Đồ sứ của cung đình
“Đồ sứ men lam Huế” mà người ngoại quốc gọi là “Bleu de Hué” (Pháp) hay “Huê blue” (Anh) dùng để chỉ những loại sứ “ký kiểu” của thời Lê Trịnh và triều nhà Nguyễn được sản xuất từ Trung Quốc theo đơn đặt hàng của nước ta. Tuy nhiên, cũng có người gọi là “đồ chàm Huế” hay nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì dùng cụm từ “đồ sứ ngự dụng và quan dụng thời Lê – Nguyễn” và “đồ sứ ký kiểu thời (Lê) Nguyễn”.
Sứ là đồ gốm làm bằng đất trắng có tráng men, dù vậy chữ “sứ” trong thuật ngữ đồ sứ “ký kiểu” thì vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có người cho rằng “đồ sứ” là đồ bằng sành thượng hạng do các sứ đoàn ngoại giao mang về từ các nguồn ký kiểu ngoại giao. Ý kiến khác nhận định đồ sứ của người Việt được Trung Quốc gọi là “từ khí”. Chữ “từ” và chữ “sứ” (sứ bộ) được người Trung Quốc phát âm khá giống nhau và giống như âm đọc chữ “sứ” của người Việt. Lâu dần, chữ “từ” bị hiểu nhầm sang chữ “sứ”… Đồ sứ chỉ thật sự hưng thịnh thời nhà Nguyễn, nhất là dưới đời Minh Mạng và Tự Đức. Lúc bấy giờ đồ sứ được trang trí bằng một thứ men lam mà ta thường gọi là men xanh. Nhưng “men lam” ở đây không có nghĩa là “men màu lam” mà phải hiểu theo nghĩa chuyên môn của kỹ thuật tạo tác đồ sứ “màu lam phủ men”. Nghệ nhân thực hiện các họa tiết trang trí lên cốt sứ bằng loại màu hồi thanh, sau đó phủ men rồi mang nung. Chính vì vậy mà màu xanh của đồ sứ nhờ đó trở nên trong, đượm, và không phai màu vì ít bị cọ sát.
Đồ sứ lam xuất hiện khi vua Gia Long cho xây dựng trên đồi Long Thọ một lò làm gốm và gạch men và mời các thợ có tay nghề từ Quảng Châu (Trung Hoa) sang điều hành và hướng dẫn cho các thợ người Việt Nam. Tuy vậy, lò gốm này cũng chỉ sản xuất được gốm gia dụng bản địa chứ chưa sản xuất được sứ cao cấp. Bên cạnh đó, Huế cũng không có chất màu men lam nên màu xanh ta thấy là do chất màu cobalt lấy từ khổng tước thạch. Còn những loại đồ sứ bảo lưu cho đến ngày nay thường là những loại được đặt mua tại Trung Quốc, đặc biệt là gốm tráng men Giang Tây.
Màu men sứ cũng là đề tài tranh luận sôi nổi của các học giả, các nhà nghiên cứu. Nhưng tất cả đều thừa nhận cái đẹp của đồ sứ men lam Huế đó là sự trang nhã của màu men và sự tinh xảo của chất liệu. Trong vô số những màu men nổi tiếng của Trung Quốc thì nhà Nguyễn đã chọn một gam màu nhẹ nhàng và thoáng màu xanh nổi lên trên nền trắng. Điều đó tạo nên nét độc đáo, đặc trưng của đồ sứ men lam Huế. Nó vừa thể hiện tính cách và trình độ mỹ thuật của người Huế cũng như trình độ sử dụng màu điêu luyện của các nghệ nhân.
Nghệ thuật tạo dáng cũng làm nên sự khác biệt giữa đồ sứ men lam Huế với đồ sứ Trung Hoa và phương Tây. Nếu như đồ sứ Trung Quốc khá chú trọng vào các chi tiết phụ như quai nắp, chân đế khi luôn được cách điệu thành những con vật như rồng, lân… hay các dải triền chỉ, hoa lá, thì ở đồ sứ Huế các chi tiết đó thường chỉ chế tác đơn giản, khiêm tốn nhưng vẫn không hề có sự đơn điệu trong phương thức tạo dáng. Nét đặc trưng dễ nhận thấy nhất trong những thể loại đồ sứ men lam Huế là: xu hướng gọn ghẽ, xinh xắn và đồ sứ “ký kiểu” Huế không có những dáng kiểu cầu kỳ với những chi tiết phụ rườm rà.
Một nét đặc trưng thứ hai trong cách tạo dáng của đồ sứ men lam Huế là rất hiếm thấy những nét thẳng đứng hay gãy góc. Trừ một số đĩa trà “bo gãy” có những nếp lượn đột ngột tạo ra những góc cạnh giữa thân đĩa và chân đế, phần lớn các loại dáng kiểu của đồ sứ men lam Huế đều được gắn vào các chi tiết phụ không phải bằng những nếp gấp nhỏ như đồ sứ Trung Quốc mà chủ yếu là bằng những khối trung chuyển. Đặc biệt hơn hết là dưới triều vua Thiệu Trị và vua Khải Định đã thấy xuất hiện một số tô, bát, có miệng hình bát giác và những loại đôn sứ thân lục giác; điều nầy chứng tỏ yếu tố ngoại lai du nhập trong phong cách tạo dáng. Tuy nhiên, những yếu tố ngoại nhập nầy vẫn còn ít ỏi và bé nhỏ trước nghệ thuật tạo dáng tinh thế và mềm mại của Việt Nam.
Sắc hồn dân tộc
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng: “Những đồ sứ men lam Huế không chỉ phản ánh nhiều mặt đời sống sinh hoạt của cung đình nhà Nguyễn, trình độ mỹ thuật, ẩm thực, văn học mà lại còn là những tiêu bản chuẩn”. Chẳng hạn, nhìn đĩa hiệu Hồng Đức Niên Chế vẽ cảnh một người chèo đò qua sông, bên cạnh là những chú thiên nga cùng những câu thơ… Đó là bức tranh được khắc họa lại trên mặt đĩa nói về cảnh Sư Pháp Thuận chèo đó đưa sứ giả Lý Giác qua sông thời vua Lê Đại Hành. Tại đây, Lý Giác đã cao hứng ngâm hai câu thơ: “Nga nga lưỡng nga nga – Ngưỡng diện hướng thiên thai” và Lý Giác đã giật mình khi nghe ông lão chèo đò ngâm tiếp: “Bạch mao phô lục thủy – Hồng trạo bãi thanh ba”. (Tạm dịch: Song song ngỗng một đôi, Ngửa mặt ngó ven trời, Lông trắng phơi dòng biếc, Sóng xanh chân hồng bơi). Điều đó thể hiện tài năng, trình độ thi ca của tiền nhân được ghi lại trên đồ sứ men lam Huế.
Một số đồ men lam còn cho ta biết nơi sản xuất, niên hiệu của vua chúa như mang trên mình ký hiệu lò “Ngoạn Ngọc”, một số khác in dấu “Quang Tự niên chế”, một số khác lại mang dấu chữ “Nhật” là ký hiệu đời Nguyễn. Hay trên một số đồ sứ men lam có viết dòng chữ “Tự Đức niên tạo”, “Thiệu Trị niên”… Trên những loại đồ sứ khác lại ghi tên các triều vua từ Gia Long trở đi hay có những hàng chữ khắc của cơ quan Nội Vụ. Đó là những tài liệu quý giá, rất có ích cho thế hệ sau này tìm hiểu, nghiên cứu về mọi mặt của đời sống xã hội lúc bấy giờ.
Dựa trên những đồ sứ để lại, giúp ta biết được đồ sứ bắt đầu ký kiểu từ đời chúa Trịnh Sâm dưới triều vua Cảnh Hưng (1740 – 1786). Bên cạnh đó, thông qua bài phú “Đăng Hải Vân Quan” của Ngô Thời Chí – một văn sĩ thời Tây Sơn, thì có thể khẳng định đã có việc “ký kiểu” dưới triều Tây Sơn (1789 – 1801). Ngoài ra, trên đồ sứ, hậu bối cũng biết được những đoàn sứ Việt Nam sang Trung Quốc như người dẫn đầu là ai và đi năm bao nhiêu. Những bài thơ Nôm, loại văn tự không hề được người Trung Quốc sử dụng trên đồ sứ sản xuất tại Trung Quốc mà một số đã xác định rõ tác giả là Nguyễn Du, vua Tự Đức… Việc xuất hiện các địa danh, thắng cảnh ở Việt Nam như sông Hương, Hải Vân Quan, cửa biển Tư Dung… Cũng tìm thấy trên đố sứ. Chính vì vậy mà hiện nay những đồ sứ ngự dụng của triều Nguyễn đã trở thành những cổ vật hiếm quý, được giới sưu tập và các nhà nghiên cưu thế giới biết đến và đánh giá rất cao về giá trị lịch sử mà chúng mang lại.
– Trong giới sưu tập đồ sứ men lam Huế hiện nay không ai là không biết anh Trần Đình Sơn – một nhà sưu tầm, một nhà nghiên cứu cổ ngoạn có tiếng. Anh đã xuất bản rất nhiều sách giới thiệu về đề sứ ngự dùng và quan dụng thời Lê – Nguyễn. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng là nhà sưu tập sách. Hiện nay, trong tủ sách tại gia của anh Sơn đã có hơn 7000 đầu sách quý hiếm, trong đó có những sách thời Đông Dương được cụ Vương Hồng Sển tặng. – Gọi là đồ sứ ký kiểu vì đó là mẫu của Việt Nam và được đưa sang Trung Quốc đặt hàng. Vùng Giang Tây của Trung Quốc nổi tiếng về gốm sứ và thời Lê – Trịnh chủ yếu đặt hàng từ đây, còn nhà Nguyễn thì đặt tại Quảng Đông nên chất lượng và trình độ mỹ thuật không bằng Giang Tây.
|
Toàn Nguyễn