Quen lạ Melbourne

 

 

 NẾP SỐNG

 

Ba lô xách tay vừa được bỏ xuống ghế phòng đợi ở phi trường Tân Sơn Nhất, chiếc điện thoại đã rung lên những dòng tin nhắn, “Cô cảm thấy sao?”… bấm vội những dòng tin trước khi tắt máy, “Bình thường, giống như về Cai Lậy ăn giỗ”… Nhắn, nhưng trong bụng tôi đâu dám chắc. Cái gì cũng lần đầu, lần đầu đi hơn 6000Km, lần đầu ra khỏi nước… liệu tôi cứ thật tỉnh bơ như lúc này ngồi chờ giờ lên máy bay không? Tôi thầm nghĩ đến cảm giác cho con mình, khi con ngồi trên chuyến bay tương tự như tôi cách đây hơn vài tháng… Đẩy hành lý ra khỏi cổng Hải Quan Úc, chưa kịp ngơ ngác giây nào thì con trai đã ào tới “má má, con nè!”, rồi lăng xăng giành xách hết va ly đồ đạc. Bạn nhỏ đã nửa năm trời chỉ gặp trên webcam, bây giờ lại từng bước bên tôi trong suốt những ngày long rong trên đất Úc. 

Melbourne

 

 

Trời Melbourne mùa đông se lạnh, nhưng nắng vàng êm rực rỡ trên vài tầng cây cao vẫn còn xanh mướt trong công viên trung tâm thành phố. Tôi thấy mình tha hồ sãi bước qua thảm cỏ rộng, cố gắng để đừng lay động những người già và trẻ đang xếp bằng nhắm mắt tịnh tâm. Dường như tôi  quá lo xa, hít một hơi không khí trong trẻo, an lành như ở Cai Lậy quê nhà. Tôi bắt đầu cho mục đính chính của chuyến đi: tìm hiểu về nơi ăn chốn học của “bạn nhỏ”! Một vòng quanh Melbourne. Tôi thú vị ngắm những ngôi nhà không lầu dọc theo đường phố nhỏ. Nhà nào cũng chừa khoảng sân trước con con với vài bụi Trà Mi hay Mẫu Đơn hoa nở tung từng chùm cánh hồng tươi tắn. Không sang trọng, nhưng ấm áp. Ngôi nhà chắc cũng bình dị, hiền hòa như chủ nhân của nó. Gần gũi hơn khi tôi bắt gặp những khung hoa văn chạm trổ tinh xảo viền quanh mái hiên trước thềm nhà. Tôi nhớ đến những mẫu thêu hoa lá xinh đẹp trên tờ báo chuyên về thêu may của dì tôi, một nữ tu rất khéo tay theo học trường dòng Pháp những năm 40 – 50. Người Úc gọi ngắn gọn là nhà ren (*). Chủ nhân chỉ được phép sơn phết, tu bổ khung mái hiên viền ren cũng như toàn cảnh mặt tiền căn nhà, chứ không được phá để xây mới theo một thiết kế khác. Vui hơn khi con trai tôi sống gần những người ở một thành phố có lòng yêu quý và bảo vệ bản sắc nguồn cội, ngay cả khi cội rễ đó bắt đầu ở một nơi nào đó ở châu Âu xa xôi. 

Đêm Melbourne

7h tối. Những con đường không phải ở trung tâm thành phố đã vắng người. Từ khung cửa xe điện, tôi nhìn con phố nhỏ lù mù dưới hai hàng đèn vàng vọt. Từng dãy nhà nhỏ với những cụm Mimosa bây giờ nằm im lìm trong bóng tối mờ mờ. Bất giác tôi cứ tưởng mình đang dạo quanh một tỉnh lẻ nào ở Việt Nam. “Bạn nhỏ” dõi theo ánh mắt tôi, giật giật ống tay áo:

-Má thấy chưa, buồn không?

 Tôi gật gật đầu nhưng bụng lại nhẹ thầm… Buồn theo cách nhìn của con, nhưng má yên tâm hơn. Không có quán bar, phòng karaoke, rạp xi-nê, nhà hàng chỉ mở cửa ở trung tâm thành phố. Muốn đến được phải đi nhiều cây số. Du học sinh ki cóp như con của má thì sao có thể bước qua ngưỡng cửa những nơi này…

BÀI HỌC TỪ THIÊN NHIÊN

Những ngày ở Úc, con tôi nhất định muốn đi xem “thánh địa” của chim cánh cụt, một nơi biết được do bạn kể: đảo Phillip. Đường qua đảo xuyên qua những ngọn đồi cỏ tranh chơ vơ cao quá đầu người. Tôi lan man nghĩ xem có thể gán cho vùng đồi này cái tựa sách Đỉnh Gió Hú nổi tiếng của Emily Bronte hay không, thì mọi người ngồi cùng xe đã reo mừng. Rải rác từng chú Kangaroo nhô đầu khỏi bụi tranh, thô lố đôi mắt đen tròn xoe nhìn chúng tôi chăm chú, rồi cao hứng búng từng bước sãi dài theo một khoảng đường xa. Cỏ tranh sắc nhọn cứng khô, Kangaroo mềm mại uyển chuyển. Tự dưng tôi chạnh nhớ đến những con trúc nhỏ xíu bị lột da treo lủng lẳng ở các xe thịt rừng đường Phạm Viết Chánh. Se sắt! 

Gió biển và gió núi mùa Đông lạnh run. Mọi người ngồi xúm vào những bậc thềm gỗ bắc ven vùng đồi tổ của Penguin. Khi đất và biển ngả màu đen đặc, một con đơn độc không biết từ đâu trồi lên mép nước. Không màng ánh đèn pha sáng rực hay đám đông con người, nó cứ bất động hướng mặt ra biển. Hiểu rồi. Chỉ chừng vài phút, hai, ba, rồi hàng trăm Penguin đã đến vây quanh. Lặng yên một chút, rồi từng đoàn dắt díu nhau băng qua bãi cát rộng đến chân đồi lẫn mình vào những lùm cây thấp. Tưởng đã tạm biệt, khi leo ngược những bậc thang lên đỉnh đồi, tôi bắt gặp mình đi cạnh chú đầu đàn khi nãy. Nhỏ xíu, cao chỉ chừng hai tấc, bụng căng đầy cá, bước đi lũn chũn lạch bạch. Vậy mà đêm nào cũng vượt qua dãi cát rộng tìm về tổ trên khung đồi cao. Đây đó những chú Penguin về trước đứng đợi ở cửa chít từng hồi gọi bầy, nhìn sang định nói cho “bạn nhỏ” hiểu, nhưng dường như con tôi đã kịp nhận ra điều kì diệu ấy ở thiên nhiên và cũng góp nhặt được cho mình bài học quý giá!

 

 

 

 

Trường đại học RMIT tại Melborne có diện tích khá nhỏ so với RMIT Việt Nam. Ðó là cao ốc (gần giống như chung cư) nằm gần trung tâm thành phố, nhưng bên trong các phòng học được trang bị thiết bị rất tốt, nhất là hệ thống phòng lab và thư viện. 

 

Huỳnh Hoa Mỹ (Từ Melbourne – Úc)