NGƯỜI TRUYỀN THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH QUA ẢNH
Hình ảnh cô bé Kim Phúc trần truồng bỏng rát vào thời điểm năm 1972 tại Tây Ninh đã khiến cho cả thế giới bàng hoàng. Ngay lập tức tấm ảnh từ Việt Nam xuất hiện đồng loạt trên trang nhất của các báo lớn tại Mỹ, góp phần mạnh mẽ vào những tích cực ủng hộ hòa bình ở Việt Nam vào thời điểm ấy. Cũng từ bức ảnh này, Kim Phúc – cô bé bị bỏng đến lột da của bom Napalm cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ tình nguyện của các y bác sỹ trên thế giới. Tấm ảnh lịch sử này đã mang về cho Nick Út giải thưởng Putlizer cao quý. Chiếc máy ảnh Leica và tấm ảnh “Cô bé Napalm” cũng được bảo tàng Anh mượn trưng bày cho mọi người. Riêng phóng viên ảnh Nick Út và Kim Phúc hân hạnh được nữ hoàng Anh Elizabeth II tiếp kiến.
Nghiệp phóng viên chiến trường đã đeo bám vào Nick Út từ khi còn rất trẻ. Bồi hồi kể về sự mất mát người đồng nghiệp và cũng chính là người anh trai ruột (cũng là phóng viên ảnh của hãng AP tại Việt Nam) đã ngã xuống tại Việt Nam. Hơn ai hết, anh hiểu được rằng chiến tranh chỉ mang lại những tang thương và mất mát. Anh luôn khao khát, qua những tấm ảnh của mình, thông điệp về hòa bình sẽ được truyền tải đến người xem một cách trọn vẹn.
Giờ đây, hòa bình đã lập lại, mỗi dịp về nước anh đều tranh thủ thời gian ít ỏi để ngao du khắp bốn phương trời đất nước, ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhưng rất đỗi thanh bình ấy vào máy ảnh. Anh bảo “quê mình đẹp lắm” trong niềm vui tự hào. Với anh, cái tình thấm thiết đó như thấm vào máu thịt, nó hiển thị qua từng món ăn cao lầu, mì Quảng của Hội An, từ những trái cây ngọt mát của Cái Mơn (Bến Tre) hay Cái răng (Cần Thơ)… càng đi nhiều anh càng trân quý cảnh thanh bình ấy và mong muốn truyền đi những tấm ảnh ấy như là một thông điệp của hòa bình đến mọi người trên thế giới.
TÂM TÌNH VIỆT NAM
Anh nói: “Nghề phóng viên dẫn bước tôi đi khắp thế giới, trải nghiệm nhiều, chứng kiến nhiều đau thương, mất mát của con người, dù có cùng hay khác màu da những nỗi đau đó đều như nhau cả. Càng đi nhiều, càng thấy nhiều, cái “tâm” của tôi luôn thôi thúc mình quay về quê hương để ghi lại những hình ảnh di chứng của chiến tranh, cụ thể là những nạn nhân chất độc da cam”. Hiện nay, anh và những cộng sự vẫn đang miệt mài đi đi về về Việt Nam để tìm những nạn nhân để thể hiện trong các bức ảnh, với mong muốn góp sức mình giúp những nạn nhân vô tội đã phải hứng chịu từ cuộc chiến tranh.
Anh kể, lần trở về Việt Nam lần đầu tiên là năm 1989, anh ngỡ ngàng nhận ra quê hương mình thật đẹp. Bôn ba khắp nơi để ghi lại khung cảnh thanh bình, hiền hòa của quê hương anh đã hàng chục ngàn bức ảnh Việt Nam. Những cảnh vật đời thường như: em bé tắm sông, cô gái giặt áo, chèo thuyền trên bàu sen, câu cá, gặt lúa, chăn vịt, đêm hội xòe của bà con dân tộc vùng Tây Bắc, cảnh lễ chùa Hương… Anh yêu thích Hà Nội khi ngắm cảnh Hồ Gươm bàng bạc sương mù bao phủ trong mùa đông giá rét; ngẩn người trước Hạ Long hùng vĩ; thả hồn trên dòng sông Hương trầm mặc… Đi khắp Việt Nam, ghi lại hết mọi hình ảnh của đất nước, từ miền cao Tây Bắc đến phố cổ Hội An và mộc mạc miền Tây, anh nói: “Dù có đam mê nghệ thuật thì cũng sẽ đến lúc phải ngưng nghỉ. Vì thế, mỗi lần về thăm quê hương, tôi luôn muốn lưu giữ nhiều kỷ niệm mỗi vùng miền qua việc chụp ảnh, mang về Mỹ để kể chuyện quê Việt cho bạn bè cùng nghe. Những đồng nghiệp của tôi ở khắp thế giới cũng vì thích Việt Nam qua những tấm ảnh ấy mà kéo đến nước ta du lịch ngày càng đông. Họ mê say đất nước có nền văn hóa tuyệt đẹp qua những câu chuyện kể về vua Hùng, thần Kim Quy… từ thời cha ông chúng ta truyền lại”.
Anh cũng chia sẻ về mong muốn thực hiện bộ ảnh nạn nhân da cam sớm được hoàn thành và trưng bày. Qua đó, người dân khắp nơi trên thế giới sẽ hiểu được phần nào sự man rợ của chiến tranh và những nạn nhân vô tội ấy sẽ được bù đắp phần nào, dẫu chỉ là một phần vật chất cho nỗi đau da cam dai dẳng mà họ đang gánh phải.
Dương Thủy