Giấy – Bút – Mực – Nghiên – bộ văn phòng tứ bảo của thư pháp
Viết chữ thư pháp nghe có vẻ đơn giãn nhưng thực sự nó là cả một kỳ công mà buộc người chơi phải có nhận thức, tâm lý ổn định, không ngừng học hỏi và đặc biệt không thể thiếu bộ văn phòng tứ bảo gồm: giấy (chỉ), mực (mặc), nghiên (Nghiễn) và bút. Đối với người chuyên thư pháp thì họ dùng giấy Tuyên hay còn gọi là giấy Xuyến chỉ. Đây là loại giấy mỏng dùng cho thư pháp, hội họa và được chia thành hai loại: Sinh chỉ (giấy sống, dùng cho thư pháp) và Thục chỉ (giấy chin, chủ yếu dùng trong hội họa). Giấy Tuyên ra đời từ thời nhà Đường, được làm từ nguyên liệu chính là gỗ thanh đàn, ngoài ra người ta còn dùng nhiều loại khác để làm như gỗ dâu, tre gai. Giấy Tuyên được hoàn thành sau 18 công đoạn, nhưng nếu chi tiết hơn có thể lên đến hàng trăm công đoạn. Thường là lấy gỗ về, hấp chín, bỏ vỏ, phơi khô, loại bỏ tạp chất, tẩy trắng, xé sợi, phơi khô lần nữa cho ra sợi trắng. Sau đó dùng sợi gia công làm thành giấy, trong đó có những công đoạn “tuyệt mật” không được lưu truyền. Tại Việt Nam, thư pháp thường được viết trên giấy dó, nhưng khổ của chúng thường được sản xuất theo khổ in tranh nên các nhà thư pháp Việt vẫn phải sang tận Trung Quốc để tìm mua giấy Tuyên.
Cũng giống như giấy, mực dùng để viết thư pháp có 2 loại: mực nước và mực thỏi. Mực thỏi có chất keo, loại tốt thường có mùi xạ hương. Khi viết xong dù bồi tranh chữ vẫn không bị nhòe. Trong khi đó mực nước tiện dụng hơn nhưng không đủ độ sánh. Do đó khi dùng thì người chơi thường mài thêm mực thỏi để tăng độ sánh. Trong thư pháp cách dùng mực cực kỳ quan trọng, tạo ra hiệu quả khác nhau trong từng chất liệu hay loại giấy. Người trong nghề gọi cách dùng mực là mặc pháp. Trước khi viết, người viết thường mài mực, ngoài tạo độ sánh cho mực thì đây cũng là cách rất tốt để tập cổ tay trước khi viết chữ.
Nghiên mực có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả đều có chung là độ nghiên nhỏ cho mực đọng về một phía. Khi mài mực thì nhỏ một vài giọt mực nước (mặc trấp) vào cho hơi ướt đáy nghiên. Khi mài, thỏi mực phải được mài theo chiều kim đồng hồ, thỉnh thoảng nhỏ thêm vài giọt mặc trấp. Đối với những người “thâm niên” khi mài mực dùng vừa đủ vì nếu mài mực nhiều quá khi không dùng hết mực sẽ đọng thành vẩy và cặn trên nghiên.
Bút dùng trong thư pháp có nhiều loại: tiểu, trung, đại. Lông bút có loại cứng (như lông sói) và loại mềm (như lông thỏ) và có loại pha trộn theo tỉ lệ để thích hợp. Không giống như các loại bút thông thường, mao bút của Trung Quốc có thể vừa dùng để vẽ tranh vừa dùng để viết chữ và khi viết thư pháp người chơi thường dùng bút lông sói. Đối với những người tập thư pháp thì nên dùng bút loại trung và bắt đầu từ chữ Khải. Vì chữ Khải to, điều này rất có ích cho người mới tập vì khi đó người tập mới nghiên cứu được bút pháp và các bút thế. Bút lông có nhiều bộ phận: đào tuyến (sợi dây nhỏ dùng để treo bút lên), bút quản (quản bút, làm bằng trúc), bút hào (búp lông, giống hoa sen chưa nở), bút căn (phần búp lông dính với quản bút), bút đỗ (bụng búp lông), bút phong (ngọn bút), bút mạo (nắp bút).
Công phu chơi chữ
Khi đã có đủ bộ văn phòng tứ bảo thì một trong những bước quan trọng nhất để cho chữ viết đẹp là cách cầm bút hay còn gọi là Chấp Bút Pháp. Cách cầm bút do Lục Hy Thanh đời Đường sáng tạo ra. Năm ngón của bàn tay lần lượt có tên là: Mẫu chỉ (ngón cái), thực chỉ (ngón trỏ), trung chỉ (ngón giữa), vô danh chỉ (ngón áp út), tiểu chỉ (ngón út). Năm ngón tay cũng ứng với năm chữ (ngũ tự): Yếm (ngón cái ép vào quản bút), Áp (ngón trỏ ép vào quản bút, đối ứng với ngón cái), Câu (ngón trỏ tựa vào quản bút, dùng móc phần quản bút có búp lông hướng vào lòng bàn tay), Cách (móng tay ngón áp út áp vào quản bút), Để (ngón út ép sát vào ngón áp út để trợ lực cho ngón áp út). Tùy theo cỡ chữ và loại bút mà cách cầm bút cũng khác nhau nhưng cách đơn giản nhất là cách cầm bút theo đúng Chấp Bút Pháp. Khi chấp bút phải nhớ khẩu quyết “chỉ thực, chưởng hư” tức là ngón tay áp vào bút, còn lòng bàn tay thì trống rỗng, đồng thời ngón cái và ngón trỏ tạo thành mắt phượng hoàng (phương nhãn) khi nhìn nghiên.
Khi viết, kỹ pháp của cổ tay hay còn gọi là Oản Pháp cũng có ảnh hưởng quyết định đến sự “thành bại” của tác phẩm. Oản Pháp dựa trên 3 tiêu chí chính gồm Chẩm Oản (gối cổ tay), Huyền Oản (treo cổ tay) và Đại Huyền Oản (treo hổng cổ tay). Trong đó, Chẩm Oản tức là bàn tay trái úp và lót dưới cổ tay bàn tay phải, hay cổ tay phải gối nhẹ lên bàn tay trái và trượt nhẹ trên đó khi viết chữ. Huyển Oản hay còn gọi là Đề Oản là cổ tay lơ lững không tựa vào đâu cả nhưng khuỷu tay thì chạm nhẹ mặt bàn. Khi viết chữ người chơi chuyển động cả cánh tay, cổ tay và ngón tay. Đại Huyền Oản là toàn bộ cánh tay không tựa vào đâu cả. Khi viết người chơi chuyển động cả cánh tay, cổ tay và ngón tay. Mỗi kĩ năng trên dùng để viết một dạng chữ lớn nhỏ khác nhau. Một điều đặc biệt đối với người viết chữ thư pháp là Nhãn Pháp, khi viết người viết phải tập trung nhìn thẳng vào chữ không được nhìn nghiêng.
Đối với người chơi chữ thư pháp thì Thân pháp gồm: thế ngồi và thế đứng cũng cực kỳ quan trọng. Theo những nhà thư pháp lão làng thì thế ngồi đúng là ngồi ghế, đầu ngay ngắn, hai vai ngang nhau, lưng thẳng, không tỳ ngực vào bàn, hai chân để tự nhiên, không vắt tréo chân, không run đùi, tay trái đặt trên tờ giấy… Trong khi đó thế đứng phức tạp hơn khá nhiều. Tùy theo người chơi viết chữ to hay nhỏ mà có thế đứng khác nhau. Nếu là chữ to (đại tự) thì chữ vuông ít nhất là 10cm, lúc này người chơi có thể đứng hai chân song song, khoảng cách hai bàn chân bằng vai hoặc đứng chân phải trước chân trái sau. Khi đứng thân hình phải ngay, trầm tĩnh và khi viết dùng Đại Huyền Oản.
Khi đã có Thân pháp vững vàng thì Bút pháp sẽ thanh thoát. Tuy nhiên đây lại là một trong những vấn đề khó nhất đối với người chơi thư pháp. Bút pháp được chia thành nhiều bước và nhiều gia đoạn khác nhau. Bút pháp được chia thành: khởi bút, hành bút và thu bút, tàng phong và lộ phong, trung phong và trắc phong, triết phong và chuyển phong, đề bút và án bút, trú bút và quá bút, thuận bút, không hành. Khởi Bút hay còn gọi lạc bút hay hạ bút có ba cách thực hiện, trong đó cách 1 và cách 2 gọi là hồi phong. Hành bút là bước trung gian giữa khởi bút và thu bút, đây là bước tạo re nét chữ và Thu bút là bước cuối cùng để kết thúc một chữ viết.
Tàng phong hay ẩn phong hoặc nghịch phong là hướng bút ngược lại chiều muốn kéo (nghịch phong). Khi thu bút người chơi hướng ngược chiều đã kéo (hồi phong). Tàng phong làm cho nét chữ đầy đặn, khí lực sung mãn, ngoài nhu trong cương. Lộ phong hay xuất phong là để lộ nét bút do lúc khởi bút ta không tàng phong và là thu bút không hồi phong. Trung phong hay chính phong là khu búp lông vuông góc với mặt giấy, ngọn bút nằm chính giữa nét bút, tạo cho chữ đầy đặn và đây là bước quan trọng cho những người mới chơi chữ. Khác với trung phong, trắc phong là búp lông đứng xiên với mặt giấy, ngọn bút nằm ở cạnh nét bút và khi tập người chơi không dùng cách này.
Chiết phong và chuyển phong thì tạo ra sự vuông – tròn cho chữ viết hay tạo nét gấp và nét cong cho chữ. Trong khi đó, đề bút tạo nét đầy đặn do ngọn bút được kéo nhẹ nhàng trên mặt giấy, còn Án bút thì ấn ngọn bút tạo ra nét thô, đậm. Trú bút được dùng ở các chỗ cuối nét hay ở góc cạnh chữ, trong khi quá bút tạo re tiết tấu với sự linh hoạt của người chơi.Thuận bút được dùng để hợp với quy tắc viết chữ, tức là tùy theo thư thể mà thứ tự nét bút phải thuận. Còn Không hành trước khi hạ bút, người chơi thường viết thử phía trên của mặt giấy, ước lượng kết cấu của chữ và bố cục của tấm thư pháp.
Thư pháp là nơi khẳng định “đẳng cấp” của các học sĩ ngày xưa, nhất là đối với thư pháp chữ Hán. Ngày nay, số lượng người có thể viết được thư pháp chữ Hán không nhiều bởi quá trình tập luyện gặp khó khăn và phong trào thư pháp chữ Việt đang phát triển. Tuy nhiên, đối với những người “yêu chữ” thì thư pháp chữ Hán luôn có sức hút kì lạ và không bao giờ có điểm dừng, bởi khác với chữ Việt, mỗi thời kỳ, mỗi triều đại phát triển của lịch sử Trung Hoa luôn có một cách viết và một chữ viết khác nhau. Vì vậy để học và hiểu hết cả một kho tàng chữ thư pháp phong phú thì một đời người có khi còn quá ít.
Khi học thư pháp nhất thiết phải có từ điển thư pháp, đặc biệt là khi học thư pháp chữ Hán. Theo nhưng thư pháp gia thì đối với người Trung Quốc để học được chữ thư pháp thì trình độ của người đó ít nhất phải là Đại học về ngôn ngữ hay văn chương. |
Toàn Nguyễn