Kẻ cắp xe đạp, Đổ xô đi tìm vàng và Cuốn theo chiều gió
Kẻ cắp xe đạp: (1948) Bicycle Thief dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Luigi Bartolini và được Cesare Zavattini chuyển thể thành kịch bản dưới bàn tay của đạo diễn Vittorio De Sica. Hai diễn viên chính là Lamberto Maggiorani trong vai ông bố khốn khổ và Enzo Staiola trong vai đứa con trai. Antonio Ricci là một người đàn ông thất nghiệp thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2 cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế Ý. Với vợ và 2 đứa con phải nuôi nấng, anh cố đi tìm một công việc. Sau cùng Ricci cũng xin được làm bưu tá cho bưu điện nhưng phải có xe đạp để di chuyển. Chẳng còn cách nào khác, vợ của Ricci đành phải bán tấm vải trải giường để có thể thêm tiền mua chiếc xe đạp mới. Trong ngày đầu tiên đi làm, Antonio không may đã bị kẻ cắp lấy mất chiếc xe quý giá, phương tiện và cánh cửa duy nhất để nuôi sống gia đình. Anh lang thang khắp ngôi chợ trời cùng cậu con trai Bruno và mọi thứ vẫn trở nên vô vọng dù có sự giúp sức từ cảnh sát. Trong cơn túng quẫn, Antonio quyết định lấy trộm một chiếc xe đạp của người khác những mong cứu vãn công việc và nuôi sống gia đình mình. Antonio đã bị bắt và sỉ nhục ngay trước mặt đứa con trai của mình… Một kết cục xót xa.
Đổ xô đi tìm vàng: (1925) Gold Rush là bộ phim hài câm được viết, sản xuất, đạo diễn và diễn xuất bởi Charlie Chaplin trong vai cậu Tramp – The Tramp. The Tramp đi đến Yukon để tham gia vào cơn sốt vàng Klondike. Thời tiết xấu đã giam cậu tại một cabin điều khiển có mặt người thăm quặng đã kiếm được một lượng vàng lớn (Mack Swanin) và một kẻ đang trốn chạy (Tom Murray). The Tramp đã chứng kiến người thăm quặng và kẻ trốn chạy đánh nhau vì số vàng và kết quả là người thăm quặng nhận một cú giáng vào đầu còn kẻ kia rơi từ vách đá xuống. Sau đó, The Tramp kiếm được công việc ở cabin điều khiển khác và anh ngỏ lòng yêu cô gái làm việc trong sa-lông tên Georgia Hale. The Tramp cũng hiểu lầm cô ấy cũng yêu anh. Trong quá trình cuốn theo cơn sốt vàng, The Tramp nhận ra mình đang bị người thăm quặng anh từng gặp trước đây theo dõi. Tên này muốn The Tramp giúp hắn tìm về cabin cũ hòng lấy số vàng hắn từng giấu.
Phiên bản mới của bộ phim ra rạp 1942 có nội dung khác một chút, thay vì The Tramp tìm thấy mảnh giấy từ Georgia làm anh hiểu lầm là nó dành cho mình, thì trong phần mới chính The Tramp tìm thấy mảnh giấy mà Georgia dành cho anh. Thay đổi lớn nữa là phần kết phim với hình ảnh Tramp giàu có đang trao cho Georgia một nụ hôn dài trên mạn tàu.
Cuốn theo chiều gió: (1939, 1940) Gone with the wind là bộ phim lãng mạn lịch sử Mỹ được sản xuất từ tác phẩm cùng tên của chủ nhân giải Pulitzer năm 1936 bà Margaret Mitchell. Phim được sản xuất bởi David O.Selznick, đạo diễn Victor Fleming từ kịch bản của Sidney Howard. Bối cảnh trong phim diễn ra vào thế kỉ 19 tại miền Nam nước Mỹ. Với diễn xuất của các diễn viên Clark Gable, Vivien Leigh, Leslie Howard, Olivia de Havilland và Hattie McDaniel, câu chuyện kể về cuộc nội chiến Mỹ và thời kỳ tái thiết đất nước. Scarlett là một thiếu nữ xinh đẹp luôn làm hút hồn các chàng trai và thay vì đón nhận tình cảm của họ cô lại giữ một tình yêu thầm kín với Ashley, người sẽ phải lên xe hoa cùng với Melanie. Rhett Butler, một nhân vật thứ 3 tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của Scarlett với Ashley khi cô bị từ chối tình cảm và hứa sẽ giữ kín điều này. Thông tin về cuộc nội chiến nổ ra đã là chất xúc tác khiến Scarlett nhanh chóng gật đầu với lời đề nghị kết hôn của chính em trai Melanie là Charles Hamilton. Nhưng cô cũng sớm trở thành góa phụ khi người chồng trẻ lên đường tham gia cuộc chiến và không bao giờ trở về. Lúc này nhân vật Rhett Butler bất ngờ xuất hiện và gặp lại Scarlett. Tuy có cơ hội gặp Ashley trong thời gian này nhưng Scarlett vẫn không thể giành trọn tình cảm của anh. Thành phố nơi cô sinh sống cũng bị đe dọa bởi phe đồng minh và một lần nữa Rhett trở thành người giúp đỡ cô. Sau những giằng co giữa hai bên đối lập, cuộc chiến dần kết thúc, Ashley trở về nhưng Scarlett nhận ra rằng cô khó có thể sở hữu hoàn toàn trái tim của anh. Cuộc đời truân chuyên của Scarlett tiếp tục với cuộc hôn nhân với Frank Kennedy – người đã đính ước với chị gái cô và Scarlett trở thành bà Kennedy giàu có. Nhưng Kennedy cũng sớm bị giết bởi quân địch. Tại đám tang người chồng thứ hai, Rhett xuất hiện ngỏ lời cầu hôn với Scarlett và thêm một lần nữa số phận của cô gái xinh đẹp lại tiếp tục vòng xoáy hôn nhân. Những đổi thay của cuộc sống, sự ra đời rồi ra đi của đứa con giữa Rhett và Scarlett cùng tình yêu dai đẳng của cô với Ashley đã đẩy mọi thứ trở nên phức tạp. Một lần nữa cô gần như mất tất cả khi Rhett quyết định ra đi và Scarlett đã tìm ra ánh sáng cuối đường hầm: trở về nhà!
Hơi thở của thời đại
Ba bộ phim kinh điển tuy ra đời trong thời gian khác nhau nhưng đều được các nhà phê bình điện ảnh và người yêu điện ảnh đánh giá cao. Hơi thở thời đại được thổi vào trong phim một cách nồng nàn và khiến người xem luôn cảm thấy gắn bó tình cảm của mình với các nhân vật.
Ở Kẻ cắp xe đạp là giai đoạn nước Ý sau chiến tranh thế giới thứ 2 đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bộ phim được quay chính ngay tại Rome và thay vì sử dụng các diễn viên chuyên nghiệp đạo diễn đã sử dụng diễn viên nghiệp dư chưa từng qua trường lớp diễn xuất. Lamberto Maggiorani người thủ vai ông bố Antonio chính là một công nhân làm việc trong nhà máy ngoài đời thật. Cách suy nghĩ và thể hiện của diễn viên Lamberto được thể hiện chân phương khiến không khí phim như hiện thực vậy. Người xem sẽ không thể nào quên hình ảnh Antonio bị đám đông vây đánh vì tội ăn cắp xe đạp. Người chủ xe nhìn thấy cậu con trai Bruno tội nghiệp bất lực nhìn cha mình nên đã quyết định không đưa Antonio đến đồn cảnh sát. Hai cha con bước đi trong sự phũ phàng nhưng vẫn còn đó bàn tay nhỏ bé của Bruno nắm lấy tay cha mình động viên. Đó không chỉ là hình ảnh của riêng Antonio mà còn là hoàn cảnh của nhiều người dân Ý trong giai đoạn hậu thế chiến, bí bách, hỗn loạn nhưng phảng phất đâu đó vẫn còn có những con người vị tha. Một thế hệ mới cũng sẽ lớn lên và hiểu rõ sự vất vả của người đi trước. Kẻ cắp xe đạp giành được giải thưởng danh dự của Viện Hàn Lâm năm 1950 và chỉ 4 năm sau khi phát hành, bộ phim đã có mặt trong danh sách những tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại của tạp chí Sight and Sound bình chọn bởi các nhà làm phim và phê bình phim vào năm 1952. Trong những năm 1949-1951 bộ phim đã giành nhiều giải thưởng danh giá tại liên hoan phim quốc tế Locarno, Thụy điển (1949), giải thưởng của hiệp hội phê bình phim New York cho đạo diễn xuất sắc nhất (1949), Oscar cho phim nói tiếng người ngoài hay nhất (1950), Giải Sói vàng tại liên hoan phim Bucharest cho tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất, giải BAFTA cho phim xuất sắc nhất (1950), Quả cầu vàng (1950), giải Kinema Junpo – Nhật bản cho bộ phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (1951)…
Không giống như Kẻ cắp xe đạp, Đổ xô đi tìm vàng – Gold Rush do chính đạo diễn Charlie Chaplin thủ vai chính lại mang đến nhiều tiếng cười qua cách diễn xuất dí dỏm của vua hề. Bộ phim phản ánh về một thời cơn sốt vàng đã khiến cả nước Mỹ điên đảo. Những cuộc đi tìm vàng đã làm cho con người bị biến chất trở nên thủ đoạn và tàn nhẫn với nhau. Nhưng trong cơn sóng vàng hỗn loạn ấy, người ta vẫn thấy một The Tramp chân thành với tình yêu. Bản phát hành năm 1942 đã được đạo diễn sửa lại và cho người xem một kế cục có hậu hơn khi tình yêu đã đơm hoa kết trái với mối tình nồng ấm giữa The Tramp và cô nàng Georgia xinh đẹp. Tuy gây hài nhưng Gold Rush để lại đằng sau tiếng cười nhiều ẩn ý. Có chút mằn mặn và đắng đắng sau ánh mắt của The Tramp và cũng là của không ít những số phận gửi gắm cuộc đời mình trong những mỏ vàng những mong thay đổi cuộc sống. Với bản phim ra đời năm 1925, Đổ xô đi tìm vàng đã được rất nhiều nhà phê bình phim ca ngợi trong đó có Mordaunt Hall viết trên tờ The New York Times: “Đây là bộ phim đầy chất thơ, cảm động, tinh tế và là tác phẩm đỉnh cao của Charlie Chaplin”. Năm 1958, tại Brussels – Bỉ, các nhà phê bình đã bình chọn bộ phim là tác phẩm xuất sắc thứ 2 trong lịch sử điện ảnh. Năm 1992, Đổ xô đi tìm vàng cũng được lựa chọn để đưa vào thư viện phim quốc gia Mỹ như là một phần của văn hóa lịch sử đất nước. Mặc dù là bộ phim câm nhưng bộ phim từng được để cử giải Oscar cho hạng mục ghi âm tốt nhất cho bản phim ra đời năm 1942. Trong các năm 1998, 2000, 2007 Gold Rush luôn có mặt trong top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại do AFI bình chọn.
Nếu như bi và hài dành cho Kẻ cắp xe đạp và Đổ xô đi tìm vàng thì Cuốn theo chiều gió luôn được xem là bộ phim kinh điển cho thể loại phim lãng mạn tình cảm. Cuộc nội chiến nước Mỹ được lồng vào phim một cách khéo léo và như sợi dây định mệnh cứ kéo các nhân vật vào vòng xoáy của nó. Các nhân vật trong phim được trau chuốt đến từng bộ quần áo, điệu bộ và cử chỉ mang đến cho người xem không khí của những năm trước trong và sau cuộc chiến. Cuộc đời nàng Scarlet cũng vì thế mà thăng trầm với bao cảm xúc yêu thương, hạnh phúc, đam mê, đau khổ…và đó cũng là hoàn cảnh của nhiều phụ nữ trong giai đoạn lịch sử đó. Tuy là bộ phim mang đầy chất thi ca nhưng nó cũng ẩn chứa thông điệp hết sức mạnh mẽ, khẳng định chiến tranh luôn mang đến sự chia cắt và dằn vặt, để lại hậu quả dài lâu. Bộ phim giành 10 giải thưởng của Viện Hàn Lâm Mỹ trong đó có 8 tượng vàng tranh giải và 2 tượng vàng tôn vinh. Một kỷ lục đứng vững suốt 20 năm trước khi bộ phim Ben-Hur phá vỡ năm 1960. AFI (Amerian Film Institute) đã xếp bộ phim trong top 100 tác phẩm hay nhất mọi thời đại ở vị trí thứ 4 năm 1998. Bộ phim cũng có thời lượng dài nhất trong lịch sử phim có âm thanh của điện ảnh Mỹ với 3 giờ 44 phút và 15 phút giới thiệu. Cuốn theo chiều gió là một trong những tác phẩm màu đầu tiên của nghệ thuật thứ 7 tại Hoa Kỳ và tất nhiên giành luôn giải Oscar đầu tiên cho quay phim xuất sắc ở thể loại phim màu.
Ba tác phẩm, ba thông điệp nhưng có cùng điểm chung là phản ánh thực tại của cuộc sống qua lăng kính máy quay và đưa lên màn ảnh rộng những thước phim còn mãi với thời gian. Những giải thưởng danh giá chính là minh chứng cho sự xuất sắc của các tác phẩm được mệnh danh là kinh điển và chắc chắn khi nhắc đến mỗi giai đoạn trong lịch sử, người xem lại có dịp bắt nhịp cùng thời đại thông qua các bộ phim.
An Nam