Tôi dõi theo Mỹ Tâm đến nay đúng mười lăm năm, từ cái buổi chiều mưa ướt át năm 2000 tôi trú mưa trong một quán nhỏ và gọi cho Hồng Ngọc xin số phone Tâm. Lúc ấy, xin số liên lạc là vì công việc: nhạc sĩ Từ Huy còn sinh thời muốn tôi viết một bài giới thiệu Tâm trên tạp chí Thế Giới Âm Nhạc, và anh cũng nhờ tôi tập, góp ý cho cô bé mười chín tuổi đồng hương của anh hát bài Quê Hương Tuổi Thơ Tôi. Cuộc gặp gỡ giữa anh em chúng tôi – tức Tâm và tôi – diễn ra vài hôm sau vào một trưa muộn, ở phòng chờ trên studio Trần Thanh Tùng góc đường Nguyễn Trung Trực – Lý Tự Trọng. Dĩ nhiên sau cuộc gặp ngắn đó, còn vô vàn cuộc gặp khác, dài hơn, và lúc nào cũng thân ái tràn đầy.
Giới học thuật tỏ ra khắt khe với Tâm, đây không phải là thiên kiến ghét bỏ gì hết, mà chỉ vì các vị thầy luôn kỳ vọng với một chất giọng đẹp đẽ và đầu óc thông minh như thế, Mỹ Tâm lẽ ra phải là một ca sĩ thuộc thế hệ trẻ nhất xếp được vào bảng kế thừa các nữ ca sĩ danh dự trong nhạc sử Việt. Hẳn là đòi hỏi như vậy cũng là khó: khó cho một cô gái sinh trưởng giữa thời nhiễu nhương của thị trường nhạc Việt, phải chèo chống sao cho đạt cả về danh tiếng lẫn độ nóng thương mại, đâu có yên ổn một bề có người nuôi ăn mà trau dồi học thuật như kiểu các ca sĩ may mắn ở châu Âu. Tâm xuất hiện muộn hơn thời vàng son của nhạc Việt một chút, có thể xem như ở giai đoạn thoái trào Làn Sóng Xanh, và nếu cô có đoạt giải này giải kia ở đây, cũng xem như là người khép lại giai đoạn hoàng kim vừa nói. Làm người đi đầu thì khổ, mà muộn thời cũng vất vả. Mỹ Tâm hoàn toàn không trông cậy được vào sức đẩy của Làn Sóng Xanh như những ca sĩ lớn hơn cô chỉ bốn, năm tuổi, như Trần Thu Hà. Không còn sân chơi náo nhiệt ấy nữa, cô phải bươn chải qua môi trường phòng trà và như thế, mặc nhiên đã phải đi hàng hai: phân nửa vốn liếng kỹ thuật và tri thức âm nhạc là học từ Nhạc viện (giảng viên Quốc Trụ), nửa khôn ngoan tiếp cận thị trường là học trường đời.
Sức bật của Mỹ Tâm lớn, dẫu người không ưa cô đi nữa cũng phải công nhận. Cùng trưởng thành từ Đoàn Ca nhạc nhẹ thành phố với Hồng Ngọc, Hiền Thục, thậm chí vào thời điểm tôi mới gặp Tâm, vị thế của cô còn chưa bằng hai bạn ấy. Tâm phát triển như diều gặp gió thuận, may mắn thì tất nhiên phải có đã đành, nhưng cô phải khác biệt ra sao thì mới vùn vụt trở thành ngôi sao lớn chỉ trong vài năm (2001 – 2002) như thế chứ? Những khác biệt nào?
1. Niềm say mê dành cho ca hát của Tâm vô cùng lớn và vô tư. Cô hát suốt ngày, mọi nơi, không biết mệt, không bao giờ chán. Hai năm trước, trong một dịp chúng tôi gặp nhau và có mặt tình cờ vài ca sĩ trẻ, thấy Tâm khuyên họ, “Tụi em hát bài của mình, viết cho mình mà vẫn còn ngắc ngứ chưa thuộc, đó là chưa đủ đam mê. Phải hát nhiều nữa vào.” Hồi còn rảnh rỗi, Tâm ở nhà tôi cả ngày dài và ôm đàn hát quên ăn. Hát như một nhu cầu, như hít thở. Không nghĩ hát như một phương tiện mưu sinh.
2. Âm vực tự nhiên của Tâm rộng, các khoảng vang đều, âm sắc có chất đồng (kim loại) rất quý. Lối phát âm dù không thực sự chuẩn xác nhưng lại ngộ nghĩnh đáng yêu. Cách biểu diễn của cô nồng nhiệt, chân thành; giao lưu khán giả vô tư, không để ý quá mức đến lời ăn tiếng nói, nên luôn thấy sự chân tình. Vừa hát đẹp trong studio, vừa hát live tốt và gần gũi như vậy, rõ ràng Tâm có tố chất ngôi sao.
3. Đường đi của Tâm là con đường khôn ngoan: chọn loại nhạc easy-listening nhưng không rẻ tiền, không quá dễ hát, vẫn trưng trổ được kỹ thuật mà lại đông người ưa thích. Cô không đi hẳn vào một thể loại nào, không jazz không blues, cô hát pop thuần túy, lâu lâu cần thể hiện thì làm đến nơi đến chốn, như bài R&B “Và Em Có Anh” thu bên Hàn Quốc. Tôi làm việc trong studio, đã quen tách tiếng hát ra nghe riêng (gọi là cappella track): chỉ nghe độc giọng hát không thôi mà vẫn thấy được người hát cảm nhạc tốt đến đâu, áp dụng kỹ thuật vào bài hát cụ thể ra sao, thì mới đánh giá đúng được trình độ người hát. Những cappella tracks của Tâm đều đạt chuẩn về mọi mặt: chính xác về cao độ, không có các tần số làm mệt tai, những dấu nhấn hài hòa khéo léo, cảm xúc nồng nàn.
Hành trình Tâm, nhìn một cách qua loa thấy dễ đi. Thật ra, đó là một hành trình ẩn giấu nhiều va vấp. Để chọn ra cái đúng, chỉ có một cách: thử/sai. Cũng may Tâm thông minh nhạy bén hơn người, nên cô nhận thấy ngay đâu là sai và chọn được cái đúng. Những người hát đều tin có Tổ nghề, mình được Tổ đãi nhiều hay ít. Nói tâm linh thì là vậy, và Tâm được Tổ thương. Còn lý tính, thì chúng ta cần nhìn nhận thành công của cô như một hệ quả tất yếu của các phẩm chất: linh mẫn, giỏi giang, mê nghề và chân thật.
NS Quốc Bảo
Theo Baotinnhanh