Nàng Bạch nữ & đàn chim cốc

 

Nàng Bạch Nữ – hậu duệ của “Phong – Hoa – Tuyết – Nguyệt”

Trên con đường thiên lý đi qua những kinh đô cổ của miền Vân Nam kỳ diệu, cổ thành Đại Lý nằm dưới chân núi Thương Sơn là một điểm dừng chân không thể thiếu. Đó chính là kinh đô rực rỡ kéo dài hơn 800 năm của người Bạch trước khi bị người Mông Cổ xóa sổ trên bản đồ như một quốc gia độc lập. Đại Lý mất, nhưng người Bạch vẫn trường tồn, họ vẫn giữ được bản sắc dân tộc, mà người ta đồ rằng “Bạch tộc tam trà đạo” được gìn giữ từ gần 2.000 năm qua là do họ luôn soi bóng dân tộc mình xuống hồ Nhĩ Hải, đó chính là thiên đàng sống của Bạch tộc mà những Bạch nữ là một minh chứng.

Không dễ dàng bị cuốn theo các loại thời trang phương Tây như những cô gái Hán, trong những ngày lang thang đi khắp Thương Sơn, Nhĩ Hải, tôi luôn thích ngồi ngắm những nàng Bạch nữ với trang phục truyền thống “Phong – Hoa – Tuyết – Nguyệt” với hai màu trắng , hồng làm chủ đạo càng tôn thêm nét đẹp thanh tú của các cô gái Bạch. Mà thật lạ, gần như 10 Bạch nữ được hỏi tên đều trả lời mình tên là Thanh Hoa mà sau này tôi mới biết đó là cái tên tự tin khi nhận mình đẹp của những cô gái. Cái đẹp của Bạch nữ không chỉ ở trang phục đầy ý nghĩa về cảnh sắc quê hương mình. Phong là những cơn gió mát mùa hè thổi từ hẻm núi Hạ Quan về; Hoa chính là loại Hoa trà biểu tượng cho sự thuần khuyết trong trắng của con gái Bạch; Tuyết là màu trắng của băng tuyết phủ kín đỉnh Thương Sơn, và Nguyệt chính là ánh trăng soi bóng trên hồ Nhĩ Hải. 

Theo nàng Thanh Hoa ra hồ Nhĩ Hải không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của hồ nước lớn thứ hai của Trung Quốc (sau hồ Điền Trì) nằm ở độ cao 1.972 mét với những hòn đảo đẹp như tranh thủy mặc như Kim Thoa đảo, Ngọc Kỷ đảo, Xích Văn đảo hay ngắm nhìn tòa Tam Tháp là một công trình kiến trúc cổ rất đặc sắc gồm ba tháp tạo thành hình Tam Giác với tháp chính là Thiên Thuần cao 69m, gốm 16 tầng tháp, được xây dựng từ thời Đường… mà còn để tận mắt chứng kiến công việc mưu sinh độc đáo của những người Bạch sống ven hồ: săn cá với đàn chim cốc .

 

 

Chim Cốc – thợ săn cá số 1 của nàng Bạch nữ 

Hôm nay, vợ chồng Lý Tân ra hồ săn cá muộn vì đàn chim cốc cái của họ đang mùa ấp trứng. Chỉ những con đực khỏe mạnh nhất mới theo họ ra hồ. Lý bà bà thả từng con chim cốc đứng trên mạn thuyền và trồng vào cổ chúng những chiếc vòng tròn bằng dây lạt, theo bà làm thế để chim không thể nuốt cá mỗi khi săn mồi, vì bản tính chim cốc rất phàm ăn. Chim cốc hồ Nhĩ Hải là loài sống hoang dã tự nhiên từ ngàn năm qua, nhưng thấy được khả năng lặn sâu có khi đến 20 mét nước để săn mồi nên những ngư phủ Bạch tìm bắt về và huấn luyện chúng bắt cá. Chim sẽ được luyện cách bắt cá từ khi mới lên một tháng tuổi, lũ chim con sẽ đi theo chim trưởng thành ra hồ và cho xem cách săn cá, đến khi được 100 ngày tuổi thì chúng sẽ được thả xuống nước và tham gia đi săn.

 

 

Ngư phủ Lý Tân và nàng Thanh Hoa cho thuyền ra tận khúc eo Liên Hoa, đoạn hồ có độ nước sâu đến gần 20 mét mà theo ông là nơi trú ẩn của loài cá chép to lớn, thịt rất ngon của hồ. từng chú chim cốc một được thả xuống nước, chúng cũng bơi lội bình thường như những loài chim, vịt trời khác, nhưng khi một chú phát hiện dưới làn nước có cá to là lập tức cả đàn đều lặn xuống đáy mất tăm, một cuộc đi săn dưới làn nước cực kỳ sôi động, mà phần thắng luôn nghiêng về phía những chú chim tinh khôn. Từng chú cá chép to lớn được những chú chim cốc ngậm thật chắc bằng những chiếc mỏ sắc bén đưa lên mặt nước, nàng Thanh Hoa phải hú gọi bằng một giọng đặc biệt, lũ chim mới bơi lại gần thuyền và giao con mồi cho chủ nhân. Lúc ấy nàng Thanh Hoa chỉ có việc kéo chú cá ra khỏi miệng chim.

Nàng Thanh Hoa cho biết, đàn chim cốc là tài sản vô giá của khoảng hơn 100 gia đình Bạch tộc sống bằng nghề săn cá quanh hồ Nhĩ Hải. Đàn chim không thể mua bán, vì khi chim được đưa về từ hoang dã và huấn luyện, chúng chỉ nghe theo giọng nói chủ với những âm từ được tạo riêng cho chúng và chỉ có sự khổ luyện của người Bạch với đàn chim mới có thể tạo ra thứ giá trị từ hoang dã kỳ diệu đến như thế. 

 

Trong những ngày thang lang cùng những nàng Bạch nữ quanh hồ Nhĩ Hải, tôi mới cảm nhận hết giá trị của Phong – Hoa – Tuyết – Nguyệt. Để làm ra một bộ trang phục cầu kỳ và nhiều màu sắc như thế những Bạch nữ đã được các lão tiền bối dạy cho cách thêu thùa từ khi  lên mười, và để hoàn thiện một bộ như thế có khi mất đến hàng tháng trời. Nhiều người cho đó là một kỳ công. Thế nhưng để có một đàn chim cốc biết đi săn “độc nhất vô nhị” như thế, những nàng Bạch nữ và gia đình có khi mất cả một đời . 

 

Bài & ảnh: BINH NGUYÊN