Niềm vui và trăn trở

Nhà báo Nguyễn Đinh Dũng - Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn

Xuất thân trong một gia đình có 3 đời làm báo, quyết định của tôi khi đến với nghề cũng khá đơn giản mà không cần phải đắn đo suy nghĩ nhiều. Gần 25 năm lăn lộn trong nghề cầm bút, tôi nghiệm ra một điều là để trở thành nhà báo lành nghề thì cần hội đủ 3 điều kiện: có tố chất của nghề, có niềm đam mê và phải tiếp tục học hỏi mỗi ngày.

Với sở trường chuyên viết về du lịch và hàng không, tôi may mắn có cơ hội viếng thăm khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực ra con số này vẫn còn ít so với các đồng nghiệp của mình. Đi càng nhiều, càng cho tôi cảm nhận: trái đất thật rộng lớn với nhiều nền văn hóa đa sắc màu. Mọi người đã quen gọi thế giới chúng ta đang sống là “Ngôi làng toàn cầu”, và đây chính là kết quả từ sự phát triển của hàng không và du lịch. Tôi có dịp đến những quốc gia có nền kinh tế du lịch vô cùng phát triển - đó là những đất nước biết gìn giữ tôn tạo các di tích và chung tay bảo tồn thiên nhiên.

Nước ta cũng có nhiều thắng cảnh đẹp cùng nền văn hóa lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, du lịch vẫn chưa là kinh tế mũi nhọn vì sự phát triển không đồng bộ. Muốn du lịch “hái ra tiền” cần phải có sự phối hợp quản lý từ các cấp. Điều cơ bản ban đầu là phải xây dựng nếp văn hóa lành mạnh từ con người. Tôi rất ray rứt khi đọc câu chuyện cô nhà báo Rasniya Moho Rasid của tờ New Straits Times (Malaysia) bị taxi dù TP HCM chặt chém 4 triệu đồng từ Chợ Bến Thành ra sân bay Tân Sơn Nhất. Chắc chắn điều này sẽ gây ấn tượng chưa đẹp lắm trong lòng du khách quốc tế.

Đạo diễn - quay phim Ngô Quang Trí - Ban chuyên đề Đài truyền hình TP.HCM

Khi bước vào lĩnh vực ruyền hình, với tôi đây là một công việc hoàn toàn mới lạ. Cách làm việc cũng khác so với những gì tôi đã học và gắn bó một thời gian dài trong môi trường điện ảnh. Chính nhờ thể loại phim tài liệu, khán giả có sự cảm nhận sâu sắc hơn về những nét văn hóa, chân dung con người,… Nó lột tả được hơi thở cuộc sống và đồng hành cùng với sự phát triển của xã hội.

Làm báo, điều thú vị nhất của tôi là  được đến rất nhiều nơi. Có những vùng đất mà nếu  không là nhà báo truyền hình, có lẽ ngay trong giấc mơ, tôi cũng không nghĩ mình có thể đặt chân  tới. Mỗi vùng đất đều chứa đựng trong tôi nhiều kỷ niệm vui buồn. Trong góc máy của mình, tôi lưu dấu nhiều hình ảnh của những địa danh mà ngày xưa mình mơ tưởng nay đã thành hiện thực.

Với suy nghĩ cá nhân mình, tôi nghĩ người làm nghề báo cần phải có “máu” thích tìm tòi, khám phá những điều hay đẹp của cuộc sống để giới thiệu cho công chúng. Làm nghề, cái lời lớn nhất đối với tôi là được đi, được cảm nhận vẻ đẹp đặc trưng của mỗi vùng miền, tính cách và cuộc sống của con người nơi đó. Ngoài ra, sức khỏe cũng là một yếu tố  rất quan trọng, làm báo truyền hình bạn phải biết chấp nhận làm việc với quỹ thời gian không thể theo giờ giấc cố định.

Nhà báo Kinh Luân - Báo The Saigon times

Bước vào nghề báo, tôi may mắn được cơ quan tạo điều kiện cho đi học nghề ảnh với những bậc thầy nổi tiếng - Tim Page, Horst Faas, Gary Knight… Thế nhưng chỉ có hai người gần gũi nhất: người thứ nhất là James Natchwey - phóng viên ảnh “huyền thoại” đã đánh thức lương tâm nhân loại bằng những loạt ảnh đen – trắng về Kosovo, Somali, Kenya, Chechnya, sự kiện 11 - 9… còn người kia chính là anh Út, cái tên Nick Ut từ “Mùa hè đỏ lửa 1972” đã nổi tiếng thế giới với bức ảnh chụp cô gái bị bom napalm Kim Phúc.

Cũng như James, Luân được đào tạo để trở thành một kỹ sư nhưng ra trường lại bỏ nghề đi chụp ảnh báo chí. Cả hai chúng tôi đều bị ám bởi những hình ảnh khốc liệt, đau thương của chiến tranh: thời của James là Việt Nam, còn với Luân thì lúc ấy là biên giới Tây Nam - Campuchia. Nick Út đến với nghề ảnh do anh ruột của thầy ngã xuống với chiếc Nikon F trên tay, và hãng AP cần một người thay thế. Tôi cũng vậy…

Cho đến tận bây giờ bạn bè, thân hữu vẫn nghĩ tôi là một phóng viên chuyên ảnh! Có lẽ là vì khi còn chơi ảnh nghệ thuật mình có được một vài giải thưởng lớn, chứ thật ra tôi viết nhiều hơn chụp- từ mảng đối ngoại cho tới hạ tầng, môi trường, đầu tư… và tất nhiên cả du lịch nữa! Nghề báo hợp với mình hơn nghề kỹ sư, mấy năm làm trong nhà máy Luân thấy tù túng đơn điệu làm sao...

Nhớ lại đêm mưa gió, một mình phóng chiếc Kawa 400 đi Cần Giờ làm tin “4.000 người dân đảo Thạnh An di tản khẩn cấp do bão Sầu Riêng”. Hay sáng sớm ở Kiên Giang, đầu đội túi máy lội ra thuyền đánh cá hỏi thăm mấy bác chủ tàu về tính hiệu quả của “Chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ”. Rồi những lúc vào quán ngồi lê la với mấy “ông” doanh nghiệp nghe chuyện làm ăn thiếu vốn, và không thể thiếu cảm xúc khó tả của những chuyến đi tới những miền đất xa lạ- từ tuyến đường ven biển ngược lên Tây Nguyên, rồi vòng cung phía bắc, đêm ở đồn biên phòng Nậm Na… nghề báo khiến tôi say mê, dấn thân dù khởi đầu do những hình ảnh lãng mạn tuổi nhỏ: Tintin, Spirou, Fantasio…

Ngày ký hợp đồng với Thời báo Kinh tế Sài gòn, anh Quốc Vĩnh - người thầy hướng dẫn tôi đến với nghề báo - nói một câu chẳng bao giờ quên: “Tui nói cái này để ông cân nhắc. Làm báo thì không giàu được, nhưng cũng đủ sống!”. Giờ đây, sau gần 15 năm viết lách chụp ảnh, tôi thấy sao mà đúng quá. Nếu có “giàu” thì chỉ là giàu mớ kiến thức khá vụn vặt.

Những năm sau này báo chí ra nhiều, kể cả báo… tư nhân. Hay có, dở cũng có, nhưng dở nhiều hơn hay. Nghề báo trở nên chua chát ê chề, lắm khi chẳng dám xưng “tui nhà báo”. Nói thật mình cũng chẳng cao đạo gì, đi họp báo người ta bỏ phong bì cho một hai trăm ngàn thì… cũng xong, coi như tiền xăng xe hay cơm trưa. Thế nhưng có lần thấy một “nhà báo” vòi vĩnh trắng trợn quá, mình ngồi đó mà muốn chui xuống đất. Riết rồi doanh nghiệp, cơ quan họ nhìn giới làm báo tụi mình ai cũng như vậy, thiệt là khổ…

Tôi cũng không thích chuyện báo chí câu khách bằng những thông tin hay hình ảnh gây sốc, tệ hại nhất là chiêu bài kích thích sự tò mò “bài viết thì làm ra vẻ tố cáo những trang web đen, mà hóa ra chính là quảng cáo không công”. Ban biên tập thế nào thì phóng viên thế ấy, không lạ gì khi gặp những “nhà báo” vừa mới ra trường mà đã học thói hoạnh họe, thay trắng đổi đen, xem đồng tiền là mục đích tối thượng. Rất mong một ngày nào đó mọi người lại đặt niềm tin trọn vẹn vào ngòi bút và hình ảnh của những nhà báo chân chính.