lên đường với tâm trạng lâng lâng sau giờ phút chìm đắm trong không khí Mahamuni Paya huyền hoặc.

 ĐỆ NHẤT KINH THƯ

Giữa lòng cố đô, chúng tôi đã nghe về báu vật tri thức mà tất cả những nhà sư và phật tử thuần thành đều muốn một lần chiêm ngưỡng, đó là bộ kinh phật ở chùa Kuthodaw. Ngôi chùa có hình quả chuông được sơn thếp vàng nổi bật trên nền trời xanh. Cảnh chùa mang lại cho chúng tôi cảm giác choáng ngợp bởi hàng trăm những tháp nhỏ sơn màu trắng toát nằm thẳng hàng từ ngoài cửa.

Năm 1857, cùng năm cố đô này được thành lập, nhà vua Min Don để tỏ lòng tôn kính với Phật giáo đã cho lệnh lưu lại 15 quyển sách của Tripitaka bằng cách tạc những kinh thư ấy lên đá marble. Hơn 200 nhà sư được mời đến góp mặt trong cộng đồng biên tập để hoàn thành “quyển sách lớn nhất thế giới”. Sau đó tổng cộng 2400 nhà sư đã liên tục đọc trong 6 tháng để đảm bảo quyển sách hoàn hảo về ngôn từ và chính tả. Vào năm 1900, bản in từ những tấm đá marble được xuất bản với 38 chương, mỗi chương dày 400 trang. Người ta truyền nhau rằng, nếu đọc liên tục tám tiếng một ngày thì phải mất 450 ngày để đọc hết nội dung được tạc trên đá.

Chúng tôi như lạc vào rừng 730 bảo tháp trong đó 729 bảo tháp để bảo quản những “trang sách đá” còn bảo tháp thứ 730 đặt tảng đá mô tả quá trình hình thành công trình. Một vài nhà sư chọn nơi đây để thiền định, những người dân thành kính vào cúng bái với những vòng hoa nhài trắng toát trên tay. Bên trong bảo tháp, tảng đá mable cao hơn 1m sừng sững được tạc san sát những ký tự cổ. Một vài cánh cửa không khóa cho phép chúng tôi có thể quan sát cận cảnh hơn và cảm nhận sâu sắc hơn kỳ công của những thợ thủ công cùng những nhà sư đã góp phần tạo nên tác phẩm tôn giáo kỳ vĩ này.

NGÀY MƯA Ở AMARAPURA

Dành trọn những ngày đầu để khám phá cố đô Mandalay, tận hưởng nhiều cung bậc cảm xúc từ đời thường đến phút giây linh thiêng của đạo giáo, hôm nay chúng tôi quyết định tìm đến Amarapura, một trong những cố đô cổ cuối cùng của Myanmar nay đã trở thành phố thị hiện đại.

Chuyến xe của Mu Mu mất hơn nửa tiếng để vượt qua 13km cung đường khá bụi bặm rồi rẽ vào lối đường đất để đưa chúng tôi đến một trong những nơi được giới săn ảnh tìm đến nhiều nhất ở Myanmar. Cây cầu U Bein nổi tiếng trong những cuốn guidebook (sách du lịch) hay những postcard (bưu thiếp) về đất nước Miến Điện với những nhà sư, những người bản địa đang đi lại. Đó là mùa nước cạn vào đầu năm khi hàng trăm cọc gỗ tếch hiện ra rõ rệt trong ánh nắng hoàng hôn. Còn những ngày chúng tôi ở U Bein trái ngược hoàn toàn, mặt trời bị màn mây che phủ, vài hạt mưa làm cho không khí trở nên trầm lắng hơn, nước hồ cũng lên cao sát mặt cầu.

Cây cầu dài 1200m U Bein được đặt theo tên một vị quan ở Amarapura khi kinh đô được dời về từ Inwa năm 1841 nhưng truyền thuyết khác lại cho rằng đó là tên một cận thần của nhà vua tên U Bein. Sau khi có lệnh dời đô, U Bein vì thấy những công trình làm bằng gỗ tếch ở Inwa bỏ hoang phí nên đã xin nhà vua số gỗ này để làm cây cầu bắc ngang qua hồ Taungthaman cho cư dân đi lại. Gần hai thế kỉ đã qua nhưng 1060 cọc gỗ cầu vẫn còn khá nguyên vẹn. Gió bắt đầu thổi mạnh, một vài người đàn ông trong chiếc longi (một loại xà rông truyền thống), đầu đội nón vẫn kiên trì ngồi câu cá khiến chúng tôi liên tưởng đến những bức tranh khắc hoạ đất nước con người Myanmar trong gallery.

Mưa nặng hạt hơn, chúng tôi quyết định trực chỉ hướng Maha Ganayon Kyaung – Học viện phật giáo chỉ cách đó vài trăm mét. Trong một lần khám phá Myanmar trước đây, anh bạn đồng hành với tôi từng ghé học viện này và gặp vị sư trẻ từ Việt Nam sang, chúng tôi ghé ngang thư phòng nhưng cửa khóa im ỉm. Chút thất vọng, chúng tôi trở ngược ra thì gặp nhà sư đang trở về sau giờ học.

 

Sư Thiền Quang rất vui khi có người đến thăm, vị tu sĩ trẻ đưa chúng tôi đi thăm học viện. Những lớp tu hành nơi đây rất đặc biệt, tất cả tăng sĩ đều ngồi trên nền gạch, cặm cụi viết những lời giảng của sư thầy. Những vị sư trẻ tuổi học tập là thế còn những bậc cao tăng lại chọn cách đứng mỗi khi viết và đọc sách để rèn luyện. Vì thế hầu hết những chiếc bàn trong tu viện đều rất cao và trong phòng khó tìm thấy được chiếc ghế nào.

Không gian học viện Phật giáo rất thanh bình ngay cả giờ cơm trưa. Tiếng kẻng vang lên đúng 11h, tất cả các nhà sư, học viên tập trung trên con đường dẫn vào nhà ăn nhận cơm. Hơn 500 tăng sĩ lặng lẽ xếp thành hai hàng, hôm nay ngoài cơm những Phật tử còn cúng dường xà bông và bút viết cho họ. Mặc cho những hạt mưa lất phất rơi, đôi chân trần vẫn kiên trì nhích từng bước trầm tĩnh, cả con đường rực lên màu áo tu hành khiến cho rất nhiều người đến thăm trong đó có chúng tôi cảm thấy rất kính phục vì sự nề nếp ở tu viện. Không hề có tiếng nói chuyện, bữa trưa diễn ra trong nhà ăn nhanh chóng và khi hoàn thành mỗi người lại xếp hàng để tự rửa chén cho mình.

Sư Thiền Quang không ăn trưa mà dẫn chúng tôi ghé chào sư thầy của lớp học khi nãy. Vị giáo viên trẻ chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng đã có bằng cấp cao hàng đầu trong giới học thuật Myanmar. Sư thầy cho biết: “học viện nhận tăng sĩ từ khắp các nơi ở Myanmar với nhiều độ tuổi khác nhau. Để đạt đến đẳng cấp cao nhất tại trường mất đến hơn mười năm học tập, nghiên cứu Phật pháp cũng như triết lý đạo Phật. Nhưng điều cơ bản chúng tôi giảng dạy không chỉ là kiến thức mà là rèn luyện cho những học viên luôn giữ tâm thiện của mình để mang đức độ đến cho mọi người”

Tạm biệt cố đô Amarapura, chúng tôi có một buổi chiều tĩnh tại trên đỉnh đồi Mandalay trong ngày cuối cùng ở thành phố. Tôi chợt nhớ lại lời của anh bạn Mu Mu đã nói, ở Myanmar bất cứ nơi nào có đỉnh cao là nơi ấy có chùa. Chúng tôi cũng đang đứng trong khuôn viên ngôi chùa trong khi các phật tử Myanmar vẫn thành khẩn cầu nguyện trong ráng chiều đang chiếu vào tháp Phật. Chúng tôi đã có cơ hội khám phá những báu vật ở miền cổ tích Mandalay trong những ngày qua, đó là báu vật về tinh thần ở chùa Mahamuni, báu vật về tri thức ở chùa Kuthodaw và báu vật về con người ở học viện Ganayon Kyaung. Sức mạnh của Phật giáo đã lan tỏa và thấm đẫm trong những con người Myanmar, phải chăng điều đó đã tạo ra khí chất và con người Myanmar hiền lành, điềm đạm và thân thiện.

Chúng tôi trở về với những tình cảm rất đẹp đọng lại nơi miền cổ tích Mandalay…

 

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí