Ông 'trùm' gỗ Việt: Tôi đã khai thật số nợ và thoát phá sản

Hơn 30 năm gắn bó với gỗ, thầy giáo doanh nhân Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, mình có 2 lần đi qua khủng hoảng, mà lần sau dài và khó hơn lần trước.

Cho tiền tôi cũng không làm bất động sản nữa!

Gặp doanh nhân Võ Trường Thành thời điểm này, trông ông thảnh thơi và trẻ rất nhiều so với gần 3 năm trước, dù ông bảo, vẫn phải dành hơn 10 tiếng mỗi ngày cho việc. Ông khoe sau 18 tháng tái cấu trúc, công ty đã thoát phá sản và có lãi ngoài sự mong đợi. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 230 tỷ đồng. “Điều này vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi chỉ đưa ra mức lãi năm 2015 khoảng 164 tỷ đồng. Bởi chặng đầu của kế hoạch tái cấu trúc thực hiện khó khăn lắm”, ông Thành cho biết.

Ông kể, giai đoạn 2011-2013, gỗ Trường Thành rơi vào khó khăn kinh khủng. Cụ thể là mức nợ của toàn tập đoàn lên đến 1.900 tỷ, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 735 tỷ. Mỗi năm chỉ riêng trả lãi vay đã 250 tỷ. Nguyên nhân của số nợ ngày càng phình to, ngoài khó khăn trong thời gian dài bị siết chặt tiền tệ còn vì công ty đầu tư lớn vào rừng trồng và bất động sản (BĐS).


Vượt qua khủng hoảng, doanh nhân Võ Trường Thành thừa nhận, BĐS là khoản đầu tư sai của mình. Ảnh: Hải An.

“Rừng trồng là thứ có giá trị, nhưng giai đoạn đó chưa đến tuổi khai thác, muốn bán lại thì không tìm ra người mua. Hơn 100 tỷ đầu tư vào BĐS cũng bất động. Đất và rừng là 2 tài sản quý nhưng có trong thời điểm đó tôi không thể vui”, ông "trùm" gỗ Việt nói.

Trước tình thế cấp bách, doanh nghiệp 5.000 lao động này bắt tay tái cấu trúc. Kế hoạch thực hiện trong 18 tháng. Với việc cơ cấu lại nợ, tăng vốn chủ, trạng thái tài chính đã thay đổi, từ đi vay 1.900 đồng của 15 ngân hàng, đến nay tổng nợ 14 công ty trong tập đoàn chỉ còn 1.100 tỷ tại 3 cho ngân hàng.

Nói thì đơn giản nhưng làm gian nan lắm. Ông chia sẻ, suốt mấy tháng liền ông chạy vạy, gõ cửa khắp nơi. Bắt đầu là thuyết phục để được giãn nợ, cơ cấu lại nợ; rồi “đấu tranh” để được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; lại “đấu tình, đấu lý” để cổ phiếu không vào diện kiểm soát đặc biệt. Bây giờ, cổ phiếu Trường Thành đã tăng hơn 19.000 đồng. Nhưng ở thời điểm khó khăn nhất, giá rớt xuống chỉ bằng một ly nước mía.

Riêng với BĐS, ông thừa nhận đó là khoản đầu tư sai lầm của mình. “Tôi từng nghĩ sẽ chuyển qua lĩnh vực BĐS. Ở thời điểm thị trường nóng sốt, ai cũng thấy cơ hội huy động vốn đầu tư vào đất. Nhưng mình không chuyên, gặp ngay thị trường đóng băng. Bây giờ có cho tiền tôi cũng không dám làm BĐS. Cuối năm nay tôi sẽ sang lại dự án, tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi của mình”, ông Thành cho biết.

 Nhưng niềm vui lớn nhất với ông là TPP được ký kết. 14.000 ha rừng đang đến tuổi khai thác trở thành tài sản đặc biệt. Ngành gỗ Việt Nam vốn chi phối bởi các công ty FDI, họ vẫn nhập nguyên liệu sản xuất. Nhưng khi vào TPP, doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu trong nước. Ông dự kiến năm nay khai thác rừng ở quy mô 1.000 ha, nhưng hiện kế hoạch đã dừng, để dành khi TPP có hiệu lực, giá gỗ tốt lên sẽ phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Tôi chưa bao giờ buông xuôi

Nhìn lại những khó khăn của mình, doanh nhân Võ Trường Thành cho rằng, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ buông xuôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thuyền trưởng phải là người có năng lực đưa thuyền vượt bão.


Hai lần "dính" khủng hoảng, mà lần sau gian nan hơn lần trước, ông "trùm" gỗ Việt vẫn khẳng định, mình chưa bao giờ có ý định buông xuôi. Ảnh: Hải An.

“Đây là điều khác biệt. Khi sóng yên biển lặng ai cũng có thể lái tàu được hết. Trước đây tôi làm việc mỗi ngày 9-10 tiếng đồng hồ, lúc khủng hoảng thì mỗi ngày phải làm 12-13 tiếng. Thời khó khăn, tôi đã mất khoảng 20% cán bộ, nhân viên, và hiện đang phải tuyển để bù đắp cho lực lượng thiếu hụt. Tôi thấy mình phải làm việc hiệu quả hơn để không phụ lòng những người đã cùng tôi vượt bão.

Tôi đã 'dính' 2 đợt khủng hoảng, mà lần sau lại khó khăn hơn lần đầu. Đó là vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998, cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ. Nhưng sau 3 tháng đóng cửa nhà máy, chúng tôi phải đứng dậy. Quay về thị trường nội địa là chiến lược cầm cự để thoát phá sản. Đến năm 1999, khi lệnh cấm đỡ bỏ, chúng tôi mở rộng hoạt động và bắt đầu xuất khẩu gỗ sang châu Âu", ông kể.

Kinh nghiệm ông muốn chia sẻ là bình tĩnh, giải quyết tới cùng vấn đề và luôn có cái nhìn lạc quan. Ngay trong lúc khó khăn nhất ông vẫn có niềm tin cứu được doanh nghiệp. Ông vạch kế hoạch đứng dậy và bước đi trong từng thời điểm. Doanh nghiệp ông có truyền thống là tự lập kế hoạch phát triển với sự chia sẻ của cổ đông. Kế hoạch do mình lập ra sẽ thành công dễ hơn, vì mình làm, sẽ hiểu thuận lợi, khó khăn ở đâu.

Thời điểm khó khăn nhất cũng để lại cho ông nhiều dấu ấn nhất. Năm 2013, rất nhiều thông tin rộ lên Trường Thành ngập trong nợ nghìn tỷ, sắp phá sản. Cả 15 ngân hàng xôn xao vì sợ không đòi được nợ, đã cùng lúc ngồi lại bàn giải pháp với ông. Ông thành thật khai hết số nợ và mong muốn được làm ăn, trả nợ. Các ngân hàng thấy kế hoạch rõ ràng nên ủng hộ. Ông bảo, dù 20 năm làm doanh nhân, nhưng mình vẫn không thể bức ra khỏi hình ảnh một ông giáo chân tình.

Ước mơ của ông "trùm" gỗ Việt


20 năm làm doanh nhân, nhưng ông chủ doanh nghiệp gỗ lớn nhất Việt Nam vẫn được nhắc đến như một ông giáo chân tình. Ảnh: Hải An.

Chia sẻ ước mơ của mình, ông chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời, ổn định để người dân yên tâm phát triển rừng. Ngành gỗ Việt được thừa nhận mạnh nhất Đông Nam Á và đang đứng trước cơ hội lớn khi TPP có hiệu lực. Nhưng muốn phát triển bền vững thì phải giảm xuất thô, chuyển sang các sản phẩm giá trị cao.

Nhắc đến doanh nghiệp gỗ, ông không khỏi trăn trở. Thời điểm 2012-2013, khi là Chủ tịch hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương, ngày nào ông cũng phải nghe tin doanh nghiệp trong ngành giải thể, đóng cửa. Ông bảo không có con số cụ thể, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 20% số doanh nghiệp chưa thể đứng dậy được.

Cũng vì vậy mà lợi thế đang nghiêng về doanh nghiệp ngoại. Ông Thành cho biết, thời điểm 2007, doanh nghiệp gỗ Việt Nam chiếm 60% thị phần xuất khẩu và chi phối đến 80% tại thị trường nội địa. Nhưng nay doanh nghiệp trong nước chỉ còn tham gia gần 35%, hơn 65% thuộc về doanh nghiệp FDI.

Ông bảo, điều mình muốn chia sẻ là lạm phát không phải do doanh nghiệp gây ra, nhưng khi lạm phát, chúng ta hay siết tiền tệ. Khi thắt chặt tiền tệ thì doanh nghiệp hứng chịu đầu tiên, bởi kế hoạch kinh doanh vỡ lở. Để chống lạm phát thì phải dùng nhiều giải pháp, trong đó siết tiền tệ nên thực hiện ở mức độ vừa phải.

Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, tại Bình Định. Năm 21 tuổi, đang là một giáo viên, ông Thành rời quê lên Tây Nguyên làm việc tại xưởng gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) thuộc Tổng đội TNXP TP HCM. Năm 1990, ông thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk. Năm 1999, doanh nhân này đầu tư nhà máy gỗ Trường Thành tại Bình Dương. Đây là doanh nghiệp Việt duy nhất đứng trong top 5 đơn vị xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam, cùng với 4 doanh nghiệp FDI.