Quyến rũ Cappadocia

Khám phá “Thung lũng nấm”

Bữa ăn đầu tiên trên đất nước giao thoa giữa hai lục địa Á – Âu này, chúng tôi được thết đãi món ăn truyền thống mang tên Kebap – súp được nấu bằng thịt dê cùng thịt bò và các rau củ với hương vị rất riêng đậm chất Thổ. Đặc biệt, chúng tôi còn được thưởng thức biểu diễn múa bụng của các vũ công ngay khi đang dùng bữa, khiến cả nhóm cứ ngây người không chán mắt vì trang phục và các điệu múa của các vũ công đẹp và gợi  cảm đến bất ngờ.

Chặng đầu tiên của chương trình khám phá Cappadocia là “Thung lũng nấm”. Quang cảnh nơi đây gây ấn tượng mạnh với mọi người. Nhìn  xa xa, tôi liên tưởng nơi đây là vườn đá nấm khổng lồ trong câu chuyện Eden huyền thoại. Tiếp tục viếng thăm khu địa hình mang tên “bề mặt Nguyệt cầu”, Nguyên kể: “Đây cũng là nơi mà các đoàn phim “Chiến tranh các vì sao”, “xâm lược Nguyệt cầu” lựa chọn làm bối cảnh vì qua ống kính thiên văn vũ trụ Hubble, mặt trăng, sao hỏa có địa hình giống hệt như vậy. Đây cũng là điểm đặc biệt mà chỉ riêng Cappadocia được thiên nhiên ưu đãi vì sự bào mòn bề mặt qua hàng triệu năm đã tạo nên vô số nếp gấp trên bề mặt địa hình đá mềm trong thung lũng. Cảnh vật này hiện đang được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tôn tạo và bảo vệ như kho ngọc quý của quốc gia, qua đó việc quảng bá  du lịch đã khiến Cappadocia trở thành một trong những địa danh hấp dẫn trên thế giới”.


 

Kỳ bí thành phố dưới lòng đất và trên cao

Kế tiếp, chúng tôi đi thăm Kaymakli – là thành phố dưới lòng đất với độ sâu khoảng 27m. Theo hướng dẫn, cả nhóm từ từ chui vào đường hầm rộng, tôi để ý thấy đất ở đây có màu trắng ngà ngà chứ không đỏ sậm bùn hoặc đen xám như ở địa đạo Củ Chi. Vào thành phố ngầm này, Nguyên nhường quyền tour leader (trưởng đoàn) cho một người bản xứ và luôn miệng nhắc mọi người cẩn trọng chú ý theo hướng của mũi tên chỉ đường được dán cẩn thận ngay từng lối rẽ. Mohamet – tên người trưởng đoàn mới luôn nhắc chúng tôi để ý trên đầu vì lối đi đã dần hẹp lại. Dừng chân tại một ngôi nhà thờ cổ  trong lòng đất, Mohamet nói: “Các nhà khảo cổ khi khai quật Cappadocia cho biết, cách đây hàng nghìn năm, những hang động này được người Do Thái cổ xây dựng để trốn tránh sự tàn sát của đoàn quân thuộc triều đại đế chế La Mã. Trong lòng miệng núi lửa đã tắt này là những thành phố có hàng trăm nghìn dân sinh sống, qua khảo cứu với những dụng cụ thô sơ họ đã làm được những ngôi nhà có đủ phòng khách, phòng ăn, bếp, nơi làm rượu vang, nuôi súc vật và thậm chí xây dựng cả nhà thờ”.

Được biết, trong thế kỷ 19-20 các nhà khảo cổ đã liên tiếp phát hiện ra nhiều mê cung trong khu vực này với độ sâu lên đến hơn 100m nhưng vì lý do an toàn du khách chỉ được tham quan đến độ sâu 27m. Trong những ngôi nhà là những ống thông hơi nhìn thoáng qua giống hệt nhiều hố sâu hun hút, cái hay của các ống này là được đào trước tiên (để dẫn khí thở), kế tiếp thợ làm nhà trong hang mới khoét ngang để tiến hành tạo ra các phòng khác. Hiện nay người dân ở Cappadocia sử dụng những ngôi nhà trong lòng đất làm nơi trữ thực phẩm, làm hầm rượu… hoặc khai thác thành khách sạn, nhà hàng để tăng thêm phần hấp dẫn cho du khách.

 

Rời Kaymakli, chúng tôi tiếp tục đến thăm khu dân cư Goreme Uchisar  được xây dựng trên ngọn đồi, điểm đặc biệt của nơi đây là các cư dân cổ đã biết tận dụng địa thế thiên nhiên nên họ chỉ việc khoét sâu vào đồi núi tạo thành nơi ẩn náu, dần dần cuộc sống ngày càng được cải thiện, óc mỹ thuật cũng nâng cao nên người dân đã khéo léo thiết kế cả vùng núi đồi này thành một khu dân cư lớn trong đó có đủ những chức năng như nhà hàng, khách sạn, nhà thờ, chợ búa… ngay trong lòng núi. Nhìn xa xa, cứ tưởng quả núi này như một tổ ong khổng lồ với các cửa sổ (vốn là các lỗ hang).

Mới lạ khinh khí cầu

Ngày cuối cùng, cả nhóm quyết định mua vé đi khinh khí cầu dù lúc đầu tất cả đều gạt bỏ chương trình này, vì vé khá đắt khoảng 120USD /1 người cho 3 giờ trên không trung. Nhưng có ra sân thì nỗi đam mê được bay lượn trên những quả bóng sắc màu rực rỡ đã khiến chúng tôi quyết định hy sinh mọi khoản tiêu xài và lao vào cuộc chơi kỳ thú. Trên chiếc giỏ tôi tưởng chừng mình như đang quay trở về thế kỷ 17-18, lúc này sức gió với cái lạnh làm tai của tôi lùng bùng và nước mắt tràn đầy mặt nhưng cái cảm giác bềnh bồng trong giỏ khinh khí cầu và giơ tay vuốt những đám mây lung linh ánh cầu vồng rực rỡ là một kỳ thú không bao giờ quên được.


 

Cả nhóm tiếp tục viếng Pigeon house (nhà bồ câu) – nơi cư ngụ của hàng trăm ngàn chú chim câu được người dân Thổ Nhĩ Kỳ yêu quý và khoét tặng cả một quả đồi lớn để chim chóc được tư do ẩn náu. Tại đây du khách thỏa mình trong thiên nhiên và nhè nhẹ vuốt ve những chú chim hiền lành với tiếng kêu gù gù thật dễ mến.

Sau những ngày lưu lại trên đất Thổ Nhĩ Kỳ khám phá những cảnh đẹp thiên nhiên và giao lưu văn hóa cùng với đất nước giao thoa Á – Âu này, trong chúng tôi ai cũng có những niềm riêng, nhưng có một điểm chung là chúng tôi đã không bõ công khi chọn nơi đây là điểm du lịch của mình.

Quỳnh Hạ