Một thời yêu ngọc

NIỀM ĐAM MÊ SĂN NGỌC


Trong thập niên 60 – 70, với mọi sinh viên Sài Gòn đấu tranh đòi tự do trong “Những đêm không ngủ”, cái tên Ba Vạn luôn được nhắc đến với tất cả trân trọng. Vì lúc bấy giờ anh là thủ lĩnh nổi tiếng của tầng lớp trí thức trẻ. Khi đất nước thống nhất, Ba Vạn cũng làm cho anh em đồng nghiệp vô cùng thắc mắc, vì đang giữ cương vị Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn bỗng nhiên lại xin nghỉ để làm kinh tế. Nhắc lại chuyện xưa, chú Tâm cười vui: “Hồi đó không ai biết chú đã có duyên nghiệp cùng với đá quý vì mỗi lần bí mật vào rừng liên lạc cùng tổ chức, chú cứ bần thần bên những tảng đá kỳ lạ mà theo thời gian phôi pha, đá lộ ra những đường vân óng ánh như ngọc. Thời ấy, đất nước còn cần tới bàn tay của mình thì phải lao vào chung tay chiến đấu, nay quê hương đã hòa bình chú muốn thỏa sức mình để theo đuổi cùng niềm say mê đã âm ỉ từ lâu”.

 

Đam mê thì dâng đầy nhưng để bén duyên và săn lùng được ngọc thì chú Tâm phải trải qua 1 kỷ (12 năm) lao tâm khổ tứ trong hành trình bôn ba mới tìm kiếm ra đá quý. Được người thầy dạy nhập môn là chuyên gia Lê Văn Sâm tận tình chỉ bảo, chú Tâm cùng sư phụ bắt đầu rong ruổi trên khắp mọi miền, ra sức tìm đá để đem về mài giũa để phân loại. Trời không phụ lòng người kiên trì, trải qua những năm đầu nợ nần chồng chất vì đeo theo nghề đá. Sau 35 năm sưu tầm, chú Tâm được đông đảo mọi giới, từ các nhà nghiên cứu đá quý trên thế giới đến những người yêu đá cảnh và cả giới nữ yêu thích thời trang biết đến vì sở hữu hai cửa hàng trưng bày đá mỹ nghệ tại quận 3. Trong đó có những khối đá quý giá trị đến cả triệu đôla mà trung tâm kỷ lục Việt Nam xác nhận đây chính là “Nhà trưng bày đá quý thiên nhiên nhiều nhất”.

KINH DOANH NGỌC PHẢI LẤY “TÂM” LÀM ĐẦU!


Như bao người khác, khi săn lùng được ngọc chú Tâm cũng bắt đầu tham gia trong việc kinh doanh để có nguồn thu nhập và cũng để thỏa mãn niềm đam mê yêu say đá cảnh. Tôi hỏi: “Làm sao chú biết được khối đá xù xì kia lại ẩn chứa trong ruột một khối ngọc lóng lánh tuyệt đẹp?”. Trầm tư, chú nói: “Thực sự, khi bước vào nghề này thì “độ cảm nhận về đá bỗng phát tiết giống như mình có giác quan thứ 6. Trong những chuyến tìm kiếm xa tít tận rừng sâu, có vô vàn tảng đá lăn lóc phơi gan cùng tuế nguyệt mà dân đi rừng thường ngồi nghỉ tại đó, nhưng tới khi hội ngộ cùng thì chú bỗng linh cảm trong đá là “Ngọc”. Vậy  là xin Trời Đất mang về nhà rồi cùng giàn thợ bắt tay mài giũa và đúng như linh tính mách bảo, khi lớp “da” được bốc ra thì đá hiện nguyên hình với sắc màu tuyệt đẹp cùng những đường vân lượn như mây, nhưng cái hay của ngọc thiên nhiên là: “Không bao giờ có một đường vân nào giống nhau cả. Vì vậy, tại phòng trưng bày Thiên Vạn không hề có chiếc vòng, chuỗi hay mề đay nào có cái thứ 2”, chú Tâm cho biết. Đây cũng là điều phải đặt lên hàng đầu cho chữ “tâm” của người kinh doanh đá, “kinh doanh mà không có tâm thì cũng sẽ không bao giờ bình ổn , làm người nên coi trọng luật nhân quả thì mới vững bền được”, chú Tâm nói thêm.


 

ƯỚC MƠ THÀNH LẬP BẢO TÀNG ĐÁ QUÝ
Dạo quanh xem các khối ngọc được chế tác với nhiều dáng vẻ kỳ dị và lạ mắt như: chim công, chim hạc, kỳ hưu, thiềm thừ, rùa, trứng khủng long, cá hóa rồng… dừng bước trước “Độc mã”, chú Tâm nhiệt tình kể cho tôi nghe về cơ duyên từ khối ngọc được tạc hình chú ngựa tung vó cất tiếng hí dũng mãnh, chỉ riêng việc chạm khắc chiến mã này đã ngốn hết 1 năm rưỡi với nhiều nghệ nhân tham gia. Tần ngần bên các khối thạch anh tím, hồng, vàng to lớn tuyệt đẹp chú Tâm chia sẻ: “Chú mong ước sẽ xây dựng tại Sài Gòn này một nhà bảo tàng đá quý mang tầm vóc quốc gia để mọi du khách quốc tế và người Việt Nam đến xem để hiểu thêm về Ngọc Việt. Trước đây, khi nói về ngọc ta cứ nghĩ phải đến các quốc gia như: Uruquay, Brazil, Pakistan, Trung Quốc, Chile, Indo, Ấn Độ thì mới là nơi sản xuất đá quý. Ở Việt nam do chiến tranh liên miên nên việc khai thác ngọc mới chỉ xuất hiện trong vài chục năm trở lại. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bản thân thì ngọc Việt có màu sắc rất lạ và không hề trùng lắp với bất cứ các loại ngọc nào trên thế giới. Cổ nhân xưa thường nói “Ngọc bất trác/ bất thành khí”. Mong sao dân Việt sẽ tự hào là ngay trên quê hương mình có những sản vật vô cùng tuyệt đẹp, mà hiện tại đại đa số người vẫn chưa am hiểu và vẫn vô tình sử dụng “ngọc nhân tạo” vì thói quen sính ngoại đã ăn sâu tận trong tâm trí”.

 

Mong rằng ước mong thành lập bảo tàng đá quý ngọc Việt của chú Ba Vạn sẽ thành công, để con cháu nhiều đời sau sẽ lại càng thêm tự hào về những thế hệ cha ông của mình.

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)