Ông Kim hiện là giáo sư đại học và diễn giả. Ảnh: The Korea Herald. |
Có nhiều từ để miêu tả người đàn ông tài năng Kim Ung-yong: Thần đồng Hàn Quốc, nhà nghiên cứu của NASA, diễn giả và giáo sư đại học. Hành trình cuộc đời của ông Kim từ cậu bé thần đồng đến một người mong muốn cuộc sống bình thường có vẻ là một nghịch lý. Ngày nay, người Hàn Quốc vẫn nhớ tới thông điệp nổi tiếng của ông Kim: “Là người đặc biệt không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời bình thường”.
Ông Kim Ung-yong, hiện 52 tuổi, từng được sách Kỷ lục Guinness ghi danh là người thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ 210. Kim thể hiện tố chất thông minh ngay khi chào đời không lâu.
Chưa đầy 12 tháng, Kim biết nói và 24 tháng đã có thể đọc lưu loát tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh. Những năm đầu đời, Kim còn làm thơ và vẽ tranh. Từ năm 3 tuổi đến năm 6 tuổi, Kim là sinh viên ngành vật lý tại Đại học Hanyang. Kim từng xuất hiện trên chương trình truyền hình Nhật Bản để giải phương trình phức tạp khi mới 7 tuổi.
Kim được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mời về làm nghiên cứu tại đây năm 8 tuổi. Kim cũng có bằng tiến sĩ vật lý tại Đại học Colorado. Sau một thập kỷ làm việc ở NASA, Kim nghỉ việc để về Hàn Quốc. Kim gọi khoảng thời gian 10 năm ấy là những năm đơn độc.
“Thời điểm đó, cuộc sống của tôi giống như một cái máy: thức dậy, cân bằng phương trình, ăn rồi ngủ. Tôi thực sự không biết mình đang làm gì. Tôi cô độc và không bạn bè”, Kim tâm sự.
Với Kim, được ở gần mẹ là yếu tố quyết định khiến ông từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, sự trở về của Kim thời đó được báo chí nước này rất quan tâm.
“Tôi phát ốm và mệt mỏi khi lại trở thành tâm điểm. Tôi cảm thấy mình giống như một con khỉ trong vườn thú. Khi ấy chưa có Twitter hay phần mềm chat yahoo nên báo giấy vẫn quyền lực hơn cả. Tôi đoán một số người thậm chí còn bắt đầu bảo tôi là tâm thần phân liệt. Tôi không muốn ai chú ý đến mình cả”, Kim cho hay.
Kim xuất hiện trên truyền hình của Nhật Bản năm 1969 khi đang giải toán. Ảnh: The Korea Herald. |
Kim muốn có công việc ở Hàn Quốc nhưng cần phải có bằng tốt nghiệp các cấp. Vậy là thần đồng lại đi học từ đầu. Chỉ trong vòng một năm, Kim học xong chương trình cấp một và trung học cơ sở. Năm tiếp theo, ông hoàn thành bậc trung học phổ thông rồi sau đó học đại học tại một trường ở ngoại ô thành phố Seoul để tránh bị chú ý.
Quyết định rời NASA, học trường đại học ít danh tiếng và trở thành nhân viên công ty của Kim khiến nhiều người ngạc nhiên. Truyền thông Hàn Quốc gọi ông là “thần đồng thất bại”. Nhưng với thần đồng được gọi là thất bại, cuộc sống của ông là bất cứ thứ gì, trừ sự thất bại. Kim hạnh phúc khi được là nhân viên công ty bình thường. Thần đồng cho hay mọi người kỳ vọng ông trở thành nhân viên cấp cao trong chính phủ hay một công ty lớn nhưng Kim không nghĩ vậy.
“Tôi cố gắng nói với mọi người rằng tôi hạnh phúc với con đường mình chọn. Tại sao mọi người lại gọi niềm hạnh phúc của tôi là một sự thất bại?”, Kim tâm sự.
Kim luôn xem cuộc sống của ông là một sự thành công. Không nhiều người làm những thứ mà họ thực sự muốn làm, nhưng Kim thì có. Theo Korea Herald, ông Kim năm ngoái trở thành giáo sư tại Đại học Shinhan ở tỉnh Gyeonggi. Ngoài ra, ông còn là giảng viên bán thời gian của nhiều đại học danh tiếng, trong đó có Yonsei, Sunkyunkwan và KAIST.
“Tôi rất phấn khích khi dạy tại trường đại học, công việc từ lâu đã là giấc mơ của tôi. Tôi sẽ cống hiến hết mình để truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau”, Kim nhắc tới công việc giảng dạy của mình.
Từng được ghi danh là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới nhưng ông Kim nhận ra sự thành công về học vấn không phải là thước đo một con người. Ông Kim cũng đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh, những người rất háo hức học cách nuôi dạy con mình trở thành thiên tài. Theo đó, điều tốt nhất bố mẹ có thể làm cho con cái, với tư cách là đấng sinh thành, là hỗ trợ và hướng dẫn chúng tự đạt được mục đích từng bước một.
Tự đi trên hành trình của mình, trẻ cuối cùng sẽ phát hiện ra chúng muốn đạt được điều gì trong cuộc sống. Cha mẹ nên dõi theo và để con tự tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của chúng. Ngoài ra, theo quan niệm của mình, ông Kim cũng khẳng định cuộc sống thiếu các mối quan hệ sẽ thật vô ích.
Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc thuộc loại cao nhất thế giới. Theo ông Kim, đó là kết quả của thực tế. Chúng ta đang mất đi cảm giác hy vọng và quên cách mơ ước. Chúng ta cần tìm ra hạnh phúc thực sự và thay đổi cách suy nghĩ, không nên theo những quy tắc xã hội cố hữu mà hãy sáng tạo cái mới.
Cộng đồng mạng bày tỏ sự ủng hộ ông Kim, đồng thời giận dữ khi truyền thông và xã hội nói chung có cách hành xử sai lầm. Một người dùng mạng có tên Youn để lại bình luận trên Naver, một trong những trang xã hội nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc: “Ông ấy không thất bại mà thành công hơn bao giờ hết khi tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống”.