Kuta Lombok – Thiên đường bên vành đai núi lửa

Guyan – Hướng dẫn viên (HDV) của Hiệp hội Du lịch Lombok đón chúng tôi ngay tại sân bay Bandara Internasional Udara Lombok Baru vừa mới hoàn thiện nhưng tôi cảm nhận mùi vôi vữa hăng nồng trong cái nắng óng ả, chiếc xe bus hai tầng phả từng làn hơi mát lạnh khiến tôi cảm thấy đỡ mệt hẳn sau chuyến bay khá dài. Đường phố của Lombok êm dịu và bình thản đón những lữ khách miền xa đang trốn nắng trong xe và tranh thủ chụp những tấm hình sinh hoạt của cư dân trên đảo. Đây đó trên phố, những sắc áo màu sặc sỡ truyền thống Sasak làm vui vui mắt. Xa mờ xa, ngọn núi thiêng Rinjani cao tới 3.726m ẩn hiện trong làn mây mù mênh mông do làn hơi của núi lửa vẫn còn lan tỏa khiến ta cảm thấy Thần núi vẫn đang ở đâu đây và lắng nghe những lời cầu nguyện của người dân Bali và Saksa thành tâm khấn vái. Nếu bạn làm một cuộc hành hương lên đỉnh núi thần này,  từ vách núi, bạn có thể phóng hết tầm mắt về bốn hướng để chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh vật trải dài từ phía bắc Lombok  cho đến Gunung Agung ở Bali.


Guyan cho tôi biết – Lombok là một hòn đảo ở tỉnh West Nusa Tenggara của Indonesia và địa danh này cách Bali ở phía Tây bởi eo biển Lombok và phía Đông với Sumbawa bởi eo biển Alas. Do nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nên  Kuta là nơi nổi tiếng với bãi biển trải dài vô tận và bầu không khí trong lành. Nếu Bali nổi tiếng là đảo nhộn nhịp với các câu lạc bộ luôn họat động 24/24 thì bãi biển Kuta Lombok nằm chếch về phía Nam đảo Bali lại cho bạn cảm giác yên bình, thoải mái và hoàn toàn tách biệt với cuộc sống hối hả. Ở đây, cảnh quan thiên nhiên và phong tục truyền thống của người Saksa vẫn được duy trì và bảo tồn không thay đổi trong hàng chục thế kỷ. Khi tham quan một cửa hàng nho nhỏ bán đồ ăn và cả những thứ khác trông giống như một tiệm chạp phô của người Hoa tại Chơ Lớn, tôi đã rất thích thú khi được biết gia đình này đã có hàng trăm năm bán các mặt hàng truyền thống do chính các thành viên trong gia đình tự sản xuất và kế thừa cho đến ngày nay.


 

Thăm biển Mawi


Để đến bãi biển Mawi, chúng tôi quyết định thuê xe máy với giá 150.000 rupiah/ngày và lái xe qua nhiều vùng địa hình núi non để chiêm ngưỡng thắng cảnh, Điểm độc đáo của Mawi là bên trên và xung quanh sườn đồi có rất nhiều điểm du lịch văn hóa đặc sắc như các đền thờ “tôtem” của  người dân Saksa và cả những đền thờ mang màu sắc Ấn giáo, Hindu, Hồi giáo. Trời thật nóng, bên đường, những gian hàng nho nhỏ bày bán dừa tươi, nước suối và dứa khiến chúng tôi không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của hoa quả miền nhiệt đới, ngửa cổ thưởng thức vị ngọt của trái dừa mát lạnh, chúng tôi được cô bán nước tư vấn mua thêm trái cây để ăn lấy sức vì nếu muốn khám phá các vịnh nhỏ của Mawi xinh đẹp thì cần phải “thủ” thêm thức ăn vì khoảng cách địa lý vẫn còn xa và trời thì quá nóng nên rất dễ bị háo nước.
Thật vậy, sau khi chinh phục đoạn đường xe và phải lội bộ gần 5km, Mawi hiện ra trong mắt tôi thật nên thơ với những bãi cát trắng mịn cùng những con sóng oai phong đánh bọt tung trắng xóa vào những hòn đá lô nhô lên mặt nước.


 

Đi chợ “bò”!


Hôm sau, Guyan đưa chúng tôi đi chợ “bò” – một loại chợ chỉ bán duy nhất một sản phẩm là bò còn sống! Khởi hành từ sáng sớm, chiếc xe bemo đưa nhóm chúng tôi đi khi mặt trời vẫn chưa ló dạng, nhưng trên phố, từng đoàn người Hồi giáo đang vội vã đi đến thánh đường thành tâm cầu nguyện. Lúc này, du khách cũng đổ xô đến đây để chiêm ngưỡng nét văn hóa đặc sắc và tranh thủ chụp hình bên các thánh đường Hồi giáo nguy nga cổ kính, chụp vội vài “pô” chúng tôi tiếp tục đi đến chợ Bò, thích thú khi được hòa mình trong muôn ngàn sắc áo sặc sỡ của nhiều sắc tộc đến đây mua sắm.
Rời chợ Bò, chúng tôi đòi Guyan dẫn đi chợ địa phương để tìm kiếm vài món đồ lưu niệm lạ và độc, nói chung chợ ở Kuta cũng giống giống bao khu chợ thuộc khu vực Đông Nam Á mà tôi đã có dịp thăm viếng, không khí chợ rất náo nhiệt, ồn ào và vội vã. Len lỏi trong chợ, mùi thuốc nồng say từ những chồng lá thuốc được thái thật mịn nhuyễn, chất ngất như núi trước một người đàn ông với chiếc nón Hồi giáo; phụ nữ gồng gánh những chú gà trong những chiếc giỏ lợp lá cọ, dọc dài hai bên đường vào chợ là  những tấm bạt trải dài bày đầy rau quả nhiệt đới như cà chua, bầu bí, rau xanh… và ê hề trái cây nhiệt đới, xen lẫn trong gió là mùi hải sản nồng nồng hương biển do các ngư dân sau một đêm thả câu và lặn biển cũng góp mặt họp chợ cho bao người dân có một bữa ăn ngon lành.

 

Thăm đảo Gili!


Hôm sau, chúng tôi khởi hành bằng phà thăm đảo Gili. Thực ra tên riêng của mỗi đảo là Air, Meno và Trawangan vì trong ngôn ngữ của người Sasak, Gili nghĩa là “đảo”. Được biết, để bảo tồn cho các đảo san hô chính phủ không cho phép các phương tiện có động cơ hoạt động trên đảo, vậy là chúng tôi thuê xe đạp để trekking bãi biển. Gili được chú trọng phát triển chủ yếu với dịch vụ lặn biển, yoga và spa với mục đích có thêm nguồn thu ngân sách bằng dịch vụ du lịch mà vẫn bảo tồn được thiên nhiên không bị cạn kiệt.


Nhưng nét độc đáo của KuTa Lombok là trong tháng 2 hoặc tháng 3 (theo dương lịch –còn theo lịch của người Saksa thì lễ hội này bắt đầu vào ngày19/10). Vào ngày này cá Nyale từ biển sâu sẽ trồi lên mặt biển để tụ họp và giao phối. Người saksa tin rằng ăn cá Nyale sẽ có một khả năng sinh sản dồi dào. Trong những ngày này, ở Kuta sôi động nhộn nhịp vì có cả ngàn ngư dân về đây thực hiện nghi thức lễ hội đánh cá Nyale, họ ca hát, cầu thần biển với những nghi thức truyền thống Saksa rất vui và lạ. Kế tiếp đó các thuyền câu sẽ ra biển để thực hiện nghi thức thả lưới mẻ đầu tiên, đặc biệt những chú cá Nyale trong mẻ lưới đầu tiên sẽ được dùng trong buổi tiệc lúc hoàng hôn qua phong tục nướng trên đá nóng.

Đến Kuta Lombok
Bạn có thể bay đến Denpasar, Bali sau đó đi xe taxi đến cảng Padangbai. Đi phà trong khoảng 3,5 đến 5 tiếng đến cảng Lembar ở Lombok. Hoặc bạn có thể bay từ Denpasar, Bali đến sân bay Mataram, Lombok và sau đó đi xe bemo hay taxi đến bãi biển Kuta. 
 Món ăn truyền thống của Kuta Lombok thường là cơm vàng (giống cơm chiên) và Satay (món gà nướng có vị riêng đặc biệt). 
Lưu niệm: chủ yếu là các tượng gỗ chạm trổ rất công phu, tuy nhiên giá cả của Indonesia khá đắt đỏ với  đơn vị tiền tệ là rupiah. 1USD =10.000rupiah

 

Quỳnh Dương