Liên kết cùng nhau phát triển du lịch Tại hội thảo quốc tế “Liên kết du lịch Biển Đảo và Sông vùng ĐBSCL” ngày 28/5/2010 tại Phú Quốc –Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhận xét “…sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực đã làm giảm các giá trị sản phẩm du lịch. Đặc biệt do sự thiếu liên kết nên du lịch ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; hệ thống sản phẩm du lịch chưa độc đáo hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh…” Theo số liệu thống kê nắm được thì đến nay hầu như tất cả 13 tỉnh thành đều đã có ký kết văn bản liên kết du lịch với nhiều hình thức: Liên kết song phương, liên kết đa phương, liên kết cụm, vùng, liên kết với Tp.HCM và một số tỉnh miền Đông, liên kết với nước bạn KPC… với nội dung phong phú: Liên kết xây dựng qui hoạch (theo đề án phát triển du lịch ĐBSCL của Tổng Cục du lịch đã được Bộ VH-TT & DL phê duyệt), liên kết đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch, hội chợ triễn lãm…và chủ trương liên kết cũng đã lan tỏa rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn: Liên kết đầu tư nâng cấp, xây dựng khu điểm du lịch qui mô lớn, liên kết mở rộng tour tuyến du lịch nội địa và quốc tế, liên kết mở rộng khảo sát tiếp thị các thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương tránh được tình trạng sao chép trùng lặp và xâu chuỗi các sản phẩm đặc trưng này thành sản phẩm liên kết của cụm, vùng.
Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long – mắt xích kết nối hữu ích Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong công tác liên kết hợp tác biển đảo và sông ĐBSCL, liên kết khảo sát để xây dựng chiến lược “Ba quốc gia – Một điểm đến” với tuyến du lịch “Con đường tơ lụa trên biển giữa ĐBSCL – Campuchia và Thái Lan”. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã mở rộng liên kết với Hiệp hội Du lịch Tp.HCM, Đà Nẳng và Thủ đô Hà Nội, tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp quảng bá xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác mới tại thị trường miền Trung và phía Bắc. Đặc biệt vào tháng 7/2009 nhằm thực hiện quyết định 492 của Thủ Tướng Chính phủ, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã chủ trì lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch (thông qua kế hoạch hoạt động và thành lập Ban Điều phối) các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL: An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Tp.Cần Thơ. Vừa qua, cụm trưởng đơn vị An Giang đã tổ chức sơ kết đánh giá 1 năm hoạt động liên kết của 4 đơn vị, trong đó ngoài các mặt liên kết khác, nổi bật là thống nhất việc xác định sản phẩm du lịch đặc trưng và kết nối tour – tuyến giữa các địa phương. Các tour du lịch sông nước miệt vườn, MICE (Cần Thơ), du lịch tâm linh (An Giang), du lịch biển đảo (Phú Quốc, Hà Tiên – Kiên Giang), du lịch khám phá (U Minh- Cà Mau) được liên kết khai thác đạt hiệu quả tốt. Nhìn chung, chương trình Liên kết hợp tác du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL rất thiết thực và phù hợp theo yêu cầu thực tiển; Từ đó các địa phương đã khai thác tốt lợi thế và tiềm năng du lịch đặc trưng của mình, đồng thời dựa vào thế mạnh của nhau để cùng phát triển và góp phần đổi mới diện mạo du lịch cả khu vực đồng bằng. Kế tiếp đơn vị tỉnh Kiên Giang làm cụm trưởng chương trình. Đây là tiền đề tốt và cũng là bài học kinh nghiệm quí giá để ĐBSCL mở rộng thực hiện liên kết phát triển du lịch trên phạm vi toàn khu vực. Ba năm qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã thực hiện tốt vai trò cầu nối trong các mối liên kết hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng; là tiếng nói của doanh nghiệp trên các diễn đàn ngôn luận, trong các buổi hội nghị, hội thảo khu vực, trong nước và quốc tế… Hoạt động của Hiệp hội đã trực tiếp góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch tại ĐBSCL qua từng năm cụ thể như: cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng, doanh thu du lịch, lượng khách đến nhất là khách quốc tế có tỉ lệ tăng ngày càng cao so với thời gian trước khi Hiệp hội ra đời. Bước sang năm Rồng, một năm mới với nhiều thời cơ mới, du lịch đất 9 Rồng chắc chắn sẽ càng thêm khởi sắc và bay lên tầm cao mới, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL kiên định Liên kết phát triển du lịch là mục tiêu – hướng đi đúng của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Bằng các giải pháp: Đổi mới phương thức hoạt động- Hoàn thiện chức trách là tiếng nói hữu hiệu của toàn thể hội viên Hiệp hội - Nâng cao vai trò đầu mối liên kết hợp tác phát triển toàn diện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL mong được các Bộ ngành TW tiếp tục quan tâm giúp đỡ hỗ trợ, các địa phương tăng cường hợp tác và sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để cùng nhau góp phần tích cực tạo động lực nhanh chóng phát triển bền vững du lịch vùng ĐBSCL.
Phạm Phước Như Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL